.

Ngôi nhà của tình thương

.

Chúng tôi đến Trung tâm Phục hồi cô nhi suy dinh dưỡng vào một ngày cuối tháng 5 oi ả. Trong căn phòng chừng 20m2, những đứa trẻ xinh xắn, bụ bẫm từ 1 đến 10 tháng tuổi nằm, ngồi, lật trên sàn nhà ê a với nhau.

Khi chúng tôi vào, chúng tròn xoe mắt nhìn rồi toét miệng cười, với tay về phía chúng tôi thân thiện. Chị Thủy, cô nuôi dạy trẻ, nói “bọn trẻ ở đây quen với việc được nhiều mẹ chăm sóc nên không biết lạ, ai chúng cũng cười và đòi như thế”.

Nhiều cô nuôi trẻ đã dành hết tình thương, tấm lòng cho những đứa trẻ có số phận không yên ả.


Căn phòng ngăn nắp, sạch sẽ không làm dịu đi cảm giác xót xa khi nhìn những cái nôi bằng inox vuông vắn và những đứa trẻ ngủ ngon lành trong đó. Gương mặt sáng và bình yên không khỏi khiến người khác chạnh lòng. Có những đứa trẻ chẳng biết hơi ấm của mẹ từ khi mới lọt lòng, chúng sống như những cây cỏ dại, đói thì khóc đòi ăn, no chơi một mình rồi ngủ. Buổi tối, các mẹ thương quá, không nỡ để chúng nằm trong nôi, đặt chúng lên giường, nằm cạnh nhau, vừa để dễ kiểm soát giấc ngủ các bé, vừa để các bé có chút hơi ấm đồng loại...

Cả Trung tâm chỉ có 11 người, trong đó có 6 mẹ thay phiên nhau chăm sóc hai nhà, một cho trẻ sơ sinh và một cho trẻ nhỏ. Thường thì các mẹ thay nhau, mỗi hôm chăm sóc một nhà, không phải vì sợ vất vả mà vì không dám để các cháu quyến luyến với một mẹ, hoặc các mẹ sợ dành tình cảm yêu thương đặc biệt đến một cháu nào đó để đến khi các cháu được đưa đến gia đình mới, các mẹ lại không rời được.

Ở đây, các bé luôn có một bộ hồ sơ riêng cho mình với những cái tên rất hay, ý nghĩa mang họ các mẹ. Các mẹ ghi vào đầy đủ từng bước phát triển đầu đời của trẻ, từ khi chúng biết lật, biết bò, mọc răng đến lần đầu tiên cất tiếng gọi mẹ, những bước đi chập chững và cả những lần ốm phải nằm viện khiến các mẹ quay quắt lo âu... Đó là những cuốn nhật ký đầy thương yêu mà các mẹ dành cho trẻ, như một sự an ủi về tình thương đối với những trẻ bị chính cha mẹ mình hắt hủi. Đối với những em khuyết tật, chế độ chăm sóc lại đặc biệt hơn. Mỗi ngày các mẹ dành khoảng một tiếng đồng hồ để vật lý trị liệu, giúp các em không bị tê liệt, lở loét da.

Những em bị bại não như Tâm, 11 năm hoàn toàn không ý thức được mọi việc xảy ra chung quanh nhưng các mẹ vẫn toàn tâm với hy vọng hơi ấm và lòng thiện tâm sẽ giúp em ấm áp, dù là trong vô thức. Làm mẹ đã khó, làm mẹ cho những đứa trẻ không do mình sinh ra càng khó gấp nhiều lần. Bởi vậy, không phải ai cũng có thể làm được nghề này. Phải có tấm lòng yêu trẻ, một cái tâm thật sự mới có thể chăm sóc, cáng đáng hết các công việc vất vả, nặng nhọc.
 
Bỏ lại sau lưng những lo toan gia đình, nỗi trăn trở khi con mình phải đem gửi cho người thân chăm sóc, nỗi lo con khát sữa mẹ mỗi đêm, nhiều chị đã dành hết tình thương, tấm lòng cho những mảnh đời bất hạnh tại đây. Một mẹ phải “xoay” với năm sáu đứa trẻ từ việc cho ăn, thay tã, ru bé ngủ, tắm rửa… nhưng ít khi nào thấy có một lời gắt gỏng hay cau có. Những lúc trẻ ốm còn vất vả hơn, có cô tình nguyện ăn chay cả tháng trời để cầu nguyện cho bé nhanh lành bệnh, các cô đã dành cả tuổi trẻ và tình yêu của mình sưởi ấm những trái tim bé bỏng bất hạnh.

Chị Đào, Giám đốc Trung tâm kể, năm 1996 chị về đây theo sự sắp xếp của tổ chức nhằm ổn định bộ máy và hoạt động của trung tâm một thời gian rồi sẽ luân chuyển. Nhưng sau 1 năm, rồi 2 năm, chị gắn bó với lũ trẻ hồi nào không biết. “Vất vả lắm chứ, gia đình cứ khuyên chuyển công tác suốt nhưng nghĩ đến những đứa trẻ và các cô tại đây, mình không nỡ.

Bản thân cũng là đứa trẻ mồ côi nên mình sợ cảm giác bị bỏ rơi lắm, những đứa trẻ ở đây đã bị bỏ rơi một lần rồi, bây giờ mình đi, giống như lại bỏ rơi chúng thêm một lần nữa. Vả lại, các cô ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn cả, họ bám trụ được sao mình nỡ ra đi”, chị Đào bộc bạch.

16 năm đã trôi qua, sự đồng lòng của Ban giám đốc và các cô nuôi trẻ đã khiến trung tâm bé nhỏ này thành mái ấm ngập tràn tình thương cho những đứa trẻ có số phận không yên ả.
 
N.THỦY - L. PHƯƠNG                                                                 

;
.
.
.
.
.