.

Trả nợ quê nhà

.

Cuối tháng 4-2008, NXB Đà Nẵng ấn hành cuốn sách “Đất Quảng - Những sự kiện đáng nhớ” của Nhà nghiên cứu Thạch Phương. Qua hơn 400 trang sách, bạn đọc có thể hình dung toàn cảnh về lịch sử - văn hóa của một vùng địa linh nhân kiệt, hiểu rõ hơn để tự hào hơn về nơi được xem là bước dừng chân đầu tiên trên hành trình Nam tiến của dân tộc.

74 sự kiện trải dài từ năm 1306, với việc vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để mở rộng biên giới Đại Việt đến sông Thu Bồn, cho đến năm 2007 - năm mà “người anh hùng thời “giữ lửa’ của quê hương trung dũng, kiên cường” Phạm Khôi (Mười Khôi) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dọc theo chiều kích 700 năm lịch sử đất Quảng có biết bao trang vàng mà một quyển sách hơn 400 trang không thể tái hiện hết. Ở đây, tác giả chỉ tập hợp những sự kiện, những gương mặt lịch sử tiêu biểu. Các sự kiện nổi bật có thể kể đến: Sự ra đời của danh xưng Quảng Nam (QN), cái nôi của chữ Quốc ngữ, trận đầu đánh Pháp ở Đà Nẵng năm 1858, Phong trào Nghĩa hội QN, sự ra đời của Đảng bộ Cộng sản tỉnh QN, giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN), chia tách QN-ĐN thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương…
Bên cạnh một số các danh nhân tầm cỡ quốc gia làm rạng rỡ đất Quảng như Nguyễn Văn Thoại, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng..., tác giả còn giới thiệu một số sự kiện tuy chỉ diễn ra ở địa bàn nhỏ hẹp nhưng mang ý nghĩa lớn như 3 xã được 3 lần phong danh hiệu Anh hùng (Bình Dương, Hòa Tiến, Duy Hòa), Điện Nam xã 5 nhất, Xóm Bà mẹ Việt Nam anh hùng, một gia đình có 3 anh hùng...

Nhà nghiên cứu Thạch Phương trong lần du khảo tại nghĩa địa Y Pha Nho trên bán đảo Sơn Trà. (Ảnh V.T.L)

Tuy nhiên, sự kiện quan trọng nhất được tác giả đẩy lên hàng đầu là chùm ca dao độc đáo gồm 14 bài, có thể gọi là 14 khổ ca dao trữ tình mang đậm dấu ấn QN. Tất cả đều bắt đầu bằng hai câu “Đất QN chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say” và nối với hai câu sau theo kiểu “biến thể”. Theo tác giả, đây là cách “nói lên những cung bậc tình cảm khác nhau, những quan niệm, ý tưởng đẹp về đời, về người, cả những biến động lịch sử đã qua”.

Ở phụ lục cuối sách, tác giả đã dày công soạn thêm phần “Niên biểu”, bắt đầu từ năm 1306, năm mà phần đất bắc QN được sáp nhập vào bản đồ Đại Việt, cho đến năm 2005, năm thành lập huyện Phú Ninh (tỉnh QN) và quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng). Đây là một tài liệu rất quý không chỉ đối với các nhà nghiên cứu mà cả với những ai quan tâm đến lịch sử quê hương, đất nước.

Nhà nghiên cứu Thạch Phương quê Điện Tiến, nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh QN. 20 năm công tác ở Viện Văn học Hà Nội, 30 năm sống ở thành phố Hồ Chí Minh, xa quê, nhưng trong ông bóng dáng xứ Quảng xưa vẫn mênh mông một miền ký ức. Đến nay, ông đã xuất bản được 20 đầu sách, trong đó có những bộ sách được giới nghiên cứu đánh giá cao như Địa chí Long An (1989), Địa chí Bến Tre (1991, tái bản 2001), Từ điển Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh (2001), Địa chí Bà Rịa - Vũng Tàu (2001)…

Xa quê, ông luôn đau đáu một niềm riêng: Đã viết sách cho nhiều địa phương, nhưng chính quê hương mình thì ông vẫn chưa có một công trình nào tầm cỡ. Hơn mười năm trước, khi nhận lời mời của lãnh đạo tỉnh QN-ĐN hồi đó để viết địa chí cho chính quê hương mình, ông nghĩ, thế là đã đến lúc trả được món nợ thiêng liêng cho nơi chôn nhau cắt rốn. Đến nay bộ “Địa chí QN-ĐN” gần 1.700 trang do ông và Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An đồng chủ biên đã hoàn thiện các bước cuối cùng, sắp sửa ra mắt bạn đọc.

“Đất Quảng - Những sự kiện đáng nhớ” có thể xem là một “Địa chí QN-ĐN” bỏ túi, là “món nợ nhỏ” ông riêng trả cho quê nhà trước khi hoàn thành tâm nguyện với “món nợ lớn”. Quê hương, trong ông, là một “chủ nợ” nghìn đời rất đỗi khoan dung mà những “con nợ” như ông thì không biết đến bao giờ mới trả hết: “Người biên soạn công trình này xin được phép coi đây như một nén hương lòng dâng lên các vị tiền nhân đã góp phần làm rạng rỡ danh xưng của vùng đất trăm mến ngàn thương này”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.