Nhiều người coi cái nắng, cái nóng như... kẻ thù, không có việc gì cần kíp thì không bước ra khỏi cửa. Trái lại, trời càng oi nồng, người bán diều, trà đá, nhân viên cây xanh, môi trường... lại càng đua theo nắng mà làm, mà buôn bán.
“Diều ơi! Trông trời nắng to!”
Giấu mặt mũi, tay chân sau lớp khẩu trang, găng tay, giày bata dày cộm, chị em cứ “lăn” vào xén cỏ, nhổ cây, lượm đá. |
Những người bán hàng rong theo mùa “mê” nhất là mùa diều, nhì là mùa Tết. Tết bán bong bóng, hè án diều. Mùa diều bắt đầu từ trước kỳ nghỉ hè chừng nửa tháng, và chỉ kết thúc vài ngày trước khi các cô cậu học trò tíu tít vào năm học mới. Năm nay, giá diều tăng 20% so với mọi năm, một con diều được bán ra khoảng vài nghìn đến 30.000 đồng.
Nhưng theo những người bán diều dọc đường Bạch Đằng: “Trẻ con ít quan trọng đến giá cả, chủ yếu diều phải to, có đuôi dài để giữ thăng bằng tốt và bay cao”. Ngoài loại diều năm đuôi mới xuất hiện, những con diều đen, có gắn thêm đèn thả lên bầu trời vào đêm tối được coi là kiểu chơi diều thời thượng của các em nhỏ tại Đà Nẵng. Để có thêm những chiếc đèn nhấp nháy hoặc chiếc vòng xoay tạo kiểu trên bầu trời, người mua diều phải bỏ thêm 15.000 - 100.000 đồng hoàn thiện theo ý muốn. Nhờ thế, người bán diều lại có thêm cơ hội kiếm tiền.
Một người đàn ông bán diều, tên Thy, quê Hưng Yên cho biết: “Bắt đầu bán từ tầm 4 giờ chiều đến tối. Trung bình mỗi ngày bán được trên 10 con. Hôm nào may, cũng “xuất” được khoảng hai chục. Có người thu nhập được vài trăm ngàn một ngày. Vậy mới đủ sống bù những hôm vì lý do này lý do nọ không đi bán được”. Anh Thy đã trải qua rất nhiều nghề, từ “đo chiều cao cân nặng, đo huyết áp, thử sức kéo”, ép dẻo các loại giấy tờ… đến bán diều.
Trong các nghề, anh vẫn thấy bán diều là “khỏe” nhất. Thu nhập tốt hơn mà cũng đỡ nắng nôi, kỳ kèo giá cả. Trong thành phố, hiện có gần ba chục người bán diều, người nào cũng phải am hiểu về diều, để khi diều của khách trục trặc, “mình còn biết chỉnh sửa’.Trời càng nắng to, càng oi bức, có gió lên, càng nhiều cánh diều lấp lóa bay giữa bao la xanh thẳm, vẽ nên những vệt rực rỡ sắc màu dọc các con đường Bạch Đằng, Sơn Trà - Điện Ngọc...
“Ai... trà đá, trà đá lạnh đây!”
Chị Hồng nám cả da mặt vì suốt ngày đứng ngoài nắng bán trà đá, nhưng với chị mùa nắng vẫn “dễ sống” nhất. |
Chị Võ Thị Hồng, bán trà đá ở chợ Cồn từ năm lên 9 tuổi. Bây giờ chị Hồng đã có hai con nhưng vẫn sống bằng nghề này. Dĩ nhiên, chịu nắng, nóng đến nám da mặt, nhưng chị vẫn thích mùa nóng kéo dài lâu lâu. Bởi trời nóng có thể bán gấp bốn lần những ngày dịu mát. “Nghề ni rứa đó, càng nắng bán càng được”, chị Hồng kể. Còn bà Võ Thị Đào, 70 tuổi, đã ngồi tại cái góc chợ bán nước trên 20 năm. Cho đến tuổi này, bà vẫn tự lo cho bản thân nhờ từng ly nước trà. Bà cười, tâm sự: “Không biết tới hồi mô mới nghỉ. Còn sức thì còn đi bán tiếp”.
Nghề bán trà đá dạo dường như chẳng có sự “cách tân” nào theo thời gian, có khác chăng là ở cái giá 200 đồng/ly lên 1.000 đồng/ly theo “biến động của giá cả thị trường”. Cũng chiếc thùng đó, chiếc ly đó len lỏi quanh khu vực chợ Cồn, từ năm này qua năm khác đã trở thành hình ảnh quen thuộc của nhiều người. Hỏi người bán nước dạo nào, cũng nghe “thâm niên” bán trà đá ít nhất chục năm. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi ngày những người bán trà đá kiếm khoảng 20 ngàn đồng. Dừng chân bên chợ làm ly nước mát giá bình dân, nếu không nghe mùi đậu ván như lời giới thiệu “trà đá hương đậu” thì cũng ít ai phiền lòng.
Càng nắng, càng tưới, càng mệt
Sợ nắng nhất là đội ngũ nhân viên cây xanh và môi trường đô thị, bởi phải phơi mình cả 8 tiếng đồng hồ dưới cái khắc nghiệt của “ông” mặt trời. Chị Dương Thị Thanh Hà, nhân viên môi trường trên đường Nguyễn Tất Thành “le lưỡi” khi nói tới lượng rác mình phải dọn: “Cứ mỗi người phụ trách 3 cây số. Sợ nhất là đồ thải của mấy quán nhậu đổ ra. Họ có dọn đâu, sáng nào cũng thức từ 4 giờ sáng, quét hoài, sáng hôm sau lại thấy đống khác. Trời nắng như ri, công việc mệt nhọc không nói rồi, mà mùi đồ ăn thừa bốc lên mới ghê!”.
Đối với anh em nhân viên cây xanh, mùa hè là mùa tưới nước cho cây. Có lúc tưới cách ngày, khi phải tưới liên tục, tưới tăng cường vào ban đêm, tưới luân phiên không kể thứ bảy, chủ nhật. Nắng đang xoay vần trên cao, dưới này nước tưới xuống, hơi nước bốc lên hầm hập, nên say nắng, bệnh phụ khoa, phong thấp... là chuyện thường. Giấu mặt mũi, tay chân sau lớp khẩu trang, găng tay, giày bata dày cộm, chị em cứ “lăn” vào xén cỏ, nhổ cây, lượm đá.
Mệt quá, khát quá thì kiếm chỗ râm râm ngồi nghỉ, uống miếng nước, trêu nhau vài câu, rồi lại tản ra mỗi người mỗi việc. Chị Nguyễn Thị Ngọc, một nhân viên cây xanh cho biết: “Cực nhất là làm cỏ ở ngoài bồn hoa. Chỗ đó không thuộc khuôn viên chăm sóc của mình, lẽ ra không cần làm, nhưng việc chăm sóc cây cũng như quét dọn nhà cửa, dọn nhà, phải quét luôn ngõ. Thành ra tụi tui cũng phải xớt cỏ, cuốc đá luôn phần bên ngoài, mà phần này còn nặng hơn so với việc của mình”.
Chưa kể, nhiều người dân lại cố tình lầm tưởng hố cây là... hố rác, nên thẳng tay vứt luôn bịch đầu cá, gói xương heo, và hàng trăm thứ trên đời vào đó. Dĩ nhiên, vừa chăm cây, nhân viên cây xanh phải làm luôn cả việc dọn rác. Công việc ngoài nắng đã cực, càng cực hơn...
Bài và ảnh: THU HOA - HẰNG VANG