.
BẢO VỆ BỜ SÔNG Ở ĐÀ NẴNG

Phá nhiều hơn xây

.

Đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, mỗi ngày cần hàng nghìn m3 cát, sạn. Số cát, sạn này chỉ có thể đào bới tại các sông Cu Đê, Vĩnh Điện và Túy Loan.  Sự tàn phá này đang phải trả giá quá đắt, khi chi phí để xây dựng kè bảo vệ rất tốn kém. Thực trạng bờ sông ở Đà Nẵng bị phá đáng báo động.

Hoạt động khai thác cát luôn sôi động ở xã Hòa Nhơn (Hòa Vang).


Quanh năm khai thác cát, sạn luôn sôi động. Trên các dòng sông, 3 giờ sáng, ghe thuyền đã thi     nhau gí ống hút vào bờ đào bới. Tại các điểm tập kết cát, băng chuyền làm việc không ngơi nghỉ. Xe chở cát  liên tục quay vòng, tăng chuyến. 7 giờ sáng ngày 4-5, ghe của ông Nguyễn Lộc, ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn (Hòa Vang) đã chuyển 8m3 cát lên điểm tập kết sát bờ sông Túy Loan, đoạn phía thượng lưu cầu Giăng xong.
 
Hỏi ông, đi lấy cát lúc nào mà 7 giờ đã hoàn thành một chuyến? “2 giờ 30 xuất phát, 3 giờ bắt đầu hút, 6 giờ về bến, làm nghề này phải tranh thủ từng giờ”, vừa nói ông vừa chống cho mũi ghe ra giữa sông để đi chuyến tiếp. “Mỗi ngày mấy chuyến?”. “Ít thì 3 chuyến, lấy nhanh thì 4 chuyến”. “Đào bới bờ sông như vậy, không bị lực lượng bảo vệ bắt, phạt?”. “Có chứ. Thế mới tranh thủ đi thật sớm, khi đó họ chưa dậy. Nếu không may gặp bảo vệ thì đưa ghe ra giữa dòng hút, họ đi rồi lại vào bờ hút cho nhanh”. Chỉ lên các đống cát bên sông, ông bật mí: cát màu vàng là đào bới trong bờ, cát màu thẫm mới lấy giữa dòng. Nhìn kỹ có đến 90% cát tập kết tại đó màu vàng nhạt.

Chỉ vài chục phút lưu lại bên sông Túy Loan, chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc ghe đầy ắp cát cập bến. Mỗi ghe 8 m3/chuyến, ngày 3 chuyến như vậy, với khoảng 40 ghe hoạt động, tính ra bờ sông Túy Loan mỗi ngày mất ngót nghìn m3 đất cát. Đây là nguyên nhân bờ sông tiến rất nhanh vào đất canh tác và khu dân cư. Và việc di dời dân khỏi vùng sạt lở ven sông năm nào cũng phải triển khai.

Tình trạng đào bới lấy cát dọc sông Vĩnh Điện diễn ra ngày càng phức tạp, mặc cho trên bờ dựng nhiều bảng cấm khai thác, người dân các khu dân cư gần sông phản đối quyết liệt. Không ít đất canh tác dọc con sông này đã biến mất. Chủ các hồ tôm ở thôn Cổ Mân đang rất lo bờ bao ao hồ bị lũ cuốn trôi, khi cách đó không xa, bờ sông đã lõm sâu vào phía trong gần 100m. 

Ghe thuyền chở cát luôn tấp nập trên sông Túy Loan.

Ông Trần Văn Đức, chủ 6 ha hồ tôm tại đây cho hay: Ghe thuyền đào bới suốt ngày đêm. Họ ngang nhiên, liều lĩnh đến nỗi công nhân trại tôm yêu cầu họ đưa ghe ra xa bờ hút, còn bị cự nự, thậm chí còn bị ném đá đe dọa. Nói về việc bảo vệ bờ sông, ông buồn rầu cho hay: Mấy khi thấy lực lượng bảo vệ. Lực lượng địa phương thỉnh thoảng có nhoáng qua, nhưng chỉ lúc các ghe lấy cát đã rút.

Có thể nói, tình trạng đào bới bờ sông lấy cát đang gây hiểm họa lớn cho sự an toàn các khu dân cư, đất canh tác hai bên bờ. Các cơ quan chức năng liên tục chạy theo giải quyết hậu quả, tức nơi nào sạt lở nghiêm trọng là lập dự án kè bảo vệ. Mấy năm qua, dọc sông Vĩnh Điện đã kè 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 3 km, vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Hiện tại, Chi cục Thủy lợi và PCLB đang lập dự toán thiết kế để kè 150m đoạn Cổ Mân, phường Hòa Xuân, khu vực lõm vào phía trong gần 100m, với kinh phí dự kiến 2 tỷ đồng. Phá nhiều hơn xây, thực trạng buồn đã và đang diễn ra tại các bờ sông trên địa bàn Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.