Câu chuyện dưới đây như một lời nhắn gửi với những người mẹ đã để quên dúm ruột ở một nơi khác ngoài gia đình mình. Biết đâu, khi đọc được những dòng này, những người trót lầm lỡ ấy sẽ hiểu mình phải làm gì để lòng được yên vui, thanh thản.
Những người mẹ “một đi không trở lại”
Nhìn ảnh Bảo Sơn do bố mẹ nuôi gửi qua, thật khó tưởng tượng hơn 2 năm trước đứa bé bị mẹ bỏ rơi này đã cận kề với cái chết. |
Các cháu nhỏ đang ăn trưa trong phòng thì có tiếng gọi “Cô ơi! Cô ơi!” ngoài cổng. Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng Phạm Thị Ngọc Thúy trực tiếp ra mở cửa. Một cô gái khoảng 20-21 tuổi, ẵm một bé trai có khuôn mặt đầy vết nhăn choắt lại như người già, hơi thở thỉnh thoảng bị đứt quãng. “Cháu bị bệnh, em sợ nó chết mất cô ạ. Cô làm ơn nuôi giúp cháu một tuần, rồi em quay lại nhận”. Nghe lời khẩn khoản của người mẹ trẻ, nhất là thấy tình trạng sức khỏe của đứa bé quá tồi tệ, bà Thúy cầm lòng không đậu. Bà đưa tay đón đứa bé, chưa kịp hỏi lấy một câu thì người mẹ trẻ đã quày quả bỏ đi.
Đã có không ít những người mẹ đành đoạn phó thác vận mệnh đứa con mà mình đã rứt ruột sinh ra cho dòng đời phiêu bạt bằng cách bỏ con lại ở bệnh viện, mang con đến giao cho các cơ sở nuôi trẻ mồ côi, lén bỏ con gần các trạm y tế... Từ năm 2005 đến nay, theo bà Thúy, trung tâm đã nhận nuôi 56 trẻ có xuất thân đáng buồn như thế, trong đó chỉ 5 tháng đầu năm 2008 đã có 12 trẻ. Các cháu được chăm sóc như nhau, nhưng bà vẫn dành một tình cảm rất riêng cho đứa bé đến với trung tâm vào buổi trưa một ngày tháng 9 năm 2005 khó quên đó, vì lẽ bà đã mang lại sự sống cho nó.
Lúc đó, nó được khoảng hai tuần tuổi, nhưng cân nặng chỉ 1,7 kg, ốm quặt quẹo. Từng công tác ở khoa nhi ngành y, bà Thúy biết đứa bé này bị viêm phổi nặng, không cứu chữa kịp thời sẽ khó giữ được mạng sống. Vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, bà đã cùng với các bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng giữ lại được sự sống cho sinh linh bé nhỏ ấy với tất cả tấm lòng người mẹ. Sau khi đưa đứa bé về lại trung tâm, bà cho nó dùng loại sữa đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng để nó đạt thể trạng bình thường sau 3 tháng. Không biết họ cháu là gì, bà làm khai sinh cho nó với chỉ độc một cái tên là Bảo Sơn.
Tháng 7 năm 2006, vợ chồng một người Pháp đến lập thủ tục nhận Bảo Sơn làm con nuôi. Lúc rời trung tâm, đứa bé 10 tháng tuổi ấy cứ mãi ngoái nhìn bà với ánh mắt u buồn, lưu luyến. Cuối năm ngoái, bà nhận được thư của họ với những thông tin mới nhất về Bảo Sơn. Nó đã có tên mới là Amaury Cloué, thể trạng phát triển bình thường, ba mẹ nuôi nó viết: “Cả gia đình chúng tôi đều rất hạnh phúc bởi sự có mặt của cháu”.
Trong 3 năm qua, trung tâm đã tìm được mái ấm gia đình cho 30 cháu. Riêng với những trường hợp như Bảo Sơn, bà Thúy vẫn thầm mong một ngày nào đó những người mẹ trẻ ấy quay lại. Như thế, chí ít cũng được một vài thông tin - điều mà ba mẹ nuôi của các cháu luôn trông ngóng để tất cả cùng sẻ chia vì tương lai của con trẻ.
