.

Bệ đứng cho nhà báo vững vàng dấn thân

.

Cách đây 83 năm, ngày 21-6-1925, tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên - Báo Thanh Niên - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra đời. Từ đó đến nay, Báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Hàng hàng, lớp lớp các thế hệ nhà báo lớn lên và trưởng thành từ cái nôi Báo chí cách mạng Việt Nam.

Phóng viên các báo tác nghiệp tại Festival Cồng chiêng Tây Nguyên (Đaklak tháng 6-2007). Ảnh : V.PHƯƠNG

Họ xông pha như một người lính tiên phong trên chiến trường, bám sát thực tiễn cuộc sống để khám phá, phát hiện và biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình của mọi ngành, mọi địa phương trong cả nước. Chính vì thế mà những người làm báo cách mạng Việt Nam đã được Bác Hồ khẳng định: … Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ.

Trong kháng chiến cứu quốc cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, tư tưởng-văn hóa là một mặt trận quan trọng, trong đó báo chí là phương tiện đấu tranh hữu hiệu để bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân lao động. Đội ngũ nhà báo không ai khác chính là những người trực tiếp tham gia vào quá trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, vì vậy họ đã có mặt khắp mọi nơi, mọi thành phần xã hội, từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đến những công dân bình thường.
 
Sinh thời, Bác Hồ cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều tham gia viết báo để định hướng các chủ trương lớn, biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong cuộc sống hằng ngày. Qua đó thấy rằng, nhà báo và những gì nhà báo viết ra không phải là điều cao siêu, khó hiểu mà chỉ là những vấn đề, con người cụ thể sát sườn với cuộc sống của nhân dân ta.

Ngày nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, từ báo in, báo nói đến báo hình, báo điện tử. Đội ngũ những người làm báo ngày càng tăng về số lượng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền của các tổ chức chính trị-xã hội, các ngành và chính quyền các cấp. Tuy nhiên, nhìn vào toàn cục, có thể thấy, trong đội ngũ những người làm báo vẫn còn những bất cập trước yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống xã hội.

Đó đây, vẫn còn nhiều nhà báo chưa mạnh dạn trước những vấn đề cuộc sống đang đặt ra. Điều đó chứng tỏ rằng, chúng ta vẫn chưa đủ năng lực để nắm bắt, lý giải những vấn đề của cuộc sống xã hội. Cũng vì thế mà ngày nay trong đội ngũ nhà báo thiếu hẳn những cây bút sắc sảo, sống được với bạn đọc. Trong lúc đó lại có những nhà báo tự dễ dãi với chính mình, có một vài bài báo được đăng coi như mình là nhà báo có tiếng. Những nhà báo kiểu như vậy sẽ khó có điều kiện để trưởng thành trong nghề nghiệp.

Bác Hồ đã từng căn dặn đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam rằng: Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động. Lời căn dặn của Bác tuy đã lâu, nhưng vẫn còn rất mới với những người làm báo ngày nay.
 
Hãy nhìn vào thực tế, hiện vẫn có các nhà báo không quan tâm hoặc ít có cơ hội để tìm tòi, nghiên cứu các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, trong bài viết của họ thiếu tính thuyết phục, lý giải những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Đây cũng là điều đáng quan tâm trong hàng ngũ những nhà báo trẻ ngày nay. Ưu điểm của lớp trẻ là luôn luôn tìm tòi, học hỏi cái mới, nhưng nhược điểm là họ chỉ chú tâm đi tìm cái mới nhất thời của tuổi trẻ, chưa hiểu hết cái mới sâu xa nảy sinh từ trong cuộc sống xã hội.

Để tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp làm báo, ngày nay những nhà báo trẻ cần có các tiêu chí sau: Có thái độ chính trị vững vàng. Có trình độ chuyên môn sâu. Có kiến thức rộng. Ba tiêu chí đó tạo thành bệ đứng vững chắc cho các nhà báo vững vàng dấn thân vào cuộc sống xã hội với mọi thử thách, khó khăn để tự khẳng định mình, viết nên những tác phẩm báo chí hữu ích cho đời, cho cuộc sống mọi người. Đó cũng là hành trang để chúng ta vững cây bút trong xu thế hội nhập.

THANH GIÁN

;
.
.
.
.
.