... Không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng may mắn có được những mùa hè đúng nghĩa. Khi các bạn học sinh ở thành phố đang dự lễ bế giảng năm học trên sân trường rợp đầy hoa phượng thì ở ngoài kia, người ta lại thấy hình ảnh những em nhỏ cầm trên tay xấp vé số, xấp báo hay hộp đồ đánh giày…
Gương mặt mệt mỏi của Tin bên cạnh những tờ vé số khách đã dò. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Nhọc nhằn mưu sinh
Mùa hè đến cũng đồng nghĩa với việc các em học sinh vui mừng chào đón kỳ nghỉ được mong đợi nhất trong năm. Đối với học sinh, nghỉ hè tuy phải xa trường lớp, bạn bè, sách vở nhưng cái sự “xa” đó lại làm các em thích thú, bởi chúng được bước vào một thế giới mới, thế giới của những trò chơi giải trí, của những chuyến du lịch xa cùng gia đình, hay chí ít cũng là những giờ đồng hồ ngấu nghiến bên những trang truyện tranh yêu thích mà không phải lo cha mẹ nhắc nhở học bài.
Tuy nhiên, không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng may mắn có được những mùa hè đúng nghĩa. Khi các bạn học sinh ở thành phố đang dự lễ bế giảng năm học trên sân trường rợp đầy hoa phượng thì ở ngoài kia, người ta lại thấy hình ảnh những em nhỏ cầm trên tay xấp vé số, xấp báo hay hộp đồ đánh giày… rảo đi mời khách. Nhìn những khuôn mặt đen sạm vì nắng ít ai biết được rằng, các em cũng là những học sinh.
Mua một tờ vé số rồi lân la hỏi chuyện, tôi được một em tâm sự: Em tên là Nguyễn Văn Tin, quê ở Tiên Phước-Quảng Nam, cha mất sớm, là anh cả trong gia đình có 3 anh em, cứ đến kỳ nghỉ hè Tin lại cùng mẹ ra Đà Nẵng đi bán vé số dạo. Mới học lớp 6 nhưng em đã có 2 năm trong “nghề”. Tin cho biết, một ngày em lấy ở chủ đại lý 300 tờ gồm vé số, vé cào và vé bóc, nếu bán hết số vé ấy em nhận được 57 nghìn đồng tiền hoa hồng, nếu không thì tùy theo số lượng vé bán được mà tính ra tiền được hưởng.
Năm ngoái, nhờ chăm chỉ “làm việc” em đã kiếm được 800 nghìn đồng trong suốt 3 tháng hè.
Không đi bán vé số như Tin, Nguyễn Đình Quang, một học sinh lớp 9 ở Sơn Tịnh-Quảng Ngãi lại đi bán báo dạo, hằng ngày cứ 5 giờ sáng em thức dậy ra đúng địa điểm tập kết chờ nhận báo từ đại lý rồi tỏa đi khắp nơi chào mời. Vừa rút tờ báo đưa cho khách, Quang vừa nói: “Em đi bán được 3 mùa hè rồi, hàng xóm giới thiệu cho em ra đây. Ba mẹ em đều làm ruộng, em là con thứ 3, sau còn 2 em nữa. Một ngày em chỉ lấy 100 tờ thôi, lấy nhiều sợ bán không hết”. Chỉ vào chồng báo đủ các tên tuổi như: Tuổi trẻ, Thanh niên, An ninh Nhân dân, Công an, Thể thao…, em cho biết: “Bữa nay bán khó lắm, những hôm nào có vụ gì nổi nổi là bán chạy, còn không thì ế lắm. Hôm nào bán nhiều cũng chỉ được 30-40 nghìn đồng thôi”.
Tuy không phải làm những việc nặng, nhưng nghề của các em vất vả không kém khi một ngày phải đi bộ hàng chục cây số giữa cái nắng gắt của mùa hè. Với số tiền kiếm được không nhiều nên bữa ăn của các em cũng chỉ dừng lại ở mức 6-7 nghìn đồng. Tin và Quang cho biết: “Ở xóm trọ cũng có nhiều bạn đi bán như tụi em lắm, có bạn từ Quảng Trị, từ Huế, nhưng Quảng Nam và Quảng Ngãi là nhiều nhất”. Được biết, các chủ đại lý đều có những khu nhà trọ cho các em ở mà không lấy tiền, nhưng các em cũng không ở nhiều vì ban ngày đi bán, chỉ đến tối mới về tắm rửa rồi lăn ra ngủ vì quá mệt.
Nghỉ hè chỉ là mơ ước
Trong khi rất nhiều các bạn học sinh cùng lứa tuổi ở thành phố mong đợi kỳ nghỉ hè đến để được gia đình cho đi chơi, đi du lịch hay thỏa thích hòa mình vào các khu giải trí thì các em lại khăn gói tạm biệt gia đình để ra thành phố làm thêm, kiếm tiền cho năm học tới. Nếu như với những em khác nghỉ hè phải đi học thêm là một cực hình thì việc học của các em chỉ gói gọn trong 9 tháng, thời gian còn lại dành cho đi làm thêm.
Khi được hỏi có thích đi chơi không, Tin lắc đầu cười: “Em chẳng có tiền mà đi đâu. Mà đi rồi người ta nhận người khác vô làm mất”. Mới chỉ 12 tuổi, nhưng vì mưu sinh cuộc sống mà ngay đến nhu cầu bình dị nhất của tuổi thơ, các em cũng không dám mơ ước tới. Không biết đến khi nào những đứa trẻ như Tin, như Quang mới có được một mùa hè theo đúng nghĩa của nó, còn bây giờ thỉnh thoảng đi trên đường tôi vẫn nhìn thấy các em ôm trên tay xấp vé số, xấp báo đi từ quán này sang quán khác mời chào không ngớt.
Và liệu rằng, cái “nghề” mà các em đang theo có đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn không, khi thực tế đã được nhìn thấy là các em ngày càng bị nhiễm rất nhiều những lời ăn tiếng nói, cách hành xử không phải của lứa tuổi mình. Dẫu biết phải nhọc nhằn để mưu sinh nhưng vẫn mong rằng, một tương lai tươi sáng sẽ đến với các em và nghỉ hè không còn chỉ nằm trong mơ ước.
KHÁNH HÒA