.

Trước dịch bệnh tiêu chảy cấp

.

3 tháng cuối năm 2007, gần 2 ngàn người mắc bệnh tiêu chảy cấp. Từ đầu năm đến nay, cao điểm nhất – đợt 5-3 đến 21-4 – có gần 2.500 người nhập viện, trong đó có 377 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả (số liệu Bộ Y tế). Hiện nay, số lượng bệnh nhân nhập viện đã giảm mạnh. Riêng Hà Nội,  từ con số trung bình 100 ca/ngày hồi đầu tháng 4 xuống chỉ còn 5 đến 10 ca/ngày trong những ngày gần đây.

Hãy cẩn trọng với đồ ăn, thức uống ở những nơi công cộng. Người dân không nên  bàng quan với dịch bệnh tiêu chảy cấp. (Ảnh tư liệu)

Các  quan chức ngành y tế nói chung và vệ sinh dịch tễ nói riêng đã kịp thời có mặt ở những nơi phát dịch; thậm chí tại TP Hồ Chí Minh mới có 1 ca nhiễm bệnh cũng đã được khảo sát, phun thuốc đề phòng lây lan. Tại Hà Nội, cả một khu chợ “chồm hổm” và một khu hồ ứ đọng cũng đã được ngành giao thông-công chính nhanh chóng giải tỏa.

Đó là những động thái kịp thời của các cơ quan chức năng. Nhưng trên truyền hình, ta vẫn còn thấy nhiều người dân trả lời tỉnh bơ trước ống kính: “Tôi vẫn thường ăn ở hàng này, có sao đâu; chúng tôi là dân lao động nghèo chỉ biết ăn ở những chỗ bán rẻ dọc đường thôi!”. Tại những khu vực nhạy cảm như chợ, bến xe, các nhà vệ sinh công cộng, các hàng rong trên bãi biển..., người dân vẫn còn bàng quan với nguy cơ của dịch bệnh này.

Từ những thông tin như vậy chúng ta thấy được gì?

Một là, việc tiêm phòng nhanh chóng bằng vắc-xin tả chưa được triển khai kịp thời ở những vùng đang xảy ra dịch, mà chỉ dừng lại ở các biện pháp phun thuốc vệ sinh môi trường, giải tỏa một số lều chợ, ao hồ, xét nghiệm các mẫu nước ao hồ hoặc các mẫu thức ăn ở hàng quán... Đó là việc làm cần thiết để ngăn chặn lây lan, nhưng tiêm chủng mới là biện pháp ngăn ngừa trực tiếp có hiệu quả nhanh chóng hơn.

Thứ đến là vấn đề thi hành luật pháp đối với việc buôn bán hàng ăn trên các lề đường, vừa mất vệ sinh, vừa cản trở giao thông, cần sớm ngăn cấm triệt để. Bất cứ ai bán hàng ăn, thực phẩm đều phải có cửa hàng tươm tất, được kiểm tra vệ sinh và an toàn thực phẩm định kỳ. Cửa hàng ăn nào vi phạm phải bị phạt nặng, thậm chí đóng cửa một thời gian để răn đe. Chúng ta chưa thấy ở đâu hàng ăn bày trên lề đường một cách “tự nhiên” như ở các thành phố Việt Nam. Người bán hàng lại được thuê mặt bằng, trả thuế hẳn hoi (dù là thuê của Ủy ban phường, trả thuế khoán cho tổ thuế địa phương), điều đó mặc nhiên được hiểu là họ kinh doanh hợp pháp mà quên rằng họ (và cả sự tiếp tay của địa phương) đã vi phạm các luật về an toàn giao thông và vệ sinh dịch tễ!

Thứ ba, là ý thức của người dân: Rẻ mà không an toàn cho sức khỏe thì không thể gọi là rẻ, vì tiền thuốc chữa bệnh chưa được tính. Tính liên đới trong đời sống thị dân bị xem nhẹ khi hành vi của người này lập tức tác động đến cộng đồng, nhất ra trong lĩnh vực y tế, môi trường. Để xây dựng được ý thức đó không chỉ là tuyên truyền suông, mà cần đến nhiều biện pháp đồng bộ như xử phạt nghiêm minh các vi phạm, tổ chức những nhà ăn cho người nghèo đô thị (giá rẻ vì được giảm thuế, giảm tiền thuê mặt bằng chẳng hạn), hoặc những suất ăn công nghiệp hợp vệ sinh ngay tại nơi làm việc, tuyệt đối nghiêm cấm các cấp chính quyền cho thuê lề đường bán hàng ăn, xem công tác kiểm tra an toàn thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên của ngành y tế và vệ sinh dịch tễ chứ không phải có “chiến dịch” mới “ra quân” như lâu nay, rồi sau đó lại tái diễn việc “đánh trống bỏ dùi”!

Và cuối cùng, một vấn đề quan trọng nhất, hiện nay phần lớn các gia đình ở nông thôn không có nhà vệ sinh, nên phân thường thải ra nguồn nước sinh hoạt và làm ô nhiễm môi trường cùng với các vi khuẩn lan bệnh. Trong khi đó, người dân nói chung cũng chưa có thói quen rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh, và mầm bệnh cứ dần tích lũy thành một tiềm năng rất lớn. Cần phải làm sao để người dân thấy việc xây dựng nhà vệ sinh như là một hình thức nâng cấp căn nhà, chứ không phải là một can thiệp mang tính y tế công cộng. 

NGUYỄN SÔNG HÀN

;
.
.
.
.
.