.

Đà Nẵng - Góc nhìn nhân văn

.

Mỗi vùng đất vẫn luôn trầm tích đâu đó rất riêng một dạng quặng lịch sử - văn hóa. Vấn đề là liệu ta có chịu nhọc công khám phá nó dưới một góc nhìn rất đỗi nhân văn để rồi đem lòng tương tư, yêu mến nó…

Bước lên từng bậc cấp, thấy người mỗi lúc một nhẹ tênh.

Lần đầu lên Bà Nà ở độ cao 1.500 mét, chưa hết thót tim qua những khúc ngoặt gấp khuỷu tay, đã sững sờ vì khói sương lãng đãng như ai đã đưa Sa Pa hay Đà Lạt về Đà Nẵng. Mới hay, những chiếc kiệu xưa mà nữ sĩ xứ Quảng Huỳnh Thị Bảo Hòa mô tả trong “Bà Nà du ký” (Tạp chí Tân Văn số 163, tháng 6-1931) giờ đã được thay bằng những đoàn xe đỗ bên cầu An Lợi, sẵn sàng đưa khách lên thăm nơi được mệnh danh là “nóc nhà thành phố”.

Đăng cao

Ngắm toàn cảnh thành phố bên sông Hàn từ đồi Vọng Nguyệt - ngày lên đã đẹp, đêm xuống càng đẹp hơn. Đồi Ngắm Trăng, tên chữ là thế, nhưng những người có kinh nghiệm khuyên hãy ngắm trăng chênh chếch về hướng Đà Nẵng để cảm nhận hết cái Cao cả, cái Đẹp của đất trời và sự sáng tạo, vẻ lãng mạn của con người.

Hút xa tầm mắt, toàn cảnh hiện ra như một nàng tiên cá gối đầu vào đỉnh núi Hải Vân, trái tim nhấp nháy cùng ánh đèn đêm trải khắp thành phố.Không hẳn là cổ tích, bởi đưa tay ra là có thể chạm đến những hoa văn lân tinh đính trên mình người đẹp trước lúc rạng đông.

Xuân về, lên Bà Nà còn có dịp để cho lòng mình rung theo giai điệu vô thanh của những chiếc chuông màu đỏ - chùm hoa mọc từ nách lá như những chiếc chuông nơi lưng chừng núi Chúa. Trong cái nắng, cái gió khắc nghiệt trên những rẻo cao miền Trung, nó hiện hữu như một nàng công chúa giữa miền sơn cước.
 
Vẻ đẹp của “nàng” đã quyến rũ biết bao tao nhân mặc khách, trong đó có nhà thơ – nhà báo Lê Anh Dũng. Bỏ mặc vợ con, anh lặn lội theo “nàng” những ngày giáp Tết, chụp được một tấm ảnh ưng ý nhất, mang về, trước giới thiệu với khách thưởng ngoạn gần xa, sau bán đấu giá để làm từ thiện.

Lên cao (đăng cao) là một thú chơi tao nhã, nhân văn của người xưa, tạm thời rứt mình ra ngoài thế sự để hòa nhịp phiêu bồng cùng hơi thở đất trời. Đỗ Phủ của Trung Hoa xưa từng vẽ nên một không gian tĩnh tại trong bài “Đăng cao”: “Phong cấp, thiên cao, viên khiếu ai/ Chử thanh, sa bạch, điểu phi hồi”, Nam Trân đã dịch là “Gió gấp, trời cao, vượn nỉ non/ Bến trong, cát trắng, lượn chim cồn”. Ở nước ta, không ít nhà thơ như Miên Thẩm cũng từng “đăng cao” rồi ngất ngưỡng thốt lên Phong vũ nhất tôn luân tụ tán – mượn chén rượu để bàn chuyện gió mưa, câu tan hợp.

Ngày nay, khách đến Đà Nẵng, nếu không chuộng cái sự “đăng cao” bằng xe ngựa ồn ào thì có thể ghé về Ngũ Hành Sơn để tự lên cao bằng chính mình. Bước lên từng bậc cấp, thấy người mỗi lúc một nhẹ tênh như mây trời thỉnh thoảng lãng đãng đâu đó quanh triền núi, cơ hồ giang tay là chạm tới được.
 
