.
NGÀY QUỐC TẾ CHỮ THẬP ĐỎ (8-5)

Xả thân tại những điểm nóng về thiên tai

.

“Loa! Loa! Loa! 12 giờ đến, mực nước sông Cẩm Lệ lên trên báo động ba 20 centimet thì đề nghị bà con sơ tán…”. Dẫu các phương tiện dự báo thời tiết đã tân tiến hơn nhiều thì chiếc loa tay trông “cổ lỗ” của đội cứu hộ chữ thập đỏ vẫn sát cánh cùng bà con trong từng cơn hoạn nạn.

Đã trên 50 năm, kể từ ngày Việt Nam chính thức gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cũng là chừng ấy năm, các “chiến sĩ thầm lặng” của đội ứng cứu đã xả thân tại những điểm nóng nhất về thiên tai.

Đội ứng cứu vẽ sơ đồ vùng có thảm họa.

Ở đâu có thể làm được thì xông vô

Câu chuyện của ông Lê Văn Giá, đội trưởng đội cứu hộ phường Khuê Trung đưa chúng ta trở về những ngày cách đây 10 năm. Ngày ấy, chưa sắm được điện thoại di động, chưa có phương tiện cứu hộ chuyên nghiệp, chỉ có đôi chân đi bộ suốt 40 km từ Cẩm Lệ lên Phú Túc, cùng một quyết tâm là làm sao tìm được xác của một gia đình gồm 5 người vừa bị chôn vùi do lũ quét bất ngờ ập đến trong đêm. Đối với đội ứng cứu phường Khuê Trung, tay không tìm được thi thể 5 nạn nhân, đưa về nhà lo mai táng chu đáo là một việc “đại sự” tại thời điểm ấy. Bây giờ, những đợt cứu trợ, những việc làm đồng hành với đồng bào vượt qua thiên tai được coi là chuyện bình thường, chuyện cần làm của một hội viên CTĐ. Không chỉ hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mà cả Đông Giang, Tây Giang, Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn… chỗ nào cũng có mặt đội ứng cứu, nếu cần.

Bão vừa dứt, những người làm công tác ứng cứu đã lao ra giải quyết hậu quả cho đến khi mọi việc trở lại gần như bình thường họ mới quay về trong sự “hú hồn” của người nhà. Trong túi áo của ông Giá luôn đầy bông băng sơ cứu. Ông khoe: “Ứng cứu mà. Phải sẵn sàng mọi lúc mọi nơi. Khi cần không có chuyện đợi về nhà lấy đồ, mà alô là có mặt. Thi thoảng, còn nhận vài lời phàn nàn của người thân vì cứ đi “tuốt tuồn tuột”.

Không có buồn, chỉ gọi là “không vui” thôi

 
Với chủ đề: “Cùng hành động để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu”, mục tiêu của Ngày Quốc tế Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ năm nay là nâng cao nhận thức của nhân dân về những hậu quả khủng khiếp do biến đổi khí hậu gây ra; chỉ ra các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu; kêu gọi sự hợp tác giữa các thành viên cùng ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời, kêu gọi toàn thế giới cùng nhau hành động để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Hình ảnh một cô gái xin theo đoàn cứu trợ đến từng nhà chia sẻ nỗi mất mát với những người đàn bà mất chồng tại vùng biển Thanh Khê sau cơn bão Chanchu bằng sự đồng cảm vì “đói” tình yêu của người cha, người chồng mà cô và mẹ đã từng trải qua. Hình ảnh bà cụ già ăn xin (khoảng 80 tuổi) trên đường Ông Ích Khiêm đếm 2 ngàn đồng trong chiếc nón rách bỏ vào thùng quyên góp của Hội CTĐ… đã đánh động những trái tim vốn lấy lòng nhân ái làm động lực hành động, càng thêm trắc ẩn. Anh Phạm Anh Vũ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Khê nói: “Những hình ảnh đó mách bảo tôi rằng việc mình đã làm cho cộng đồng chưa là gì cả”.

Hầu hết những thành viên đội ứng cứu đều khẳng định: “Nếu buồn thì đã không làm được, đã đi làm CTĐ thì không buồn đâu. Chỉ có thể gọi là “không vui” trong một lúc nào đó thôi”. Với ông Trần Quang Đáng, Chủ tịch Hội CTĐ phường Khuê Trung  còn nhớ trận lụt năm 2007, nhìn “bên tê” Hòa Xuân chìm trong biển nước, đội ứng cứu phường Khuê Trung đã kêu gọi các chùa nấu cơm vắt mang sang cho bà con. Nắm cơm trên nóc nhà chơi vơi phần nào xoa dịu được cái lạnh, cái đói và nỗi khiếp sợ.

Chủ tịch Hội CTĐ phường Hòa Thọ Đông, ông Phan Ngọc Nam kể: “Trận bão năm 2006, đi một ngày ròng rã, gọi được… 12 người di tản. Thay đổi thói quen chủ quan của bà con khó lắm. Di tản lên nhà văn hóa, thấy không ổn, tôi cùng Chủ tịch UBND phường quyết định dời mọi người (12 người dân địa phương và nhóm người bán vé số dạo đang tạm trú) sang trụ sở UBND phường. Y như tiên đoán, đêm hôm ấy, bão tới đánh sập nhà văn hóa. Nhìn mọi người sống sót nguyên vẹn, niềm vui không gì sánh bằng”.

Xoay vòng theo thời tiết

Khí hậu toàn cầu đang biến đổi thất thường, không theo quy luật, không theo mùa mà chuyển biến khá đột ngột. Chính sự “trái gió” này cũng khiến những người làm công tác ứng cứu phải xoay vòng theo. Phương tiện ứng cứu đã được trang bị nhiều hơn những năm trước, nhưng so với mức độ diễn biến bất thường của thời tiết thì chừng ấy vẫn chưa thấm vào đâu.

Không có xe bọc thép, không áo giáp, không có xe chuyên dụng, thậm chí nón bảo hiểm cũng không. Số ca nô của Hội CTĐ trên toàn thành phố đếm chưa đầy bàn tay. Lòng nhiệt tình không thiếu, kỹ năng ứng cứu đã được trang bị, nhưng phương tiện để ứng cứu nhanh, hiệu quả vẫn còn là điều trăn trở.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.