.
LỐI ĐI DÀNH CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Vẫn còn khiếm khuyết

.

Sau màn trình diễn văn nghệ  khá ấn tượng, và chỉ hơn 30 phút làm thủ tục ngay tại Cảng Tiên Sa, đoàn du khách đến từ nước Ý trên chiếc tàu du lịch Costa Allegra đã có mặt trước khu vực Nhà hát Trưng Vương. Trong buổi sớm mai đầy nắng của thành phố biển Đà Nẵng, mọi thành viên trong đoàn đều rất hăm hở cho chuyến thăm và mua sắm ngay tại trung tâm thành phố.

Lối đi dành cho người khuyết tật vẫn còn gập ghềnh.

Thế nhưng với riêng chị Al Lami, người khuyết tật duy nhất trong đoàn phải di chuyển trên chiếc xe lăn, sự hăm hở khám phá thành phố đã nhanh chóng biến mất, thay vào đó là cảm giác hụt hẫng vì phải vật vã với lối đi trên phố không dành cho người khuyết tật.

Mặc dù đã có người trong đoàn đẩy xe lăn giúp, nhưng đoạn đường từ trước Nhà hát Trưng Vương đến chợ Hàn quả thực quá dài, bởi vỉa hè không có chỗ dành cho người đi xe lăn như chị. Sau một hồi loay hoay, cuối cùng cả hai quyết định đẩy xe xuống lòng đường trong nỗi lo trước cảnh xe máy ào ào lướt qua hai người. Thế nhưng mọi chuyện vất vả nhất mới bắt đầu khi cả hai đi vào chợ. Vì lối đi giữa các quầy hàng quá nhỏ, một phần do người bán hàng bày biện lấn ra lối đi, nên sau một hồi đứng “ngắm nhìn” chợ, cả hai quyết định quay trở lại xe. Theo những người bán hàng tại chợ Hàn, đã có không ít du khách đi bằng xe lăn đến chợ mua hàng lưu niệm được các anh bảo vệ đưa xe lên tầng 2, nhưng lên được rồi đi lại không được và muốn tìm đường xuống cũng không xong.

Khách du lịch còn gặp khó khăn như vậy, còn những người khuyết tật phải đi xe lăn tại thành phố cũng không khác hơn. Theo anh Trần Minh Hùng, một người khuyết tật làm nghề bán vé số, gần như không có lối đi cho xe lăn. Vỉa hè và lòng đường lệch nhau ít nhất từ 15 cm trở lên, đã vậy đa số đều bó vỉa hè theo kiểu “dựng đứng” nên những người khuyết tật vốn sức khỏe đã kém rất khó khăn khi đưa xe lăn từ lòng đường lên vỉa hè. Chính vì khó khăn quá nên anh đã có “sáng kiến” là kẹp theo hai chiếc đòn nhỏ để di chuyển từ xe lăn sang vỉa hè bán vé số.

Không thể phủ nhận vài năm gần đây, trong thiết kế giao thông, các ngành chức năng đã lưu ý đến việc lưu thông của người khuyết tật đi xe lăn như trên đường Bạch Đằng đã “trổ” một số lối đi có độ dốc thuận lợi cho người đi xe lăn tự di chuyển từ lòng đường lên vỉa hè và ngược lại. Hay tại Sân vận động Chi Lăng, Ga Đà Nẵng đã có lối đi dành cho người khuyết tật. Một số nhà vệ sinh công cộng cũng có lối đi dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, chỉ chừng đó vẫn  chưa đủ và lưu thông trên đường phố bằng xe lăn của người khuyết tật vẫn bộn bề khó khăn.

Một ví dụ là trên đường Bạch Đằng quá ít lối đi cho người khuyết tật nên họ muốn đi từ lòng đường lên vỉa hè phải di chuyển khá xa. Đã vậy lại thiếu lan can để họ có thể bám vào đưa xe lên, vì thế nếu không có người khác hỗ trợ, họ rất khó tự đi lại được. Một số nơi khác đã làm đường đi cho người khuyết tật thì độ dốc lại khá lớn và không đồng bộ nên cũng trở ngại khá nhiều. Sân vận động Chi Lăng là một ví dụ. Ngay sát đường bên khán đài A có hai lối dành cho người khuyết tật, thế nhưng các lối đi từ đường Ngô Gia Tự hay Triệu Nữ Vương đều rất khó vào. Vì thế gần như chưa có người khuyết tật nào đi xe lăn vào xem những trận bóng đá trong suốt những năm qua.Đây là những tồn tại rất cần được lưu ý, nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể tham gia giao thông thuận lợi.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.