Thường thì khách chọn chùa Linh Ứng làm nơi dừng chân cuối cùng trước khi xuống núi. Chuyện vãn một hồi ở ngôi chùa có giá trị lịch sử cao này, rẽ phải lên những bậc cấp để hứng ngọn gió khơi thổi về trên Vọng Hải đài, chạm tay vào tấm bia sa thạch được dựng vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837), chợt thấy con người nhỏ lại trước đất trời kỳ vĩ. Gần nửa thế kỷ trước, Phạm Hầu từng đứng ở chốn này, nghe trong gió tiếng nghìn xưa réo rắt gọi về mà tạc hai câu thơ vào thi thoại: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai?

Cũng vì bị níu chân bởi cái không gian thực hư đầy huyền tích của Ngũ Hành Sơn mà không ít những người trẻ tuổi như nhà báo Thanh Hải ở Văn phòng đại diện báo Lao Động tại Đà Nẵng, mỗi lần đón khách hai đầu đất nước lại “chiêu đãi” bằng một cuộc “đăng cao” ngoạn mục như thế.

Họ ngồi lại sau một hồi thăm thú, khề khà dăm ba chén rượu đủ để thấy hồn mình chơi vơi giữa một bên non, một bên nước cùng cái vô tận của Phạm Hầu, cái tụ tán của Miên Thẩm, cái tĩnh tại của Đỗ Phủ... Chợt hiểu ra vì sao ở độ cao, trái tim của Bảo Hòa nữ sĩ không chỉ xao động bởi sương khói Bà Nà mà còn thổn thức vì cảnh trí Ngũ Hành Sơn: Khách trần mơ cảnh thiên thai/ Qua chơi non nước, nhớ hoài nước non.

Sóng sánh... tình người 

Khách nước ngoài trên đường phố Đà Nẵng.

Muốn xa cái ồn ào phố thị, có thể ngược thuyền từ sông Hàn lên thăm thú một vài vùng đất mà địa danh và thổ sản đã đi vào thơ ca dân gian như Cẩm Lệ (với thuốc lá, bánh khô mè), Phong Lệ (bán hến, chọn trâu), Túy Loan (bánh tráng, mì Quảng)… Đừng quên ghé thăm nhà cổ họ Đỗ ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn – một địa chỉ du lịch đã được khách nhiều nơi biết tiếng, uống bát chè xanh, ăn chiếc bánh bèo, bánh đúc, tình người hòa quyện cùng hương vị đồng quê.

Ra bán đảo Sơn Trà, ghé vào quán giải khát trước cổng Khu du lịch Biển Đông để cảm nhận hương vị ngọt đắng của cà phê nơi này có gì lạ hơn những nơi khác. Giữa một bên sừng sững gió ngàn một bên thẳm sâu sóng vỗ, lòng ta chơi vơi trôi theo giai điệu và ca từ nhạc Trịnh. Bất giác nghĩ đến một điều lâu nay ta vẫn cho là rất bình thường: Tại sao lại phải chen chúc trong những quán xá chật hẹp ở nội thành đầy hơi người và hơi quạt máy?...

Gần hơn, có thể chạy qua đường Trần Hưng Đạo, leo lên tầng 7 Khách sạn World, đối diện UBND thành phố bên kia sông Hàn, thưởng thức cà phê và ngắm cảnh Đà Nẵng về đêm lung linh màu sắc. Xa hơn, phóng xe lên đỉnh đèo Hải Vân - nơi vua Lê Thánh Tông hơn nửa nghìn năm trước từng dừng chân ngoạn cảnh và đề tặng sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
 
Một chén trà, một ly rượu, một cốc cà phê... sóng sánh thêm chút lãng đãng mây trời đủ để ta chiêm nghiệm sự trầm thăng bi tráng của hơn năm thế kỷ đi qua. Biển xanh dập dềnh, phố xa hút mắt, nhìn khách Tây, khách ta ngắm cảnh, lòng bỗng nhẹ tênh, quên đi mọi sự lăng xăng cuộc đời.

