.
DI DỜI CẢNG CÁ THUẬN PHƯỚC

Chồng chất khó khăn

Chỉ hơn 10 ngày nữa, cảng cá Thuận Phước, cơ sở hậu cần nghề cá lớn nhất Đà Nẵng phải dời sang âu thuyền Thọ Quang, bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng đường Bạch Đằng nối dài. Cơ sở mới chưa hình thành, cơ sở cũ đã chấm dứt hoạt động, sẽ khó khăn rất lớn cho ngư dân và các cơ sở kinh doanh trong giai đoạn này.

Cho đến nay, nơi cảng cá Thuận Phước sẽ chuyển đến vẫn là bãi cát trống. Tại đây chưa hề triển khai một công trình nào, ngoại trừ 3 cọc bê-tông đóng dở xuống vị trí xây dựng cầu đậu tàu ở phía đông âu thuyền. Theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý khai thác cảng cá Thuận Phước, đơn vị sẽ dựng tạm nhà lồng để tập kết hải sản. Cầu tàu trú bão của âu thuyền sẽ là nơi tàu cá neo đậu nhận trả hàng.

Một số ngôi nhà của Ban Quản lý âu thuyền sẽ là nơi làm việc của xí nghiệp. Cứ cho ngày 30-6, nhà lồng dựng xong, nơi đậu tàu và làm việc của xí nghiệp tạm ổn, song nhiều công trình cấp thiết khác không thể triển khai kịp. Cụ thể như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, điện chiếu sáng, hàng rào bảo vệ; các cơ sở sơ chế, bảo quản hải sản, bến bãi và khu vực cho các hoạt động kinh doanh kèm theo. Hải sản sẽ bảo quản vào đâu khi mà các cơ sở có kho lạnh chưa xây dựng kịp? Đó là chưa nói các cơ sở hậu cần nghề cá như cấp đá lạnh, dầu, lương thực thực phẩm, ngư lưới cụ, sửa chữa nhỏ chưa hình thành.

Cầu đậu tàu vừa ngắn vừa cao, liệu có đủ cho các tàu vào neo đậu và thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa lên xuống? Không chỉ ngư dân, các cơ sở SXKD mà cả Xí nghiệp Quản lý khai thác cảng cá cũng đang rất lúng túng khi nơi chuyển đến chưa xây dựng... Trong quá trình di dời, mặc dù thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho các hộ, các cơ sở, tuy nhiên không tránh khỏi những khó khăn. Thiết bị của các kho lạnh, nhà máy sản xuất đá sẽ hư hỏng gần như hoàn toàn khi phải tháo dỡ.

Nơi mới chưa xây dựng kịp, các hợp đồng đã ký kết không thực hiện được, công nhân nghỉ việc giữa chừng không thể tránh khỏi. Hàng trăm cơ sở chưa biết chuyển đổi như thế nào, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống. Đó là chưa kể thiệt hại do giảm chất lượng hải sản vì các khâu vận chuyển, sơ chế, bảo quản khó khăn hơn bội phần. Bà Nguyễn Thị Giang, ở tổ 50 Xuân Hà (Thanh Khê), thợ mổ cá có thâm niên hơn 30 năm tại cảng cho hay: Di dời sang bên ấy, liệu có bám trụ nổi? Làm tại đây 1-2 giờ sáng đã đi, sang bên kia sông, có qua được khi thời điểm đó cầu Sông Hàn chưa nối nhịp. Nơi mới có bảo đảm yêu cầu về mặt bằng để mổ cá bán cho khách?

Là đơn vị tiên phong xây dựng cơ sở mới ở Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang, nhưng Công ty TNHH Thái An vẫn chưa hoàn thành cơ sở mới kịp đi vào hoạt động cuối tháng 6 tới. Ông Thái Hội, Giám đốc công ty ăn ngủ không yên khi các hợp đồng khó thực hiện như cam kết. Với vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng, cơ sở sản xuất của DN này đến 15-6 mới hoàn thành 80% khối lượng công việc. Thiếu vốn đầu tư tiếp đang là trở ngại lớn nhất. Ông Hội cho hay: Toàn bộ nhà máy cũ sẽ chỉ bán phế liệu khi tháo dỡ. Công nhân phải nghỉ việc không được hỗ trợ đang là gánh nặng cho DN.

Ông Lê Văn Châu, ở tổ 28 An Hải Bắc, thuyền trưởng tàu ĐNa 90169 nói: Cảng cá ở âu thuyền chả mấy chốc sẽ bị ô nhiễm nặng. Ngư dân cũng ít đưa tàu vào đó nhận, trả hàng bởi ở đó là nước mặn, không diệt trừ được hà bám vào vỏ tàu, làm tàu nhanh hư hỏng. Theo ông, trước đây tàu neo đậu tại cảng cá Thuận Phước, do có nước ngọt từ sông đổ về, số ốc hà bám vào vỏ tàu từ ngoài biển bị bong ra, nên vỏ tàu được bảo vệ tốt.

Hiện tại, cảng cá chưa đi vào hoạt động, môi trường tại đây đã thuộc diện báo động đỏ. Là ao tù, nơi tiếp nhận nước thải của khu công nghiệp thủy sản, nước tại âu thuyền có màu đen, bốc mùi hôi khó chịu. Khi cảng đi vào hoạt động, mỗi ngày tiếp nhận, sơ chế 150-200 tấn hải sản, ô nhiễm sẽ gấp hàng chục lần hiện tại. Việc xây dựng cảng cá hoàn thiện phải hàng năm trời.
 
Và như vậy, trong thời gian dài, cảng hoạt động trong điều kiện tạm bợ. Khó khăn sẽ chồng chất, thiệt hại sẽ càng lớn khi phải hoạt động trong điều kiện như vậy. Những vấn đề nêu trên, hy vọng thành phố sẽ có sự đầu tư kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại cho các cơ sở hoạt động tại cảng.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.