.

Rau xanh hè phố

.

“Tấc đất, tấc vàng“, khi dân phố không còn đất để “canh tác”, thay vì trồng hoa, cây cảnh, nhiều gia đình đã trồng rau xanh vào chậu kiểng. Vừa làm xanh không gian, vừa cải thiện bữa ăn khi giá rau ở chợ có thời điểm tăng đột biến...

Từ rau hè phố...

Rau xanh được canh tác bên cạnh đường tàu trên trục đường Trường Chinh.
Đi dọc hè phố, thi thoảng bắt gặp những khóm rau xanh phủ kín dưới vuông đất trồng cây xanh, nhiều gia đình còn tận dụng những chậu hỏng, chậu trồng cây cảnh để trồng khóm hành, bụi sả. Chỉ dăm cây ớt, vài gốc bầu bí nhưng đã cải thiện cho gia đình được nhiều bữa canh ngon, nhất là sẵn gia vị hành, ngò, sả, ớt... bớt được đôi đồng khi phải  ra chợ để mua.

Có gia đình còn sử dụng cả khuôn sân trống để trồng rau muống cạn, rau cải, rau dền; nhiều bờ tường phủ kín giậu mùng tơi và mùa nào thức ấy, lấy thu bù chi đỡ được tiền ra chợ. Khi được hỏi về việc tận dụng mấy vuông đất nhỏ để tăng gia cải thiện, nhiều người đều cho rằng: Thay vì trồng cây cảnh cho xanh phố, đẹp phường, thì việc gieo mấy cây cải, trồng mấy cây cà vừa vui mắt lại có cái để ăn; rau mình tự trồng, tự chăm bón chắc chắn là rau sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Có thời điểm dịch cúm gà, dịch heo tai xanh, bò long móng lở mồm lây lan trên diện rộng,  ai cũng ngại mua thịt gia súc, gia cầm nên giá rau xanh và tôm, cá trở thành đắt đỏ; có khi một cây cải giá từ bốn đến năm ngàn đồng. Như vậy, khi trong nhà có dậu mùng tơi, có cụm cà chua, có vài khóm dền là đã có bát canh ngọt, đỡ phải tốn tiền ra chợ. Nhiều cụ ông, cụ bà từng là nhà nông nay lên phố ở, sớm chiều với việc chăm tưới rau xanh cũng đỡ buồn chân, buồn tay. Rau xanh không chỉ leo lên bờ tường, mọc trên nền gạch mà còn vươn ra cả vỉa hè, đường tàu...

Đến rau đường tàu

Cái câu “Cây nhà, lá vườn” chỉ để nói rau tăng gia ở vườn nhà, không phải mua ở chợ. Thế nhưng, nhà mặt phố đất ở còn chẳng đủ,  lấy đâu ra vườn để trồng rau? Ấy vậy mà dân phố hôm nay vẫn thường xuyên có rau để cải thiện bữa ăn. Câu “Cây nhà, lá vườn“ nay phải được đổi thành “rau đường sá, lá đường tàu“ thì đúng hơn. Trên trục đường Điện Biên Phủ, có nhiều ô đất trồng cây xanh, cây mới trồng nên gốc chưa lớn, nền đất quanh gốc cây được người dân ở cạnh trồng rau và hoa. Hoa làm đẹp phố, rau ngọt bữa cơm, cũng đôi đường thuận tiện.

Rau dền được trồng quanh gốc cây xanh bên vỉa hè đường Điện Biên Phủ.

Thấy có người lom khom chụp ảnh khóm rau dền, cụ già ở trong nhà ngó ra cười bảo: “Hôm trước rau chưa cắt trông đẹp hơn thì không đến mà chụp, nay cây đã bị cắt ngọn để cho nó đâm nhánh thêm lá nên không còn được đẹp nữa”. Chụp ảnh rau trên hè phố thì ai cũng cười vui; còn chụp rau ở dọc đường tàu thì nhiều người e ngại, vì sợ vi phạm về an toàn giao thông. Thế nhưng, so với rau ở vỉa hè thì rau dọc đường tàu có mật độ dày đặc hơn, nhất là rãnh thoát nước ở hai bên đường tàu, nhiều đoạn bị đất cát lấp kín, trên nền đất đó có gia đình trồng rau cải, có người trồng rau lang, rau muống cạn và nhiều nhất là các loại rau gia vị đan xen nhau như hành, răm, sả, ớt...

Rau cải và cà chua được trồng trong chậu hỏng trong sân nhà.

Việc tận dụng đất trồng ít ỏi để tăng gia cải thiện đời sống là một nét đẹp, thể hiện tính cần cù hay lam, hay làm và ý thức tiết kiệm của người dân. Tuy nhiên, để hiện tượng chiếm dụng vỉa hè, đường tàu làm nơi canh tác trở thành nếp quen thì chưa hẳn đã là nét đẹp đối với văn minh đô thị, nhất là việc canh tác bên cạnh đường tàu; nhiều nơi bà con còn làm hàng rào, ken gạch đá để giữ đất, không những không bảo đảm an toàn cho giao thông đường sắt, mà còn có nguy cơ tai nạn xảy ra trong quá trình tăng gia sản xuất. Việc sử dụng chậu kiểng, sọt chứa đất tăng gia trong sân nhà cần được khuyến khích, phát huy, nhưng để rau tràn ra vỉa hè, đường tàu thì cần được quan tâm, chấn chỉnh kịp thời.

Bài và ảnh: Hà Nguyên

;
.
.
.
.
.