.

Cam lòng bỏ biển

.

Chiều chiều, họ lặng nhìn ra phía tít tắp chân trời. Nhớ khơi. Nhớ biển. Nhiều thế hệ đã đi về như con thoi giữa bờ và biển, neo cuộc mưu sinh với cái nghề nghiệt ngã “hồn treo cột buồm”…

Loay hoay giữa bờ và biển

Người đi biển ngày một vắng dần, vì nghề biển xem ra không còn hiệu quả nữa.


38 tuổi, qua cái tuổi mặc quần xà-lỏn bắn bi từ lâu rồi, nhưng chàng trai ăn sóng nói gió ấy vẫn “bị” mọi người gọi là “Cu Anh”. Nhưng lại thích, cái tên gọi dân gian đậm chất biển giã ấy lại khơi gợi trong anh niềm tự hào nghề truyền thống. Lúc rớt đại học, anh nghĩ có đi đâu, làm gì cũng không “chắc ăn” bằng theo cha đi biển, cái nghề truyền đến anh là 5 đời. 20 năm sống dưới biển nhiều hơn trên bờ, anh nhận ra rằng mình sinh ra là để gắn cuộc đời với mênh mông sóng nước đại dương.

Cha anh, ông Mười Hết, 35 năm lênh đênh trên biển, tạo dựng cơ ngơi bằng chính sức lực của mình. 7 con tàu đã qua tay ông, từ cái ghe máy cổ lỗ sĩ cứ hở một chút là chết máy “nằm vạ”, cho đến tàu khai thác ven bờ 30-40 CV. Nhờ trời, mọi việc đối với ông đều thuận buồm xuôi gió. Biển đã giúp ông nuôi 4 anh em anh, 3 người có bằng đại học đã ổn định việc làm, riêng “Cu Anh” theo cha nối nghiệp nhà. Mấy năm gần đây, nghề biển bỗng nhiên thất bát. Cha anh đang dụ dự thì đùng một cái, giá xăng dầu tăng vọt, nó củng cố thêm ý định bán tàu bỏ nghề trong ông.

Cha già rồi thì nghỉ cũng được, nhưng tàu thì bán được mấy đồng? “Cu Anh” phân vân. Tàu hồi đóng tới 200-300 triệu, chừ hô 20 triệu không ai mua. Vừa tiếc của, vừa nhớ nghề, anh bàn với cha chuyển từ giã cào sang bẫy mực để đối phó với cơn bão giá. Giã cào phải chạy tàu gần như 24/24 giờ; còn bẫy mực thì sáng chạy ra thả lờ, tắt máy, chiều mới kéo lờ chạy vô. Năm ngoái, UBND phường Thọ Quang đã chuyển đổi được 31 tàu như thế, từ các nghề bị cấm (mành điện, giã cào) sang các nghề không bị cấm theo Đề án “Phát triển và chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, ngành nghề khai thác thủy sản giai đoạn 2006-2010” của UBND quận Sơn Trà.

Đánh bạc với... biển bạc

Cơn bão giá hiện nay cùng với hai cơn bão kinh hoàng Chanchu và Xangsane năm 2006 đã khiến một số ngư dân Thanh Khê nói chung, phường Thanh Khê Đông nói riêng rút ra một hệ quả: Quay lại nghề lưới chuồn truyền thống là thượng sách! Nghề câu mực cần đến tàu to, câu vào ban đêm, tốn nhiều nhiên liệu. Trong khi đó, lưới chuồn chỉ cần tàu 40-60 CV; 4-5 giờ sáng thả lưới, thả thúng; 2-3 giờ chiều thu lưới, xâu thúng, đã ít tốn dầu lại an toàn hơn câu mực rất nhiều.

Xét cho cùng, chuyển qua nghề bẫy mực hay quay lại nghề lưới chuồn cũng chỉ là cách làm “nóng đâu phủi đó”. Nghề bẫy mực tuy ít tốn nhiên liệu, ít lao động nhưng thu nhập thấp, một năm chỉ làm được 3 tháng thì mấy tháng còn lại lấy chi ăn? Còn nghề lưới chuồn thì đến nay chỉ có hai ngư dân đang làm thí điểm: Ông Nguyễn Văn Ân ra khơi ngay trong năm nay, ông Lê Văn Dũng thì cải hoán tàu thuyền để có thể hạ thủy vào đầu năm tới.

Sau hai cơn bão dữ, hầu hết ngư dân ở Đà Nẵng, vốn đã không muốn cho con nối nghiệp nhà, nay thêm bão giá, càng thêm quyết tâm đưa con lên bờ để còn có cơ nối dõi dòng họ. Phường Thanh Khê Đông có 78 tàu thì hết 11 tàu “đắp chiếu” nằm bờ cũng vì lý do đó. Cứ tưởng như thế lao động đi biển sẽ dễ tìm hơn, nhưng theo ông Phạm Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân phường, chủ các tàu muốn tiếp tục ra khơi phải chạy vô tới Quảng Nam, Quảng Ngãi cầu cứu “ngoại binh”.

Người đi biển ngày một vắng dần, vì nghề biển xem ra không còn hiệu quả nữa. Trước, vô một chuyến khoảng 35-40 triệu đồng là đã có lời, chừ thì vừa bằng tiền tổn, bao gồm tiền xăng dầu, tiền ăn uống, tiền đá, tiền công lao động. Anh Mai Phụ, một thời là “ông lớn” nghề biển ở Thọ Quang với đôi tàu 30 CV. Thế mà chừ cam lòng bán đổ bán tháo đôi tàu để trả nợ tiền dầu. Trai tráng đi giã trên tàu cũng bỏ lên bờ chạy xe thồ, làm thợ nề... “Bèo” nhất như phụ hồ cũng kiếm một ngày được 60 nghìn đồng, đi biển chừ chắc chi được chừng đó.

Chiều chiều, ngư dân Thọ Quang lặng nhìn ra biển, nhớ khơi xa. Ai cũng biết Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 289, trong đó có khoản hỗ trợ để ngư dân bám biển. Có điều thủ tục còn nhiều vướng mắc, hiện 180/455 chủ tàu ở Thọ Quang đã hoàn tất hồ sơ nhưng ngay cả Chủ tịch UBND phường Nguyễn Kim Thành cũng không biết bao giờ bà con mới được nhận tiền hỗ trợ.

Anh Cu Anh, từ khi nhận thấy ngư trường đến hồi cạn kiệt, đã tính chuyện lên bờ học nghề lái xe. Rừng vàng biển bạc, nếu được Nhà nước hỗ trợ, cha anh sẽ sắm tàu lớn hơn để anh tiếp tục “đánh bạc” với biển. Còn không thì cũng cam lòng bỏ biển lên bờ, rời xa cuộc mưu sinh nghiệt ngã đã nuôi sống năm thế hệ gia đình mình.

Văn Thành Lê

;
.
.
.
.
.