Sáng ngày 24-6, Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ VI (nhiệm kỳ 2008-2013). Đại hội mang chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, phát triển và hội nhập” với sự tham gia của 162 đại biểu đại diện cho 36.327 hội viên nông dân toàn thành phố.
Quang cảnh Đại hội Hội Nông dân thành phố lần thứ VI. Ảnh: NHÂN MÙI |
Các đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Hữu Mai, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, đại biểu các Bà mẹ VNAH, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam và Bộ chỉ huy Vùng 3 Hải quân đã đến dự. Thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã tặng Đại hội lẵng hoa; đồng chí Nguyễn Hữu Mai thay mặt Trung ương Hội trao tặng Hội Nông dân thành phố bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết, đổi mới, phát triển và hội nhập”.
Báo cáo chính trị do đồng chí Nguyễn Quang Nga, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố trình bày tại Đại hội đã nêu bật thành tích xây dựng Hội và sự phát triển của phong trào nông dân giai đoạn 2003-2008. Trong đó nhấn mạnh, với việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, 5 năm qua Hội đã kết nạp hơn 12.000 hội viên mới, nâng tổng số lên gần 37.000 hội viên, đạt 78% tổng số hộ nông dân và tăng 10,5% so với nhiệm kỳ trước.
Hiện nay, toàn Thành Hội có 42 Hội cơ sở, 424 chi hội, 1.334 tổ hội với kết quả phân loại hằng năm đều đạt vững mạnh và khá. Từ năm 2003 đến nay, các cấp Hội tổ chức 772 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức quản lý sản xuất-kinh doanh (SXKD), thu hút gần 35.000 lượt người tham gia và tạo điều kiện giúp hội viên được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ đến nay gần 130 tỷ đồng.
Từ đó, nông dân đã đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi ngành nghề, cây-con giống, phát triển các mô hình kinh tế vừa và nhỏ đạt hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa, trồng rau mầm, nuôi cá, nuôi trùn quế, sản xuất nấm rơm, phân vi sinh, làm kinh tế trang trại... Nhờ vậy, tuy diện tích canh tác ngày càng thu hẹp theo tiến trình phát triển đô thị, nhưng tổng giá trị nông-lâm-thủy sản hằng năm vẫn tăng 5,3% và kim ngạch xuất khẩu của ngành này tăng bình quân mỗi năm 11%; số lượng hội viên SXKD giỏi, làm giàu chính đáng liên tiếp tăng lên, riêng năm 2007 đã có 4.116 hộ nông dân đạt danh hiệu này.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu của các cấp Hội cùng toàn thể hội viên trong nhiệm kỳ 2003-2008 và khẳng định Hội Nông dân đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng thành phố giàu đẹp và văn minh. Đồng chí cũng nêu rõ những hạn chế cần khắc phục và những nhiệm vụ đặc biệt chú trọng trong nhiệm kỳ mới như phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, làm cho nông dân hiểu rõ những quy định của pháp luật về đất đai, tạo sự đồng thuận cao với chủ trương quy hoạch phát triển đô thị; chú trọng sản xuất theo hướng hàng hoá, tăng diện tích rau an toàn, hoa cao cấp, tạo ra các làng du lịch sinh thái ở khu vực ngoại thành; Hội phải thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa nông dân với Đảng và chính quyền. (Xem trích đăng bài phát biểu trong số báo này).
Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hữu Mai đã phát biểu chỉ đạo nhiều vấn đề thiết thực xoay quanh các yêu cầu về nâng cao trình độ, năng lực và đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ Hội; gắn công tác tuyên truyền vận động với việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho hội viên vượt khó vươn lên, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trên cả ba mặt: Nông dân, nông nghiệp và nông thôn; vận động nông dân mạnh dạn góp ý phê bình cán bộ, đảng viên, tham gia phản biện xã hội và chăm lo bồi dưỡng, tạo điều kiện cho hội viên phấn đấu vào Đảng…
Đại hội đã đề ra Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2008-2013, với các chỉ tiêu chủ yếu: Phát triển hội viên đến 100% gia đình nông dân, mỗi năm có 1.000-1.200 hội viên được học nghề và tăng 10% hộ nông dân SXKD giỏi, 90% hộ được công nhận Gia đình văn hóa; 100% Hội cơ sở, chi hội và 50% tổ hội có báo Nông Thôn Ngày Nay; Tạp chí Nông Thôn Mới và chuyên trang công tác Hội hằng tháng trên Báo Đà Nẵng được cấp phát đến 100% chi hội.
Để thực hiện những mục tiêu đó, Đại hội đề ra 9 giải pháp cơ bản, tập trung vào các nội dung trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội; trong nhiệm kỳ, mỗi Hội cơ sở phấn đấu kết nạp 250 hội viên mới; thường xuyên chú trọng tạo nguồn, quy hoạch và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt; đẩy mạnh phong trào SXKD giỏi theo xu hướng hội nhập, tăng cường phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề trong cơ cấu kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng các chương trình phối hợp với lực lượng vũ trang nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới mà trọng tâm là thực hiện hai chương trình “5 không” và “3 có” của thành phố; vận động nông dân chấp hành nghiêm các dự án di dời-giải tỏa, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong quá trình phát triển đô thị; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội...
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 31 thành viên và bầu 12 đại biểu đi dự Đại hội Nông dân toàn quốc lần thứ V. Ban Thường vụ có 9 đồng chí, đồng chí Nguyễn Quang Nga được bầu lại làm Chủ tịch Hội; 3 Phó Chủ tịch là Đặng Công Thắng, Nguyễn Phước Nhi và Nguyễn Kim Dũng.
LÊ VĂN THƠM