Trời càng nắng nóng, đá lạnh càng “sốt” hàng. Đá cây, đá tinh khiết, đá lẻ… ào ào xuất hầm. Nước đá được sản xuất trong môi trường cực kỳ mất vệ sinh, qua tay đại lý được ủ tạm bợ bằng áo mưa, nilông, bao tải bẩn rồi chặt nhỏ, rửa qua loa… đến phiên người tiêu dùng cứ ào ào “ực ực”.
“Quy trình sản xuất” đá cây rỉ rét
Đá cây ra lò từ những thùng sắt rỉ, sàn nhầy nhụa nước vàng khè chảy ra chung quanh, nhân viên cởi trần, mặc quần đùi ngang nhiên đạp dép lê lên trên hầm đá. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết đá cây tại các cơ sở sản xuất đá lạnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều được đổ khuôn trong những khung sắt rỉ rét toàn bộ phần mặt ngoài. Theo các chủ sản xuất, đó là “chuyện bình thường thôi! Sắt gặp nước muối phải rỉ chứ!”.
Nghe chúng tôi định mở đại lý nước đá, người chủ hầm đá số 26 Tô Hiến Thành, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, tên Tiến, quảng cáo ngay: “Đây là chỗ làm đá sạch nhất Đà Nẵng, đã có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh rồi. Nhiều người đã mua đá chỗ khác nhưng vẫn quay lại đây vì đi đâu cũng không sạch bằng. Mỗi ngày chúng tôi xuất 220 cây đá/1 hầm”.
Quy trình “sạch” theo lời giới thiệu, là một nơi ngổn ngang khung rỉ, nhân viên mặc nhiên đạp dép lên sàn làm đá. Trước cửa hầm có một chiếc xe tải nhỏ chực sẵn chở đá đi. Đá được quăng trực tiếp lên sàn xe bẩn mà không có bất kỳ dụng cụ che chắn nào. Nghe chúng tôi thắc mắc về những cây đá nhuộm màu vàng đục của rỉ sắt, người chủ giải thích: “Vài cái khung bị thủng nên ngấm rỉ sắt vào đá. Loại này bị bỏ lại làm phế liệu. Ở đây bán ra toàn là đá tuyển. Cây nào chỉ nhiễm rỉ sắt hai đầu thì mình chặt đi, lấy phần giữa dùng, có răng đâu!”.
Chưa hết thắc mắc về cách làm đá ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm độc tại cơ sở này, chúng tôi đã phải thừa nhận, đúng là so với chỗ khác, đá ở đây còn sạch hơn nhiều. Hầm đá của HTX Tân Phước nằm trong Cảng cá Thuận Phước nhễ nhại màu nước vàng khè theo đường ống thải trực tiếp ra khu vực quanh nơi sản xuất. Những miếng gỗ đậy hầm mục nát tưởng chừng có thể sập bất cứ lúc nào, tường mọc rêu mốc. Nhân viên thoải mái “chơi” quần đùi, cởi trần làm đá. Mùi cống rãnh, cá thối bao trùm.
Nhìn những cây đá được chất đống, phủ nilông giữa sàn cá sống, chúng tôi hỏi đá này chỉ dùng ướp cá hay cho cả người uống, một phụ nữ nói ngay: “Uống đá ni chứ đá chi nữa. Mua mấy cây bán cho”. Cũng tại Cảng cá Thuận Phước, chúng tôi nhận thấy môi trường làm đá của Xí nghiệp Dịch vụ thủy sản, thuộc Công ty cổ phần Kỹ thuật thủy sản, bẩn không thua kém. Những người sản xuất tại cảng cho rằng: “Đá ướp cá thì sợ chi bẩn”. Ngoài nơi sản xuất đá tại cảng chuyên phục vụ cho tàu biển, Công ty cổ phần Kỹ thuật thủy sản còn có phân xưởng nước đá (đường Lê Đình Dương) chuyên phục vụ cho các quán ăn, nhà hàng, nhưng thiết bị làm đá cũng không tránh khỏi tình trạng rỉ rét.
Đá tinh khiết: Nói vậy mà không phải vậy!
Cơ sở sản xuất đá nổi đầy rêu mốc trên tường. |
Rời các khu sản xuất đá cây, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết Lâm Sơn tại 229 Lê Văn Hiến. Những ai mường tượng một cơ sở sản xuất hoành tráng, với các trang thiết bị sáng loáng và một môi trường vô trùng gần như tuyệt đối, sẽ thất vọng.
