.

Phong trào chống thuế ở Quảng Nam 100 năm trước

.

100 năm trước, có một cuộc nổi dậy oanh liệt của nông dân các tỉnh Trung Kỳ kéo dài từ giữa tháng 3 đến hạ tuần tháng 5 năm 1908 chống lại chế độ sưu thuế hà khắc của chính quyền thực dân Pháp, mà điểm khởi đầu của nó chính tại Quảng Nam.

Những người tham gia phong trào chống thuế ở Quảng Nam bị chính quyền thực dân Pháp bắt năm 1908.


Hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, chính quyền thực dân điều hơn 200 lính từ Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Trung Kỳ vào cùng với lực lượng tại chỗ ở Quảng Nam đàn áp. Hàng ngàn người bị tra khảo, “áo lam ngồi đầy lao, xiềng gông đi khắp xứ”.

Nguyên nhân sâu xa nổ ra phong trào này là do ách đô hộ của thực dân Pháp đã làm tổn thương tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam, còn nguyên nhân gần là do chế độ sưu thuế bấy giờ quá nặng nề. Với Quảng Nam, việc đào nối sông Vu Gia với sông Cẩm Lệ, làm đường từ Đà Nẵng đi Bến Giằng và làm đường Tam Kỳ đi Trà My càng làm cho nhân dân ta oán. Sự căm thù vốn đã dồn nén bấy lâu lại được thổi bùng lên bởi tư tưởng “chấn hưng dân khí”, “mở mang dân quyền” được nhen lên từ phong trào Duy Tân sôi nổi những năm đầu thế kỷ.

Thoạt nhìn phong trào xảy ra như là một sự ngẫu nhiên. Trong một đám giỗ, vài ba bác hương lý cùng vài anh học trò ở làng Phiếm Ái huyện Đại Lộc đem chuyện sưu cao thuế nặng ra bàn tán, nhân đó có ý kiến phải làm đơn lấy chữ ký yêu cầu quan huyện đề đạt lên trên để giảm bớt sưu thuế cho dân, nếu không được sẽ kéo nhau lên tỉnh. Ngày 10-3-1908, hơn 400 người dân ăn mặc rách rưới kéo xuống huyện đường, nhưng viên Tri huyện không dám nhận đơn, lại cấp báo với viên quan tỉnh và Công sứ Pháp nên đoàn biểu tình bèn kéo nhau đi vây dinh Tổng đốc rồi vây luôn cả tòa Công sứ.

Nhân dân các phủ huyện khác cũng đồng loạt hưởng ứng tại địa phương mình, và còn kéo ra tăng viện tại Hội An nên số người biểu tình ở đây mỗi lúc một đông. Cuộc nổi dậy này có sự sắp xếp kế hoạch khá bài bản. Các đoàn đều có ban điều hành cắt cử luân phiên người đi kẻ về và tiếp tế lương thực để duy trì cuộc tranh đấu. Một chứng nhân người Pháp là Ajabert nhận xét rằng: “Cuộc khởi loạn được tổ chức một cách thông thạo nhất - như là một sự luyện tập, một sự thao diễn thí nghiệm trong đó xứ An Nam tổng ước các năng lực của nó, kiểm điểm các lực lượng phiến loạn của nó”.

Thoạt đầu phong trào diễn ra như có tính ôn hòa, chỉ là xin - giảm xâu thuế, đấu lý với quan, nhưng cuộc đấu lý mỗi lúc một quyết liệt. Quan Tỉnh bảo mình không có thẩm quyền giải quyết thì dân quát: “Quan không có quyền, sao không nộp ấn mà về? Dân Quảng Nam không cần có ông quan Tỉnh như vậy đâu!”. Quan Pháp hỏi: “Vì sao cắt tóc, mặc đồ ngắn?” thì dân trả lời: “Thuế nặng, tiền hết, không tiền mua khăn, mua vải nên phải cắt tóc, mặc đồ ngắn”. Viên Công sứ lại hỏi: “Ai thủ xướng?”, lập tức toàn dân, ai cũng như ai đều ngẩng đầu tự xưng chính mình thủ xướng”!

