.

Việt Nam 2008: Nhìn từ ASEAN

Nhân dịp Việt Nam tổ chức kỷ niệm 33 năm Ngày thống nhất đất nước (30-4), trên các báo lớn của nhiều nước ASEAN đã có những bài viết đáng cho chúng ta vừa tự hào và suy nghĩ.

Tờ Business Times tại Singapore đăng kết quả từ một cuộc điều tra kinh tế cho thấy: “Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ là ba quốc gia thu hút nhiều nhất các doanh nghiệp Singapore đến đầu tư. Kết quả khảo sát hoạt động thương mại trong quý 1 vừa qua của BT-UniSIM tại 128 công ty của Singapore cho thấy 29% trong số các xí nghiệp được hỏi cho rằng họ sẽ đầu tư vào Trung Quốc trong 2 năm tới. Việt Nam xếp vị trí thứ 2 với hơn 25% và Ấn Độ đứng thứ 3 với 9,7%. Việt Nam đã ở vị trí thứ 2 trong cuộc khảo sát đầu năm 2006 nhưng chỉ đạt 13% và năm nay đã tăng vọt gần gấp đôi sự tín nhiệm của các nhà đầu tư ở đảo quốc Sư tử... Về các dự án đầu tư được hoạch định, Việt Nam đã vượt lên mạnh mẽ như một quốc gia đầy thiện chí”, giám đốc chương trình nghiên cứu BT-UniSIM, Chow Kit Boey cho biết.

Business Times bình luận: “Trong năm 2008, Việt Nam đang khẳng định vị trí thứ hai trong mọi lĩnh vực đối với các nhà đầu tư Singapore, ngoại trừ vài hoạt động về thương mại, bán sỉ, khách sạn và nhà hàng. Các hoạt động trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ ở Trung Quốc đối với các nhà đầu tư Singapore vẫn rất hấp dẫn, tuy vậy Việt Nam, cũng như Indonesia và Nhật Bản, vẫn là những sự lựa chọn phổ biến...”.

Dưới hàng tít “Việt Nam đang tạo ra một thách thức lớn hơn” (Vietnam posing bigger challenge), nhật báo Bangkok Post ngày 25-4 cho biết, việc xuất khẩu rau quả của Thái Lan sang EU đang đối diện với sức cạnh tranh mạnh mẽ từ Việt Nam. Tổng Thư ký của Hiệp hội xuất khẩu rau quả Thái Lan Supakit Rattanasirimontre nói tại một hội thảo về hàng xuất khẩu Thái sang thị trường châu Âu rằng tình trạng thiếu hụt các sản phẩm nông nghiệp tươi sống, sự tiến bộ chậm chạp về năng suất và việc thiếu trách nhiệm của chính phủ đã gây tác hại đến ngành kinh doanh này.

Bài báo này trích dẫn: “Báo cáo khác của Viện Lương thực quốc gia Thái Lan cho thấy giá trị hàng xuất khẩu sang châu Âu năm 2007 đạt 20,2 tỷ bath, tuy giảm so với năm trước đó chút ít, nhưng lại giảm 100 tỷ bath so với năm 2005. Trong khi đó, Việt Nam đã chiếm đến 30% thị phần hàng rau quả tại thị trường châu Âu. Mặt hàng rau quả Thái xuất cho thị trường này đã có dấu hiệu giảm đi từ năm 2005 vào lúc chúng bị khám phá nhiễm khuẩn và bị áp đặt lệnh cấm. Điều này đã làm xói mòn tên tuổi hàng hóa Thái Lan tại thị trường châu Âu.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là những cam kết pháp lý về chất lượng sản phẩm. Hàng hóa của chúng ta (Thái Lan) bị tẩy chay hai năm trước ở châu Âu nhưng chúng ta không làm gì cả để thay đổi. Gần 40% rau quả Thái Lan đã bị thay thế bằng sản phẩm của Việt Nam tại nhiều siêu thị châu Âu”. Ông Supakit cũng cho rằng hải sản, thịt gia cầm và thức ăn chế biến sẵn của Thái cũng đang đối mặt với một thách thức tương tự từ sản phẩm của Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh ưu tiên phát triển trang trại, giảm các chi phí và tăng năng suất cao hơn Thái Lan vốn đã đình đốn từ cả một thập niên vừa qua. Việt Nam cũng đã cải tiến rất nhiều về đóng gói hàng xuất khẩu theo một nỗ lực thỏa mãn các quy tắc châu Âu và nhu cầu của khách hàng.

Trong khi đó, mọi việc đang tồi tệ ở Thái Lan. Việt Nam hầu như đã hoàn tất việc cải thiện các sân bay quốc tế và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ hàng hải để giảm chi phí vận chuyển và trong tương lai gần sản phẩm từ Việt Nam sẽ được chở trực tiếp đến các nước châu Âu cũng như nhiều thị trường khác. Họ đã có nhiều thành tích vượt qua các sản phẩm của Thái...”.

Có thể nói, cả những tờ báo lớn và giới nghiên cứu tại hai nước thành viên kỳ cựu và phát triển trước trong khối ASEAN đã có những đánh giá về sự phát triển của Việt Nam những năm gần đây, tuy riêng rẽ, nhưng cho thấy: Từ sau đổi mới và hội nhập toàn cầu, nền kinh tế của Việt Nam đã có những bước phát triển khá cụ thể; đồng thời can dự rõ rệt vào các dòng chảy về vốn đầu tư cũng như hàng hóa trên các thị trường. (Tất nhiên cũng sẽ bị tác động nhất định của các ảnh hưởng tiêu cực như giá cả, lạm phát...). Trong “dòng chảy” chung đó, chúng ta đã để lại những dấu ấn rõ rệt về cải thiện môi trường thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và minh bạch trong làm ăn của một “đất nước đầy thiện chí” trong khối.

Bạn bè đánh giá về ta không kém sự trọng thị. Trong quá trình “lưu thủy hành vân” của cạnh tranh, ai không tiến sẽ bị tụt hậu. Do vậy, tiếp tục cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp nói riêng và của cả đất nước nói chung vẫn phải là việc làm từng ngày, là “nhật niệm” để tiếp tục đưa thương hiệu của đất nước tiếp tục vươn lên.

Trương Điện Thắng

;
.
.
.
.
.