.
DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT GÂY Ô NHIỄM KHU DÂN CƯ

Cần một giải pháp đồng bộ

.

Ngày 1-3-2007, UBND thành phố đã ra Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND ban hành chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp (bao gồm cả các làng nghề, các cơ sở sản xuất cá thể...), phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN) gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu dân cư.
 

Sản xuất mắm ruốc gây ô nhiễm nhưng chưa biết di dời về đâu?

Các cơ sở gây ô nhiễm trong các khu dân cư mà không khắc phục được thì phải tạm ngừng hoạt động và di dời vào các KCN theo quy hoạch của thành phố. Cũng theo Quyết định 19/2007/QĐ-UBND, 8 sở, ngành liên quan và UBND các quận phải có sự phối hợp để thực hiện có hiệu quả Quyết định nói trên.

Các cơ sở SXCN gây ô nhiễm chủ yếu tập trung ở quận Hải Châu. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn quận có 1.237 cơ sở CN-TTCN đang hoạt động. Trong đó có trên 40% cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường như tiếng ồn, nước thải, hóa chất độc hại, rác thải công nghiệp... thuộc các ngành hàng cơ khí, mộc, sản xuất nước đá, rửa xe, kinh doanh phế liệu, chế biến hải sản...

Sau hơn một năm thực hiện Quyết định trên, trên địa bàn quận Hải Châu chỉ có các cơ sở sản xuất nghề mộc có quy mô lớn, gây ô nhiễm nghiêm trọng đã di dời ra các vùng ngoại thành, nhưng hầu hết do các chủ cơ sở tự ý di dời cho thuận tiện trong SXKD, không phải do tác động của cơ quan chức năng.
 
Một số chủ cơ sở đã di dời cho chúng tôi biết, họ hầu như không biết đến Quyết định 19/2007/QĐ-UBND, hoặc không có sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng. Điều đó chứng tỏ việc tuyên truyền, phổ biến Quyết định nói trên và các chủ trương khác của thành phố về nội dung này chưa tốt. Do vậy, ngoài các cơ sở mộc nói trên, chưa có một cơ sở nào có phương án di dời ra khỏi khu dân cư.

Nguyên nhân chính của việc thực hiện không có hiệu quả Quyết định nói trên là do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở với UBND các quận. UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở liên quan như các sở Xây dựng, Tài chính, Giao thông - Công chính, Tài nguyên và Môi trường... nhưng trong thực tế, việc triển khai của các sở  rất chậm chạp, một số sở hầu như không có động tĩnh.

Ngay cả cán bộ làm công tác môi trường, chủ các cơ sở sản xuất đến nay vẫn không biết di dời về KCN nào. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này, họ đều nói: “Nghe đâu ở trên Hòa Liên, Hòa Sơn gì đó!”. Một số người quan tâm đến việc di dời đã tự tìm hiểu KCN mà cơ sở của họ phải di dời đến đều hoang mang, lo lắng khi được biết KCN đó đến nay chỉ là một vùng đồi núi hoang sơ, không có bất kỳ hạ tầng cơ sở nào về giao thông, thoát nước, điện, hệ thống xử lý nước thải... Trách nhiệm thuộc về sở nào thì cũng đã rõ bởi các sở đều được giao nhiệm vụ cụ thể.

Các Phòng Tài nguyên-Môi trường của các quận, huyện được thành lập từ năm 2005, nhưng do lực lượng quá mỏng (mỗi phòng chỉ có 2 người) và không hề có trang thiết bị nào, nguồn kinh phí rất hạn hẹp, không có điều kiện để triển khai. Chẳng hạn, kinh phí hằng năm giao cho Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Hải Châu là 250 triệu đồng nhưng phải thực hiện cả việc nạo vét cống rãnh, thoát nước của một số khu vực trong quận.

Trong khi đó, muốn xác định một cơ sở có gây ô nhiễm môi trường hay không để làm chứng cứ xử phạt phải thuê các cơ quan chức năng kiểm định như xác định nồng độ các chất thải gây ô nhiễm môi trường, đo độ ồn.... Vì vậy mỗi năm, phòng chỉ xử lý được trên 10 cơ sở. Việc kiểm tra, thanh tra các cơ sở này hầu hết là theo đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, hoặc ý kiến từ tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp.

Bà Nguyễn Thị Phúc, tổ 20, phường Thuận Phước, chủ cơ sở sản xuất mắm ruốc cho biết, cơ sở của bà sẵn sàng di dời ra khỏi khu dân cư với điều kiện địa điểm di dời đến phải có cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc sản xuất, cất giữ sản phẩm. Theo bà Phúc, sản xuất mắm ruốc là nghề truyền thống của gia đình, vả lại nhu cầu của thị trường vẫn lớn. Nghề này chính là nơi tiêu thụ sản phẩm rất lớn của ngư dân. Nhưng quá trình sản xuất mặt hàng này ngoài kỹ thuật còn có các điều kiện khác như nước và xử lý nước thải rất quan trọng.
 
Ngoài ra, cần một mặt bằng đủ rộng (khoảng 2.000 m2 trở lên) để phơi ruốc. Mỗi năm gia đình bà sản xuất khoảng 40 tấn mắm ruốc, tương đương với khoảng 80 tấn nguyên liệu. Thêm vào đó, sản xuất mắm chỉ diễn ra trong 4 tháng/năm thì việc mua một diện tích lớn như vậy vượt quá khả năng của gia đình bà, cũng như của 12 hộ sản xuất mắm ruốc còn lại của phường Thuận Phước.

Nếu phải thuê thì những tháng không phải sản xuất, Nhà nước có thu tiền thuê mặt bằng không? Các cơ sở sản xuất, dịch vụ hộ gia đình như mộc, cơ khí nhỏ, rửa xe… thường gắn chặt với khu dân cư, di dời là đồng nghĩa với việc ngừng hoạt động và họ sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Điều này cho thấy sẽ khó khăn khi di dời các hộ này.

Để xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp, không thể để các hộ sản xuất như vậy trong các khu dân cư. Song để thực hiện có hiệu quả quyết định này cần có một lộ trình hợp lý với những quy định rõ ràng, phải có sự phối hợp đồng bộ của các sở và UBND các quận. Trước tiên, chọn một số ngành gây ô nhiễm nặng, có quy mô lớn như cơ khí, sản xuất nước đá di dời trước, hoặc buộc các cơ sở này phải sử dụng gas sạch để sản xuất nước đá, thay vì dùng amoniac như hiện nay... Đồng thời phải sớm quy hoạch và xây dựng KCN với hạ tầng cơ sở tốt để di dời các cơ sở này.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.