.

“Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn!”

.

Theo lời giới thiệu, tôi đến nhà ông Lâm Quang Minh, 86 tuổi, ở số 47, Thanh Long, Đà Nẵng, quê ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, nguyên là Đại tá quân đội về hưu, người đã vinh dự được gặp Bác Hồ 8 lần khi còn tại ngũ.

Ông Lâm Quang Minh.

Ông Minh xúc động cho biết, tôi không có vinh dự như nhiều anh chị em cán bộ, dũng sĩ từ miền Nam ra miền Bắc công tác, học tập hay chữa bệnh, được trực tiếp gặp Bác Hồ, được Bác ân cần động viên dạy bảo, được ngồi ăn cơm với Bác, được Bác chia bánh, chia kẹo… như người cha, người ông đối với con cháu đi xa về. Nhưng tôi lại có may mắn được gặp hay được đón Bác nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong suốt thời gian từ năm 1946 đến khi Bác đi xa.

Trong rất nhiều lần được gặp Bác, lần nào cũng để lại trong lòng ông Minh những kỷ niệm khó quên, và có những kỷ niệm đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao của ông và của cả gia đình. Nhưng ông nhớ nhất và hạnh phúc nhất là lần thứ 5 và lần thứ 6 được gặp Bác.

Ông Minh kể, lần thứ năm tôi được gặp Bác là vào cuối năm 1952. Sau 7 năm kháng chiến chống Pháp, tôi được trên chỉ định làm trưởng đoàn đưa một đoàn gồm 16 cán bộ trung, sơ cấp từ Liên khu 5 ra chiến khu Việt Bắc dự khóa chỉnh huấn do Tổng cục Chính trị tổ chức. Khóa học gồm có hơn 400 cán bộ từ khắp chiến trường trong cả nước về dự. Khóa học đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm. Đón Bác, riêng đoàn Liên khu 5, ăn mặc thống nhất đồng phục may bằng vải Sita.
 
Sau khi thăm hỏi, động viên toàn khóa học, nhìn về phía đoàn chúng tôi, Bác khen ngợi: “Các chú bộ đội và đồng bào Liên khu 5 không những đánh giặc giỏi, mà còn làm kinh tế tự túc giỏi, tăng gia sản xuất giỏi. Bác gửi lời thăm các chú bộ đội và đồng bào Liên khu 5”. Nhìn từng người trong đoàn, Bác thân mật hỏi: “Các chú từ Liên khu 5 ra đến đây hết bao nhiêu thời gian, có chú nào rơi rớt dọc đường không?”. Tôi thay mặt anh em đứng nghiêm, lễ phép trả lời và hứa sẽ về báo cáo lại cấp trên và đồng bào Liên khu 5 về sự quan tâm và những lời biểu dương, động viên của Bác. Đêm đó, giữa núi rừng Việt Bắc-Thủ đô kháng chiến của ta, tôi không sao ngủ được, lòng bồi hồi xúc động luôn nhớ về Bác và những lời thăm hỏi, động viên của Người…

 
Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh - Nghệ An. 
Ảnh: Sỹ Minh                                                         

4 năm sau, tôi tình cờ được gặp Bác giữa Thủ đô Hà Nội và không phải chỉ có mình tôi mà là cả gia đình gồm vợ và con đều vinh dự may mắn được gặp Bác. Số là tôi từ đơn vị đóng quân ở Quân khu 4 (Nghệ An) ra dự lớp bổ túc Pháo binh ở Sơn Tây và nhân ngày nghỉ, tôi được phép về Hà Nội thăm gia đình. Lúc bấy giờ, vợ tôi vừa mới sinh đôi được 2 cháu gái, đang ở nhờ nhà ông cậu là Hiệu trưởng Trường cấp 3 Chu Văn An, cạnh Hồ Tây. Tôi vẫn còn nhớ, hôm ấy là một buổi chiều giữa tháng 12 năm 1956, Bác Hồ đến thăm Trường Chu Văn An. Giáo viên và học sinh các lớp đã tập họp với hàng ngũ chỉnh tề trong sân trường, hồi hộp chờ Bác đến.

Nghe tin Bác đến thăm, tất cả gia đình cán bộ, nhân viên trong khu tập thể đều hối hả chạy ra sân trường. Tôi vội bế một cháu, vợ tôi bế một cháu len lỏi trong đám đông để được đến gần Bác. Thấy vợ chồng tôi bế các cháu nhỏ, anh chị em nhường lối để đến với Bác...Mặc dù gia đình chúng tôi không phải là đối tượng của cuộc viếng thăm, nhưng đối với chúng tôi đây là một dịp may mắn hiếm có trong đời, một kỷ niệm không thể nào quên trong ký ức, nhất là đối với vợ tôi, được trông thấy vị lãnh tụ kính yêu bằng xương, bằng thịt, với bộ kaki cũ kỹ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng nói ấm áp chân tình, lời nói mộc mạc, đầy tính thuyết phục.

Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”. Sau hôm gặp Bác, vợ chồng tôi bàn nhau và thống nhất đặt tên cho hai con gái là Hạnh và Phúc, để tưởng nhớ và kỷ niệm ngày được gặp Bác Hồ kính yêu. Như ước mơ của vợ chồng chúng tôi,  hai cháu Hạnh và Phúc khi ra đời vốn rất yếu và còm cõi nhưng càng lớn càng khỏe mạnh, chăm ngoan, học hành đến nơi đến chốn, công tác thành đạt, cả gia đình chúng tôi sống vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc... Mỗi năm, khi đến ngày sinh và ngày mất của Bác, cả gia đình chúng tôi càng tưởng nhớ đến Người và cùng nguyện với lòng mình: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn!” như nhà thơ Tố Hữu đã viết…

LÊ VĂN HOA (Ghi theo lời kể của Đại tá về hưu Lâm Quang Minh)

;
.
.
.
.
.