Đi riết một hồi, sực hỏi: Vẻ đẹp tâm hồn người Đà Nẵng nằm ở đâu? Một đồng nghiệp chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, tha thiết: Ở cái sự mỗi khi khách đến, khách đi là cứ lúng ta lúng túng, không biết đãi khách, tặng khách món gì. Nghĩ mãi, đến khi tàu xe khuất bóng mà vẫn chưa ra, thôi thì còn lại tấm lòng, còn lại cái sự dùng dằng, nấn ná sau cuộc nhậu tàn đêm.

Ừ thì nhậu, nhưng không phải mọi cuộc “nâng lên để xuống” đều khiến cho người ta nhìn nhau mặt xanh mặt đỏ. Đà Nẵng nhậu, nhìn ở khía cạnh tình người ấy, không khách sáo, đôi khi hơi thái quá, nhưng không phải khuyến khích người ta nhậu. Ly bia, chén rượu chỉ là cái cớ để người Đà Nẵng gặp nhau, có khi giãi bày trắng đen lòng dạ, nhưng cũng lắm lúc bật ra những ý tưởng bất ngờ - những điều khiến con người ta sống tử tế hơn, nhân văn hơn trong một không gian đô thị đẹp hơn.

Đà Nẵng sẽ vắng vẻ, đơn điệu, buồn bã biết bao khi chiều tối đường phố không có chiếc xe nào dựng trước quán xá. Cuộc sống tất bật đã khiến cho con người bị sự giằng co giữa nhiều lực hút - đẩy. Và, xét cho cùng, nhiều lúc thèm một tiếng cười thật sự vô tư cũng chỉ ở quán nhậu mà ra.
 
Nói như thế không có nghĩa là cứ gặp đâu nhậu đó, bởi nhậu cũng có ba bảy đường. Nhìn vào ly, nhìn vào mắt nhau, thấy sóng sánh tình người có nghĩa là cuộc nhậu hứa hẹn một kết thúc có hậu: Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình.

Vẻ đẹp tiềm ẩn

Mỗi vùng đất vẫn luôn trầm tích đâu đó rất riêng một dạng quặng lịch sử - văn hóa. Vấn đề là liệu ta có chịu nhọc công khám phá nó dưới một góc nhìn rất đỗi nhân văn để rồi đem lòng tương tư, yêu mến nó. Ít ai biết rằng bức ảnh đầu tiên về Việt Nam đã được chụp tại Đà Nẵng: bức “Đồn Hai” do Jules Itier chụp ngày 31-5-1845 với máy Daguerreréotype, phát minh năm 1839. Trong “Ðất Việt Trời Nam” xuất bản tại Sài Gòn ngày 22-8-1960, Thái Văn Kiểm ghi lại sự kiện này với ghi chú: Phim là một tấm kim loại bằng đồng có tráng bạc.

Đà Nẵng thay mặt cả nước lần đầu tiên “thử lửa” cùng tàu Pháp, đạn Mỹ. Những viên gạch trên thành Điện Hải giờ đã xanh rêu, nhưng 150 năm trước đã từng thấm máu đào của biết bao anh hùng nghĩa sĩ. Nhìn thành quách xưa, cảm khái lời văn tế ghi hồn sông núi: Nước sông Hàn hai ba phen cuồn cuộn, tàu Tây dương bắn phá lũy An Đồn. Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn, súng Nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải…

Giữa một Đà Nẵng đan xen trầm tích văn hóa – lịch sử, có rất nhiều người tuy không có gốc ở Đà Nẵng, nhưng vẫn tha thiết ngày đêm đi tìm vẻ đẹp tiềm ẩn của con người và vùng đất mình đang sống. Càng đi xa, càng thấy Đà Nẵng bình yên, an toàn, sạch sẽ và đáng sống. Nhiều người xem đó là tiêu chí đầu tiên để đánh giá một vùng đất.

Một trong những người như thế là Luật sư Trần Quốc Khánh, cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, đang làm cho hãng IBM ở Mỹ: “Tôi muốn được sống ở một chỗ như Đà Nẵng để sáng ngồi cà phê với bạn bè, trưa tắm biển và chiều lên độ cao 1.500 mét nhìn xuống thành phố chỉ chưa đầy 1 triệu dân. Thật là thú vị!...”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.