.

Nỗi lo ô nhiễm môi trường biển

.

Anh David James, một khách du lịch đến từ nước Anh, tỏ ra thích thú trước vẻ đẹp quyến rũ của biển Đà Nẵng. Mặc dù trước đây, qua báo chí, anh được biết biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, nhưng theo anh, vẻ đẹp của biển Đà Nẵng lại khác xa với trí tưởng tượng của mình.

Dòng nước thải chảy trực tiếp ra biển ở bãi tắm Mỹ Khê.

Trong một buổi chiều đẹp trời, chúng tôi đi dạo từ bãi biển Non Nước xuôi về Mỹ Khê, anh thật sự tỏ vẻ tiếc nuối trước hàng loạt nhà hàng, khách sạn, resort… đang đẩy dần những bãi cát trắng phau tuyệt đẹp nơi đây ra sát mép nước. Và anh càng ngạc nhiên hơn khi chứng kiến môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm. Anh nói: Ở nhiều nơi anh đã đi qua như Australia, Hồng Kông, Canada…, ở những khu du lịch biển, hiếm có nơi nào mà nước thải được thải trực tiếp ra khu vực tắm như ở đây, và cảnh mua bán, ăn uống lộn xộn, mất vệ sinh như ở biển Đà Nẵng.
 
Đó là chưa kể đến cái mùi khó chịu, bốc lên nồng nặc khi đi qua khu vực tắm ở bãi biển Mỹ Khê, không biết có phải là mùi được xả ra từ các nhà hàng quanh đó, hay mùi cá khô, mực khô phơi gần bên cạnh? Là dân bản địa nên tôi cảm thấy chột dạ, nhưng rất cảm ơn sự chân tình, thẳng thắn của một du khách. 

Bán hàng rong trên biển - một trong những tác nhân góp phần gây ô nhiễm môi trường.

Thật vậy, không chỉ có riêng anh David James góp ý, mà rất nhiều lần chúng tôi chứng kiến cảnh các du khách đi dạo ngang qua bãi biển Mỹ Khê phải bịt mũi, lắc đầu trước mùi hôi thối bốc lên ở khu vực này. Qua khảo sát của chúng tôi, khu vực biển Đà Nẵng (đoạn từ Thọ Quang đến giáp Bắc Mỹ An) có đến 4 cống nước thải được đổ trực tiếp ra biển, trong đó đáng ngại nhất là cống nước thải ngay trước nhà hàng Phượng Hồng (Mỹ Khê), nơi mà mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt người đến ngắm và tắm biển.
Thật ra, cái cống nước này trước đây đã được bịt lại, nhưng trong thời gian gần đây, không biết vì lý do gì mà nó lại tiếp tục được cho chảy trực tiếp ra bãi tắm. Khỏi phải nói dòng nước này mang gì ra bãi tắm, bởi chung quanh đó có đến hàng chục nhà hàng, khách sạn luôn tấp nập thực khách ăn uống. Chỉ cần kể lại câu chuyện của chị Kim Yến, một du khách đến từ Gia Lai cũng đủ để những người can đảm nhất rùng mình, khi đang ngụp lặn vô tư, chị vươn người lên khỏi mặt nước để hớp lấy không khí thì tí nữa hớp phải cái bao ni-lon đang bồng bềnh trôi cách mũi không xa, trong đó lòng thòng nào là lông, phân, ruột gà… Sau buổi tắm ấy, về lại khách sạn toàn thân chị bị ngứa, nổi mề đay do dị ứng với nước biển bẩn.

Ngoài việc nước thải được thải trực tiếp ra bãi tắm, thì ý thức của người tham gia tắm biển cũng đáng được quan tâm. Bởi họ cũng là một trong những tác nhân gây nên sự ô nhiễm ở biển. Hiện nay, đang vào mùa tắm, hàng ngàn người đi tắm biển, đem theo vô số đồ ăn thức uống. Họ ăn uống, vứt xả rác vô tư trên bãi cát, trên mép nước biển.

Thậm chí có người vừa đi ra biển để tắm vừa cầm đồ ăn trên tay rồi vứt những thứ thừa thải ấy ngay nơi mình sắp bơi. Sự thiếu ý thức của con người luôn là tác nhân chính gây nên ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, “đội quân” bán hàng rong cũng góp phần đáng kể vào việc tạo nên sự lộn xộn, mất an toàn vệ sinh thực phẩm lẫn ô nhiễm môi trường nơi đây.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN   

;
.
.
.
.
.