.

Con hư tại...Mẹ ?

.

Không biết từ bao giờ, mỗi khi trẻ hư hỏng là mọi người lại đổ hết trách nhiệm cho hai nhân vật trong nhà: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Có lẽ điều này đúng trong một giai đoạn nhất định nào đó, bởi cha ông ta một khi đã tổng kết thành thành ngữ thì chả bao giờ sai lệch. Có điều, thời thế nay đã khác, con hư còn bởi trăm thứ bà giằng trên đời.

Coi con như trời

Tâm hồn trẻ con như trang giấy trắng, hãy cho trẻ chép những điều tốt đẹp nhất ngay từ dòng đầu tiên.

Đọc mẩu tin trên báo, nhiều người quen biết anh T. đã không khỏi ngạc nhiên. Cu Bi, con của anh vừa bị Công an quận xử lý vì hành vi gây mất trật tự xã hội. Nhưng một số người thân cận với vợ chồng anh thì không lạ gì chuyện ấy, nó như một kết cục tất yếu.

Sau khi đã có 2 con “vịt giời”, vợ chồng anh “ráng” thêm một cu cậu nữa, vừa “đủ nếp, đủ tẻ”, vừa hoàn thành nhiệm vụ đối với các cụ. Mọi chuyện bắt đầu từ việc anh chị coi cậu bé “đích tôn thừa trọng” này như là con vàng, con bạc. Cả hai dành mọi sự ưu ái trên đời cho cậu “con nhà trời” đó, như tuồng không hề có mặt hai cô con gái trong gia đình. Nó muốn gì được nấy, mới mè nheo buổi sáng là đến trưa đã được đáp ứng ngay. “Trang giấy trắng” tâm hồn nó đã chép những điều không hay ho ngay từ những dòng đầu tiên.

Dần dà, nó cảm thấy mình như là cái “rốn của vũ trụ”. Học thì kém, nhưng chơi thì bao giờ nó cũng xếp hạng “top ten”. Mỗi khi được nhà trường mời đến trao đổi chuyện liên quan đến học lực, hạnh kiểm của nó, anh đều tìm mọi cách bênh vực cho con mình. Bản tính hung hăng, nó xưng hùng xưng bá ở trường, ở địa phương, tổ chức ăn nhậu rồi lập nhóm đánh nhau với nhóm khác, bị Công an phường nhắc nhở, đưa ra kiểm điểm trước dân nhiều lần mà vẫn chứng nào tật đó. 

Cuối cùng thì cái cách chiều con không giống ai đó đã phải trả giá. Cu Bi vừa được đưa đi cải tạo. Những người thân cận với vợ chồng anh bảo rằng, như thế sẽ tốt hơn cho nó, cho gia đình, vợ chồng anh sẽ không phải khóc lóc, xấu hổ và hối hận suốt đời vì đã nuông chiều con quá mức.

“Nhốt” con bằng... học thêm

Giáo dục lối sống cho thanh niên phải bắt đầu ngay từ bậc tiểu học.
Cha mẹ suốt ngày bận rộn công việc ở công sở. Con cái ngoài thời gian đi học ở trường, sẽ làm gì để không bị “nhàn cư vi bất thiện”? Hầu hết các bậc cha mẹ đều đưa ra giải pháp được xem là tối ưu: Cho con đi học thêm. Như thế, trẻ được trang bị thêm kiến thức, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, còn cha mẹ thì yên tâm công tác.

Học phổ thông tốn tiền hơn học đại học – chị H. (công tác tại một tờ báo ở Đà Nẵng) nói chắc bắp. Chỉ riêng tiền học thêm 5 môn cho con (con chị học lớp 12), mỗi tháng chị phải mất 1 triệu đồng. Vậy là còn “rẻ”, bạn chị có người phải trả gấp đôi như thế. Tốn kém, nhưng ai nấy vẫn chấp nhận, không đối phó như thế, làm sao vượt qua cái khổ nạn của gia đình công chức thời nay?!

Học phí phổ thông đã cao, nhưng nhìn chung đó là một sự đầu tư không phải lúc nào cũng hiệu quả. Không ít các cô, cậu vẫn cắp cặp đi học thêm đều đều, nhưng nếu cha mẹ đột xuất kiểm tra thì mới hay con mình không tới lớp. Hoặc học theo kiểu “vào được chữ nào thì vào”, thậm chí, có người còn “cẩn thận” đưa con tới tận nhà thầy, cô giáo, nhưng lúc cha mẹ quay lưng ra là con cũng tấp vào quán net! Không ít phụ huynh đã bật ngửa khi biết rõ mười mươi rằng con mình đã không hề chú tâm vào chuyện học, xem việc học như là chuyện của mẹ cha.

Hệ quả tiêu cực của cách “nhốt” con bằng học thêm này là cha mẹ ngày càng xa cách con cái hơn. Cha mẹ mải mê công việc, con cái trở nên lạnh lùng, dửng dưng, vô trách nhiệm trong mái ấm gia đình. Các em nhiều khi gào lên trong blog “Sao tôi cô đơn thế này!”, làm dậy lên một hiệu ứng đô-mi-nô trong giới trẻ, mà quanh đi quẩn lại toàn là con cái gia đình cán bộ, công chức.

Con khôn nở mặt mẹ cha

Theo phân tích của các nhà tâm lý học, các bậc làm cha, làm mẹ ngày nay thường dạy con theo 3 cách. (1) Độc tài: Không từ bất cứ hình thức nào đối với con cái để kiểm soát, khống chế nghiêm ngặt với “luật lệ” cứng nhắc. (2) Nuông chiều: Làm tất tần tật những gì con cái yêu cầu, ưa thích, không để chúng động tay, động chân. (3) Bỏ mặc: Chỉ lo đi kiếm tiền, lâu lâu về quẳng cho con ít tiền: “Mày muốn sống sao thì sống”.

3 kiểu giáo dục khá phổ biến này đã dẫn đến hậu quả là con cái không sống được ở môi trường bên ngoài, dễ sa ngã, dễ phạm tội. Tốt nhất, các nhà tâm lý học khuyên, hãy dạy con theo cách “tôn trọng lẫn nhau”. Cha mẹ luôn coi trọng con, bất cứ chuyện gì đều hỏi ý kiến con với sự tôn trọng và biết lắng nghe. Sự bình đẳng này không có nghĩa là con có quyền quyết định ngang với cha mẹ trong mọi lĩnh vực, mà chỉ là cha mẹ lắng nghe và trân trọng những ước muốn, nhu cầu của con như lắng nghe và tôn trọng một người bạn.

Người ta đã phải học hỏi rất nhiều để có được một nghề thuần thục. Thế nhưng, có một nghề cao cả hơn, đáng trân trọng hơn thì ít ai chịu học, đó là “nghề” làm cha mẹ. “Con khôn nở mặt mẹ cha/ Nhược bằng con dại xót xa trăm điều”. Giữa thời đại lủ khủ cạm bẫy trên đường đi của con trẻ, nếu con hư, xin hãy “Tiên trách kỷ, hậu trách... con”.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.