.

Năm con tim, một suy nghĩ

.

Bài hát “Hiến máu nhân đạo - Bài ca tuổi trẻ” của nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái có đoạn viết: “Bao người đang chờ chúng ta tấm lòng nhân ái sẻ chia/ Giúp nhau một giọt máu hồng/ Dắt nhau qua bờ tử sinh/ Hiến máu cứu người là truyền thống ngàn đời của cha ông....”. Có lẽ ý nghĩa thiêng liêng của ca từ ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến Nguyễn Hồ Xuân Thịnh.

Nguyễn Hồ Xuân Thịnh (ngoài cùng bên phải) cùng gia đình và các em.

Năm anh em Thịnh có nét mặt rất hiền. Thịnh là anh đầu, năm nay 29 tuổi, còn đứa em út đang học năm cuối ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn. Tất cả đều đã trưởng thành và đối với họ, mỗi lần đi hiến máu là một kỷ niệm vui.

Năm 2002, Nguyễn Hồ Xuân Thịnh là Phó Bí thư Chi đoàn Khái Tây, phường Hòa Quý. Trong một lần Đoàn phường phát động phong trào hiến máu nhân đạo, Thịnh nghĩ: “Bản thân mình mà không đi đầu thì vận động ai người ta nghe cho”, rồi tự nguyện tham gia ngay. Kỷ niệm lần đầu đi hiến máu của anh là: “Sau khi cho máu xong, mình cùng một số anh em lấy tiền bồi dưỡng mua mấy chai bia về lai rai, đùa với nhau là nhậu cho… bổ máu”.

Các em của Thịnh, Nguyễn Chí Thành sinh năm 1982, hiện đang công tác tại Công ty CP Xây dựng nhiệt đới với 3 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Tương tự, Ngọc Hạnh (1984), Thanh Thảo (1988), Thanh Thủy (1990) đều hơn một lần mang dòng máu nóng của mình san sẻ cho mọi người. Trong thời gian sinh hoạt tại địa phương, năm anh em Thịnh đã động viên nhau, tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn, Hội.

Có thể nói rằng, năm anh em “nhà họ Nguyễn” ấy là một trường hợp đặc biệt trong phong trào vận động hiến máu nhân đạo của Thành Đoàn Đà Nẵng, của chiến dịch truyền thông hưởng ứng nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4 và Ngày quốc tế tôn vinh người tình nguyện hiến máu 14-6. Họ còn rất trẻ để tiếp tục tham gia vào “đội quân” đem máu cứu người trên toàn thành phố, một công việc thật bình dị nhưng không kém phần thiêng liêng này.

Hiện nay, nhiều bệnh viện phải đi về vùng nông thôn để lấy máu cứu người bệnh. Việc người bệnh phải chờ đợi từng giọt máu để được cứu chữa là một thực trạng đang phổ biến ở nhiều bệnh viện. Lượng máu thu được còn quá ít so với nhu cầu nên những ca chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động; những ca phẫu thuật hiện đại như cấy mô, chữa trị xuất huyết tiêu hóa, phụ nữ bị băng huyết khi sinh con... là những trường hợp luôn cần máu. Chính vì lý do xã hội này mà cả năm anh em đều cảm thấy việc mình làm cũng chỉ như muối bỏ bể, mặc dù biết rằng mỗi lần hiến máu là một lần làm từ thiện có ý nghĩa.

Thịnh khuyên những người trẻ tuổi nên tham gia hiến máu nhân đạo. Đó cũng là cách giúp mình biết được dòng máu trong người thuộc nhóm nào, là cơ hội để có thể kiểm tra sức khỏe chính mình. Theo Thịnh, công tác vận động đoàn viên, thanh niên hiến máu chỉ thật sự khó khăn khi vận động những bạn trẻ lần đầu tham gia thôi. Có lúc ừ è đâu vào đó rồi, nhưng khi đến “hiện trường”, các bạn thấy máu đâm sợ và... cứ nằng nặc đòi về, không chịu hiến nữa.

Kinh nghiệm của anh qua 8 lần cho máu là: Trước khi cho máu nên uống sữa hoặc nước trà đường. Không nên ăn sáng. Không uống rượu bia 24 giờ trước đó... Vì những điều này sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim, máu loãng. Sau khi cho máu, nên ăn những thức ăn có nhiều chất đạm. Đây là kinh nghiệm bản thân cũng như được tích lũy trong những lần vận động đoàn viên, thanh niên tại cơ sở.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có rất nhiều tấm gương sáng trong phong trào hiến máu nhân đạo như anh Võ Thanh Phong (trên 25 lần), vợ chồng anh Đặng Văn Thành (trên 25 lần), anh Lê Viết Phương (28 lần)... Họ là thành viên của Câu lạc bộ 25 thành phố Đà Nẵng. Đó là nơi quy tụ những người có số lần hiến máu từ 5 đến 10 lần trở lên, tự nguyện hiến máu nhắc lại thường xuyên mỗi năm từ 2 đến 4 lần, phấn đấu đạt 25 lần theo khuyến khích của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo thành phố.

Năm anh em Thịnh đã đập cùng một nhịp theo lời dạy của Bác Hồ trong ngày sáng lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23-11-1946) là: “Phải xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. CLB 25 cũng là mục tiêu của họ trong tương lai với suy nghĩ có thể làm vợi đi ít nhiều nỗi đau thương cho người, cho đời bằng một dòng máu nóng...

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.