Ở các phủ huyện tính bạo động thể hiện rõ hơn. Tại Đại Lộc Lãnh Điềm coi xâu làm đường 14 bị vây nhà. Tại Điện Bàn, đoàn biểu tình bắt Tri phủ Trần Văn Thống bỏ lên xe kéo, buộc y phải đi cùng dân đến Hội An xin giảm xâu thuế. Tại Duy Xuyên, viên Tri phủ bị dân bắt dìm nước cho đến chết. Ở Tam Kỳ, biết viên đề đốc gian ác Trần Tuệ coi xâu làm đường đi Trà My đang ẩn trốn trong phủ đường, ông trùm làng Trần Thuyết trong đoàn biểu tình hô lớn: “Dân ta xin quan lớn giao ông Đề cho dân ăn gan!”. Tức thì, dân 7 tổng cất tiếng “Dạ” vang, khiến cho Đề Tuệ tuy đã được quan Tây đến che chở nhưng vì sợ quá, đến mức hộc máu mà chết.

Tin dân Quảng Nam nổi dậy lập tức truyền sang các tỉnh bạn. Một tờ truyền đơn phát động chống thuế ở Nghệ - Tĩnh viết: “Đáng yêu thay dân Quảng Nam! Đáng kính thay dân Quảng Nam! Đáng học thay dân Quảng Nam! Lòng họ chuyên nhất như thế! Chí họ kiên quyết nhẫn nại đến thế! Hành động họ sáng tỏ là thế!...”. Nhân dân các tỉnh đồng lòng hưởng ứng, kéo đi biểu tình rầm rộ ở địa phương mình. Phong trào do đó nhanh chóng trở thành cao trào, như chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng viết: “Cái phong trào như nước lụt vỡ đê, cuốn tất cả toàn kỳ trên mười tỉnh (từ Bình Thuận đến Thanh Hóa) vào xoáy khu ốc, ảnh hưởng rúng động khắp trong nước - cả Nam, Bắc”.

Hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, chính quyền thực dân điều hơn 200 lính từ Đà Nẵng và các tỉnh Bắc Trung Kỳ vào cùng với lực lượng tại chỗ ở Quảng Nam đàn áp. Hàng ngàn người bị tra khảo, hàng trăm người bị bắt giam tại nhà lao tỉnh, nhiều người bị đày ra Côn đảo. Đông đảo trong số họ là những tú tài, cử nhân, cùng một số hào lý địa phương, đến mức “áo lam ngồi đầy lao, xiềng gông đi khắp xứ”.

Trong số đó có những người ở địa bàn Đà Nẵng hiện nay như: Tú tài Đỗ Tự người làng La Châu bị tước phẩm hàm, danh sắc, chịu sưu thuế do có tham gia hội thương, diễn thuyết; Tú tài Lê Quang Vỹ người làng Vân Dương bị kết tội không chịu đi khuyên can dân trong lúc nổ ra biểu tình; Cử nhân Lê Bá Trinh người làng Hải Châu bị kết án là người có học vị mà “rủ ký hợp thương, khuyến dụ cải trang, tụ hội diễn thuyết, đồng thời cùng ký giấy tờ”; Ông Ích Đường người làng Cẩm Lệ, cháu nội danh tướng Ông Ích Khiêm, bị án chém do “khích biến lương dân” (kích động nhân dân chống thuế). Tại pháp trường, ông để lại câu nói bất hủ: “Dân nước Nam như cỏ cú. Giết Đường này còn có trăm nghìn Đường khác sẽ nổi lên. Bao giờ hết mía mới hết Đường!”.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng nhận xét về đặc điểm và ý nghĩa của phong trào: “Cuộc cự sưu năm 1908 thuần nhiên là tự sức quần chúng phơi gan trải ruột đem thịt máu ra chống với hai chính phủ: Chính phủ bảo hộ giặc Pháp và chính phủ bù nhìn Nam triều. Rõ là viên đá móng đầu tiên mới bắt đầu xây nền “dân quyền” trong thời “quân quyền” còn vững chắc như hòn đá lớn nằm trên dốc cao, dưới có mấy gành đá ngăn đỡ mà lần này mới bắt đầu lung lay”.

NGÔ PHÚ LÂM

;
.
.
.
.
.