Chúng tôi cũng khá bỡ ngỡ khi cơ sở sản xuất đá tinh khiết lại nằm cùng khuôn viên với một nhà máy cơ khí, với bề ngoài không khác mấy với các cơ sở sản xuất đá cây. Bao bì để ngổn ngang dưới sàn, vắt trên thanh sắt. Nhân viên không mang đồ bảo hộ lao động, không mang dép, cũng không bao tay cho đá vào bao (không phải loại bao mới và đã được sử dụng nhiều lần), vậy là xong một bao đá “tinh khiết”.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng công nhận: “Loại đá này, do ít có sự can thiệp của con người hơn, nên hạn chế bớt mức độ ô nhiễm, còn chất lượng thực sự thì cũng không hẳn tinh khiết như người ta nghĩ”. Nước đá tinh khiết (NĐTK) ở đây, theo nhiều nhà sản xuất nước đá, chỉ khác đá cây ở quy trình sản xuất, còn nguồn nước thì “cũng như nhau cả”.
Đá lẻ: Thêm công đoạn, càng thêm vi trùng
“Chuồng” ủ đá của đại lý trên đường Đặng Tất, quận Liên Chiểu. |
Nước đá đã ô nhiễm từ phía đầu nguồn (cơ sở sản xuất), và trên mỗi đoạn đường đi của đá: Chở vào đại lý, đại lý phân phối cho điểm bán lẻ, các hàng quán, hàng quán bán cho người tiêu dùng, lại càng mang thêm trên mình nhiều mầm bệnh.Ở Đại lý Hùng (đường Nguyễn Lương Bằng - đối diện Trường Đại học Bách khoa), đá được đặt dưới sàn nhà ẩm thấp, tối om, bên cạnh là máy cắt đá đã rỉ rét. Đại lý Phong Bé (đường Đặng Tất, Liên Chiểu) không khá hơn. Đá được đựng trong cái thùng lớn, trên đó phủ đủ loại bao, bạt. Chủ đại lý này chỉ cho chúng tôi cách ủ đá “Lấy áo mưa cũ rách, dội nước rồi giũ giũ, xong đậy lên đá, bảo đảm sẽ giữ được lâu”.
Thấy chúng tôi nghi ngờ về vệ sinh của những áo mưa cũ, người này quả quyết: “Đã giũ nước rồi thì làm chi có chuyện nhớp (bẩn), ai cũng làm rứa hết”. Các hàng quán nhỏ lẻ cứ thế, mang đá về chặt thành từng cục, rửa qua loa trong những thùng nước cáu bẩn (dùng để rửa nhiều thứ như mía, ly tách...), rồi cho vào ly đựng trà đá, nước ngọt, bia, v.v... Người tiêu dùng, khi uống, gặp phải miếng xốp, sợi tóc, hoặc miếng đá có màu vàng vàng của sắt... là chuyện thường (?!).
Biết là “không an toàn cho sức khỏe người dân”, vẫn chưa có thanh tra lớn
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, để các cơ sở sản xuất nước đá bảo đảm tiêu chuẩn, ngành y tế sẽ đẩy mạnh việc thẩm tra, kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; sau đó tổ chức thanh tra, kiểm tra hằng năm. Tuy nhiên, dù nguy cơ nhiễm bệnh mà nước đá không sạch mang đến cho người tiêu dùng là không nhỏ và rành rành trước mắt, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố (TTYTDP TP) vẫn “chưa có cuộc thanh tra nào lớn từ trước tới nay”.
Ông Tiến cho biết: “Vì mỗi năm, chúng tôi tiến hành thanh tra theo từng chủ đề, năm ngoái tập trung cho nước uống đóng chai, còn năm nay là nước đá”. 3 tháng đầu năm 2008, TTYTDP TP đã tiến hành kiểm tra nguồn nước của 16 cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn thành phố, phát hiện 5/16 cơ sở không đạt tiêu chuẩn về vi sinh vật. Về tiêu chuẩn hóa lý, trung tâm có kiểm tra 1 mẫu của 1 cơ sở, và cơ sở này không đạt. Lý do mà TTYTDP TP đưa ra khi chỉ kiểm tra đúng “1 mẫu” trong tổng số 16 cơ sở là: “Không đủ điều kiện, con người...” (?!).
Xin lấy lời một người tiêu dùng để kết bài này: “Thanh tra, kiểm tra phải thực hiện thường xuyên và đột xuất, không thể nói năm này tập trung cái này, năm kia lo cho cái khác, vì bất kể giờ nào, phút nào, người tiêu dùng cũng phải đối diện với sự nguy hại, không an toàn. Thanh tra phải lấy sự an toàn, sức khỏe của dân làm tiêu chí, để đánh mạnh vào các sai phạm, chứ không nên thanh tra chỉ để lấy kết quả, sau đó thả lỏng quản lý”.
|
Bài và ảnh: TOÀN VÂN - PHONG KHÁNH