Theo Công văn số 1423/UBND-QLĐT của UBND thành phố Đà Nẵng, ngày 30-6-2008 sẽ là hạn cuối cùng để chấm dứt hoạt động của các loại xe ba gác máy (và các xe tương tự tự chế). Nhưng 6 tháng xem ra không có ý nghĩa đối với những người chạy ba gác máy hiện có trong thành phố, bởi họ cứ luẩn quẩn trong cái buồn, cái lo: “Không biết làm gì nuôi sống gia đình”.
Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra giải pháp chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm cho họ.
“Trùm mền”, hoặc rã xe cân sắt vụn
6 chiếc ba gác máy ít ỏi ở Đà Nẵng đã thực hiện đúng lệnh “trùm mền” từ nhiều tháng nay. Nhưng cho đến giờ, dân nghèo chạy xe ba gác máy vẫn chưa hề nhận được bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ phía địa phương. Họ tự truyền tai nhau: “Nghe đâu được nhận 3 triệu đồng/người (?)”. Họ lâm vào cảnh mất trắng bạn hàng. Để tự cứu mình, những người trước đây hành nghề xe ba gác máy đã chuyển qua chạy xe ôm. Nhưng để đủ tiền gia cố cái xe máy cho “được được” chở hàng nặng, họ đã phải… rã xe ba gác để bán dần.
Chúng tôi xin trích lời tâm sự của những người trong cuộc:
* Ông HOÀNG QUÝ, K43/21 đường 3 tháng 2, quận Hải Châu:
“Coi như nghề của tụi tui bị xóa”
Phường… nói là họ lúng túng, đợi chỉ thị ở “trên”. “Trên” không nói chi hết! Biết kêu ai chừ? Thành phố mình khi có lệnh cấm thì thông báo sớm nhất trong các tỉnh, thành, nhưng hỗ trợ thì lại chậm! Trong tổ xe ba gác toàn những người có hoàn cảnh khó khăn, chưa chuẩn bị được ngành nghề chi.
Tôi ở nhà dọn dẹp nhà cửa, buổi sáng (3 giờ) làm cuốc xe ôm tại cảng cá. Chở 1 tạ rưỡi cá từ cảng đến chợ Hàn chỉ lấy 10.000 đồng, nếu lốp thủng, vá hết 5.000 đồng coi như không đủ tiền đổ xăng.
14 năm làm nghề chạy xe rồi, tôi không thể bỏ nghề được. Có chăng là chuyển từ loại phương tiện này sang phương tiện khác. 3 triệu đồng hỗ trợ nếu có cũng chỉ là giải pháp xoa dịu, chứ không thể làm thay đổi hoàn cảnh tôi lúc này. Biết vậy, nhưng chẳng thấy ai đưa mà cũng chẳng nhận được “cái hẹn” mô cả.
* Ông PHẠM VĂN THẠNH, tổ 46, phường An Khê, quận Thanh Khê:
“Cắt tất cả những gì có thể”
Con tôi đang ôn thi tốt nghiệp, nhưng cũng phải “cắt” luôn mấy khoản học thêm học bớt. Đã quen với môi trường làm việc có bạn hàng, anh em trong tổ chia phần trật tự, không có chuyện chụp giựt, chừ cái xe đó đã bị rã ra bán sắt vụn, chỉ còn mỗi bảng số, đuôi, máy.
Làm sao cho bọn tôi được vay vốn chuyển nghề có thời hạn thì tốt biết mấy.
* Ông LÊ CÔNG TRÍ, tổ 46, phường An Khê, quận Thanh Khê:
“Ý tưởng có rồi nhưng không có tiền”
3 đứa nhỏ học thêm, sau lệnh cấm xe ba gác máy, tôi “cắt” luôn phần của 2 đứa. Tôi đã tham khảo cách chuyển qua phương tiện khác. Tiếp tục chạy xe 3 bánh (40 triệu) thì mới phù hợp với bằng lái mình đang có, muốn chạy xe 4 bánh phải học lại bằng. Nhưng tính đi tính lại, cách mô cũng… không có tiền.
Nếu được ưu tiên vay vốn, tôi sẽ mua xe mới liền. Chừ tôi cũng còn cách xách xe chở than. Đợi trưa trưa mới dám ló ra đường, biết đâu mấy ông cảnh sát giao thông buồn buồn thu xe tôi răng.
Cấm xe phải hỗ trợ kịp thời chứ không để đợi đến ngày hôm nay. Thậm chí để làm được cái giấy hành nghề xe ôm, tôi phải đi năm lần bảy lượt, hỏi tới hỏi lui dông dài, mệt lắm.
Các cơ quan chức năng: “Số lượng ít lắm, để xác minh lại đã!”
Đầu năm 2008, ngay sau khi Bộ Giao thông-Vận tải có công điện hoãn thời gian thi hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP thêm 6 tháng (tới hết 30-6-2008), Báo Đà Nẵng đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của những người chạy xe ba gác máy trên địa bàn thành phố; đồng thời, lấy ý kiến về biện pháp cấp bách của các cơ quan chức năng trước thực tế này.
Tuy nhiên, khi chỉ còn 2 tháng nữa để người dân quyết định phương tiện mưu sinh, chúng tôi trở lại những nơi này thì vẫn chưa có gì mới. Dù những người có trách nhiệm thừa nhận: “Số người chạy ba gác máy ít lắm, có bao nhiêu đâu”, nhưng họ vẫn chưa... nắm hết số lượng xe ba gác có trên địa bàn. Trong lúc người dân nghèo đã từng sống dựa vào chiếc xe “lỗi đời” này vẫn đang như “ngồi trên đống lửa”. Ông Võ Văn Lang, chuyên viên phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu bối rối: “Quận sẽ xác minh lại, để nắm chính xác số liệu rồi mới có kế hoạch cụ thể”.
Ông Nguyễn Văn Quy, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Khê cũng không nắm rõ số lượng xe. Cả 2 cán bộ nói trên đều hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ có số liệu ngay sau lễ (30-4 và 1-5)”. Một cán bộ khác nói: “Chờ phối hợp với Sở Giao thông-Công chính mới quyết định hỗ trợ”. Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Sở Giao thông-Công chính lại quả quyết: “Quận nào nói như vậy là quận đó sai, quận phải nắm danh sách rồi tham mưu cho sở chứ.
Mà... chỉ có vài người thôi, đừng để ý làm chi cho mệt!”. Trong Công văn số 1423/UBND-QLĐT, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ 3.000.000 đồng đối với 133 chủ xe công nông; đề nghị UBND các quận, huyện đồng ý cho các hộ gia đình có xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế có gắn động cơ có nhu cầu đầu tư phương tiện mới hoặc chuyển đổi ngành nghề được vay vốn ngân hàng theo chính sách tín dụng ưu đãi đối với các hộ nghèo, nếu các đối tượng có nhu cầu học nghề để chuyển đổi việc làm được hỗ trợ đào tạo nghề...
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2008 đến nay đã 4 tháng, công tác triển khai vẫn bình chân như vại và ngành chức năng “đợi xác minh”.
Đợi đến bao giờ khi những lao động nghèo đang lâm vào cảnh túng bấn, nhấp nhổm ra vào vì không biết phải làm gì đây để sinh sống?
Bài và ảnh: THU HOA - HẰNG VANG