.
KỶ NIỆM 54 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 - 7-5-2008)

Áp giải tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ

Ngày 8-5-1954, đơn vị chúng tôi đang thu dọn chiến trường tại khu vực A1 và đồi Cháy thì được lệnh cử một số đồng chí đi thu gom tù hàng binh địch áp giải về trại giam ở hậu phương. Đây là nhiệm vụ đặc biệt đầu tiên trong đời bộ đội của tôi.

Mừng lắm nhưng rất lo…, từ một thanh niên nông thôn mới xa đồng ruộng vào bộ đội, tham gia chiến đấu chưa được bao lâu, vóc dáng thấp bé nhẹ cân, khẩu súng trường vượt quá đầu người, nay áp giải toàn bọn lính lê dương Âu Phi cao to lực lưỡng, mới hình dung đã thấy ngại… Được cán bộ động viên: Mình là người chiến thắng, chúng nó đã đầu hàng, tay không vũ khí, tên nào không chấp hành thì trói tay lại, dẫn đi, ốm đau tự khiêng nhau…, chúng tôi thấy yên lòng với nhiệm vụ được giao. Cứ một tổ 3 người áp giải 1 đại đội tù binh địch, trang bị tiểu liên Sten chiến lợi phẩm.

Nhớ lại ngày nào còn ở quê nhà, mỗi khi gặp các chú bộ đội về làng, cánh thanh niên chúng tôi lân la nhìn những khẩu súng mà ước ao một ngày nào đó đi bộ đội và được sở hữu những khẩu súng như thế thì “oai” biết mấy, hôm nay không chỉ có súng mới mà còn áp giải cả Tây tù binh! Được đi ban ngày, đêm nghỉ, tù binh phải cố gắng đi đến trạm mới có tiếp tế hậu cần. Nhớ ngày đi chiến dịch hành quân ban đêm, xuyên qua các cánh rừng già Tây Bắc tiến vào Điện Biên Phủ, tránh sự dòm ngó của máy bay địch. Bây giờ thắng trận, ta không chỉ có đêm mà còn làm chủ cả ban ngày và có cả tù binh nữa. Nhiều tù binh Âu Phi tỏ vẻ vui thích khi ra hàng, họ đều muốn sớm chấm dứt cuộc chiến tranh tuyệt vọng, không mang lại lợi lộc gì cho họ. Có những tên ngang bướng không chấp hành nội quy, bỏ trốn vào rừng bị đồng bào dân tộc phát hiện, bắt giao lại cho bộ đội, có trường hợp không gặp dân đã bị chết đói trong rừng.
 
Chúng tôi được lệnh: Tù binh trốn không phải đi tìm, vì 3 anh em chúng tôi phải áp giải 120 tù binh, những người rơi rớt dọc đường có bộ phận khác lo. Có gần bọn địch mới thấy chúng bộc lộ bản chất những tên lính đánh thuê: phân biệt chủng tộc giữa lính Tây da trắng với lính thuộc địa da đen, cấp trên với lính phân biệt rõ ràng, ngay trong khi cùng chung số phận là tù binh với nhau. Tuy bất đồng ngôn ngữ nhưng qua cách đối xử không tốt của chúng với nhau, anh em chúng tôi phải trấn áp, ngăn chặn ngay, nhiều tên được chúng tôi cảm hóa trở nên ngoan ngoãn, “đi đến nơi, về đến chốn”.
Vừa trải qua những trận chiến đấu ác liệt dài ngày, đầy căng thẳng với địch, bây giờ chúng tôi phải áp giải một đoàn quân thất trận ô hợp, nhiều hôm chúng ngồi ì ra giữa đường không chịu đi, còn lăng mạ đánh nhau, lấy đồ dùng của nhau.
 
Mới cách đây mấy ngày, chúng là những tên lính Pháp hung hăng đi xâm lược, nã súng vào đồng đội chúng tôi, giành giật với chúng tôi từng đoạn hào, lô cốt… Để có chiến thắng hôm nay, biết bao đồng đội đã ngã xuống trước họng súng của chúng. Bây giờ, bên cạnh chúng tôi vẫn là những con người đó! Chỉ khác, bọn họ đã bị quân đội ta đánh bại ý chí xâm lược, tước hết phương tiện gây tội ác, phải đầu hàng những người nông dân cầm súng còn rất trẻ, bé nhỏ, hiền lành nhưng rất dũng cảm. Những cặp mắt lấm lét không bao giờ dám nhìn thẳng vào chúng tôi mỗi lần tiếp xúc, chúng khoanh tay thưa ông, thưa ngài…, những từ trân trọng và xa xỉ kia, đời tôi chỉ được nghe duy nhất có một lần khi áp giải tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ về hậu phương cho đến nay.

Chúng tôi cố gắng giữ nghiêm kỷ luật chiến trường và chính sách tù hàng binh, đối xử với họ nhân hậu. Khẩu phần ăn hằng ngày của những người lính chiến thắng tuy còn đạm bạc, nhưng “anh nuôi” ở các trạm tiếp đón tù binh đều có cơm dẻo, canh ngọt, có ít thịt tươi bồi dưỡng, những tù binh dọc đường bị ốm, bị sốt rét có quân y của ta chăm  sóc thuốc men và được ăn khẩu phần đặc biệt…

Nhiều tên lính da đen đã khóc như trẻ nhỏ vì xúc động trước thái độ đối xử nhân hậu của bộ đội ta. Chúng tôi thấm thía câu thành ngữ của dân tộc ta: “Đánh kẻ chạy đi, chứ ai đánh người chạy lại”, vừa thể hiện tính nhân đạo, vừa toát lên cái thế của người chiến thắng. Chúng tôi chấp hành kỷ luật quân đội và kế thừa tính nhân văn của dân tộc đưa tù binh về hậu phương an toàn, thắng lợi. Thế là đơn vị chúng tôi có thêm món quà nhỏ gửi về chiến khu mừng thọ Bác Hồ kính yêu, chắc Bác vui lắm! Vì không chỉ chúng cháu thắng trận, bắt tù binh mà còn đưa chúng về trại giam an toàn.

Trên đường hành quân về hậu phương, tù binh địch ca hát vui vẻ, bộ đội ta vui mừng khôn xiết. Nhưng chắc mỗi bên ẩn chứa những nỗi niềm khác nhau, người chiến thắng ngẩng cao đầu hát vang bài ca: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa…”, còn chúng hát vì thoát chết ở Điện Biên và đó là “điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”.

HỒ THÀNH TRUNG (Cựu chiến binh Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316)

;
.
.
.
.
.