“Con mèo” của ông đại tá
“Con mèo ướt” ngày nào giờ đã trở thành cô bé Thanh Lương ngoan hiền, hiếu thảo. |
Ra mở cửa là một bé gái chừng 11 tuổi. Cháu có phải là Thanh Lương không? - tôi hỏi. Nó vừa mở ổ khóa vừa nhìn tôi: “Dạ”. 8 năm trước, nó là nhân vật chính thứ hai, sau bố nuôi nó, trong câu chuyện “Ông Đại tá ru con” tại một liên hoan kể chuyện theo sách ở Nhà văn hóa quận Sơn Trà.
Buổi chiều 27 Tết 11 năm trước, một thiếu nữ khoảng ngoài 20 tuổi, trên tay bế một bé gái yếu ớt như con mèo ướt, rụt rè nói với ông Trà Thanh Lợi, đại tá về hưu ở phường An Hải Đông, quận Sơn Trà: “Ông ơi, làm ơn cho cháu gửi cháu bé một chút, mua xong ít hàng cháu sẽ quay lại ngay”. Ông Lợi vui vẻ đồng ý. Nhưng, một ngày, rồi nhiều ngày, người mẹ trẻ ấy vẫn biệt vô âm tín.
Vợ ốm nặng, hai đứa con lo chuyện học hành, một mình ông xoay xở với đứa bé mới bốn tháng tuổi. Thời trai trẻ, ông là bộ đội đặc công, từng ngang dọc khắp chiến trường với ba-lô và cây súng chứ có bao giờ biết đến chuyện thay tã lót, cho trẻ bú mớm đâu. Thế nhưng, trái tim con người được sinh ra là để biết dấn thân trước cái ác và biết thương cảm trước điều bất hạnh.
Nghiễm nhiên trở thành bố nuôi dạy trẻ, bận rộn là thế, nhưng ông vẫn còn lo được việc của Hội Cựu chiến binh, việc của Ban bảo vệ dân phố. Thấy ông cực, mọi người khuyên ông giao đứa bé cho trại trẻ mồ côi. Thậm chí, có vợ chồng nọ vô sinh, muốn gửi ông 10 triệu đồng để được nhận nuôi đứa bé. Ông từ tốn: “Tôi nhận lời giữ giùm con người ta, dù gì cũng phải chờ mẹ nó quay lại đón”.
Tháng ngày trôi qua, đứa bé lớn dần trong tình yêu thương của gia đình ông, của bà con chòm xóm. Ông đặt tên cho nó là Trà Thị Thanh Lương, tên gọi thân mật ở nhà là Út Cưng. Dần dà, hình thành trong ông và các thành viên gia đình một tình cảm, trước còn mơ hồ, về sau càng trở nên thiêng liêng, thắm thiết. Những lần nó sốt cao, ông ngồi suốt đêm trong bệnh viện, chăm nó như mẹ chăm con. Tiếng ru hời da diết từ cảnh “gà trống nuôi con” đã làm dấy lên biết bao thương cảm từ những con tim ở Trung tâm Y tế quận.
Giờ đây, “Con mèo ướt” đã tròn 11 tuổi, vừa học xong lớp 5 ở trường tiểu học gần nhà. Còn ông đại tá thì đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, trái tim thỉnh thoảng vẫn cảm nhận nỗi đau nhức từ những vết thương trên người mỗi khi trái gió trở trời, nhưng bao giờ cũng rung lên một cung bậc yêu thương, nhân hậu.
Người mẹ xưa giờ phiêu bạt chốn nào, đọc những dòng này, liệu có biết phải làm gì để lòng được yên vui, thanh thản? Sẽ có một kết thúc có hậu, bởi cũng như ông Lợi, tôi luôn tin rằng, trên thế gian này không hề có phụ nữ nào mà không có trái tim người mẹ.
VĂN THÀNH LÊ