.

Nằm viện một mình

.

Trong sân Bệnh viện Đà Nẵng, chúng tôi đã từng gặp một phụ nữ ăn mặc rất tinh tươm chen trong đám đông những người xin cháo từ thiện, chị bộc bạch: Tôi xin cho một bệnh nhân (BN) nằm chung phòng với mẹ tôi. Ông ấy không có người thân, hoàn cảnh bi đát lắm nên mọi người trong phòng cứ thay phiên đi xin cháo về cho ổng ăn cả ngày.

101 mảnh đời

Các y tá trở thành những người thân của những BN  không có người thân.
Ở Khoa nội Tim mạch-Bệnh viện Đà Nẵng có một BN nam đang hôn mê, trong bệnh án ghi nguyên nhân nhập viện là đột quỵ tăng huyết áp, nhũn não với tên gọi là: Nguyễn Nam Năm Bảy. Không có người thân để hỏi, bác sĩ phải ghi tên BN bằng số thứ tự khi nhập viện để thuận tiện cho việc theo dõi bệnh. Theo bác sĩ Linh (Khoa Nội hô hấp), thông thường, khi nhập viện, người nhà BN vì lo lắng ngày nào cũng tìm gặp bác sĩ để hỏi thăm về diễn tiến bệnh của người thân.

Nhưng trường hợp ông PN, nằm viện đã mấy tháng nhưng chưa bao giờ bác sĩ, y tá thấy người thân đến hỏi han về tình hình bệnh, dù ông đang bị hen viêm phổi rất nặng. Thở khò khè rất khó khăn, nhưng ông N vẫn một mực nói rằng: “Con trai tôi cực khổ, làm nghề xe thồ vất vả để kiếm sống nhưng tối nào nó cũng đem cơm vào cho tôi ăn cả”. Thực chất, mấy tháng ở bệnh viện, ông N sống bằng những tô cháo tình thương, đau ốm không thể bước nổi và những BN khác đã đi xin giúp cho ông ăn. Còn cụ Trương Thị Thái, năm nay 84 tuổi, nằm viện đã 8 tháng và thời gian không nằm viện, cụ nương náu cửa chùa.
 
Một BN không giấu được cảm xúc, bật khóc kể rằng: “5 đứa con của tôi đưa tôi vào viện để ở nhà chúng nó phân chia tiền đất giải tỏa đền bù”. Một gia đình có con cái khá giả thuê người chăm sóc mẹ. Khi bắt gặp người làm la mắng, cộc cằn với mẹ, người con tỏ ý bực tức thì người chăm sóc thuê đã thẳng thừng nói: “Chính cha mẹ anh mà anh còn không chăm sóc, huống gì chúng tôi là người dưng nước lã”. Người con trai đó chỉ biết cúi đầu, im lặng…

Nhiều cụ đã thú nhận rằng, tuổi già hay cái chết cũng không đáng sợ bằng sự cô đơn, thiếu thốn tình cảm và khi phải nằm một mình trên giường bệnh chiêm ngẫm sự đời. Sự cô độc đến trống rỗng, ù đặc trong suy nghĩ khi các cụ nhận thấy trong gia đình, những người thân trở thành những kẻ xa lạ, không còn biết quan tâm đến nhau nữa, kể cả lúc ông bà, cha mẹ sắp đối diện với cái chết, mỗi người chỉ chăm lo cho lợi ích của bản thân.

Nằm viện: Nỗi cô độc của tuổi già

 Nằm viện một mình - nỗi buồn của nhiều người già cô đơn, gặp cảnh đau ốm.

Người già điều trị trong Bệnh viện Đà Nẵng rất đông nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất là ở Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch hô hấp và Nội Tim mạch. Mỗi khoa đều có trên dưới 100 BN và người già chiếm tỷ lệ đến 70-80%. Ở Khoa Nội hô hấp, những bệnh như hen, viêm phổi, dị ứng, phổi tắc nghẽn mãn tính cũng như bệnh huyết áp, tai biến mạch máu não, suy tim ở Khoa Tim mạch, là những căn bệnh gần như đặc thù của người lớn tuổi đã khiến nhiều BN nằm viện gần như thường xuyên, có người nằm đến 7 - 8 tháng/năm, ra vào viện như đi chợ đến độ đã xem bệnh viện như nhà ở.

Khi nằm viện, phần lớn người già đều có con cháu chăm nom nhưng cũng không ít trường hợp không có người thân hoặc có mà như không. Y tá chính Huỳnh Thị Thu Hường (Khoa Nội Tim mạch) chuyên làm nhiệm vụ tiếp xúc với người nhà bệnh nhân về viện phí, thường xuyên phải chứng kiến những sự việc hết sức đau lòng. Nhiều người đưa cha mẹ đến nhập viện nhưng nhất định không chịu nhận đó là cha mẹ để không phải đóng tiền. Có người vì hoàn cảnh gia đình quá cực khổ nhưng cũng lắm gia đình đông con và họ đều khá giả nhưng vì tỵ nạnh trách nhiệm đã đùn đẩy nhau không chịu nộp tiền. Một người mẹ đã mếu máo khóc khi nói thật với bác sĩ: “Con gái tôi đó cô ơi, nhưng vì quá nghèo nên không dám nhận tôi là mẹ”. Đau lòng hơn, nhiều gia đình có bà con ở Mỹ, thỉnh thoảng đưa cha mẹ vào viện, xin giấy nhập viện để người thân gửi tiền về.
 
Bác sĩ Mai Quốc Thông, Trưởng khoa Nội Tim mạch cho biết: “Do nằm lâu ngày, nhiều BN thường bị vết loét ở lưng, nhiều BN cứng khớp phải cho ăn xông qua dạ dày, những BN bị xơ vữa động mạch phải cưa chân tới háng… BN những khoa này cần sự chăm sóc gần như toàn diện, nhưng nhiều trường hợp người bệnh không có người thân đi cùng, hộ lý và y tá của khoa phải đảm nhiệm, cáng đáng hết tất cả công việc chăm sóc hằng ngày”.

Nằm viện điều trị khi tuổi đã xế chiều, đó là thời điểm đáng sợ nhất trong đời người khi trong cuộc sống, niềm vui đã không còn được nhân đôi và nỗi buồn đã không còn ai chia sẻ; khi xã hội có những con người xuống cấp về đạo đức, dần dà tự đánh mất sự yêu thương trong trái tim mình. Và như vậy, phải chăng, phần thiệt thòi, buồn tủi, cô độc luôn nằm phía các cụ, những người già đang nằm bệnh viện hôm nay?

THU HÀ

;
.
.
.
.
.