.
DI DỜI DÂN KHỎI VÙNG SẠT LỞ VEN SÔNG

Đến bao giờ?

.

Hơn 1 tháng kể từ ngày UBND thành phố có Công văn 2559/UBND-KTN về thực hiện di dân tránh vùng thiên tai sạt lở, lũ quét, 31 hộ dân có nhà ở sát sông Cu Đê thuộc thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc (Hòa Vang) vẫn chưa có tín hiệu sẽ di dời trong thời gian tới.

Bờ sông ngày một sâu hơn vào khu dân cư, đe dọa đến sự an toàn nhiều gia đình ở Hòa Vang.

Chủ trương của thành phố là xây dựng Khu dân cư tại thôn Nam Yên để di dời khẩn cấp những hộ này đến nơi an toàn như đề xuất của chính quyền và nhân dân địa phương. Ngày 20-5-2008, UBND thành phố quyết định đầu tư cho huyện Hòa Vang 352,47 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư mới Nam Yên và thanh toán các hạng mục quy hoạch trước đó. Phải nói rằng, UBND thành phố rất quan tâm đến việc di dời dân khỏi vùng sạt lở ven sông. Thế nhưng…

Đến nay, Sở NN&PTNT cùng chính quyền địa phương đã chọn khu đất 6 ha thuộc địa phận thôn Nam Yên để xây dựng Khu tái định cư. Khu vực này khá bằng phẳng, có đường ống dẫn nước sạch, điện lưới đi qua và đang chờ thành phố phê duyệt. Ông Trần Văn Tài, Trưởng Phòng Kế hoạch-Đầu tư Sở NN&PTNT cho biết: Thành phố phê duyệt xong, cơ quan chức năng tiến hành thiết kế lập dự toán. Khâu này ít nhất cũng mất 4 tuần nữa mới hoàn tất. Nếu gặp trục trặc, ví như phê duyệt chậm thì chưa biết lúc nào mới khởi công xây dựng được.

Theo kế hoạch, năm nay huyện Hòa Vang di dời 36 hộ trong tổng số 245 hộ phải di dời từ nay đến năm 2010. Hiện tại, 5 hộ ở các xã Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Liên, Hòa Nhơn đang di dời; 31 hộ tại thôn Nam Yên chờ duyệt quy hoạch xong mới triển khai. Liệu việc di dời số hộ trên có thực hiện đúng kế hoạch khi mà các bước triển khai đang rất chậm? Các hộ luôn lo lắng đến sự an toàn mỗi khi lũ về. Ông Bùi Minh có nhà ở cách bờ sông chừng hai chục mét tâm sự: Việc di dời nhà đi nơi khác nghe nói từ nhiều năm nay. Ở đây, năm nào lũ cũng ngập sát nóc nhà. Bà con chúng tôi chỉ mong di dời thật nhanh ra khỏi khu vực này.

Đào bới bờ sông lấy cát là một trong các nguyên nhân dẫn tới các khu dân cư ven sông phải di dời.


Thành phố đã có chỉ đạo di dời khẩn cấp các hộ này, đồng nghĩa với việc không thể trì trệ các bước tiếp theo. Mùa mưa lũ đã cận kề, trong khi di dời cùng lúc 31 hộ đến nơi hoàn toàn mới không đơn giản. Đó là chưa nói kinh phí xây dựng nhà ở 12 triệu đồng/hộ lấy từ nguồn nào. Ngoài ra, bố trí nhà ở tại khu dân cư mới cũng là vấn đề cần quan tâm.
 
Trên địa bàn xã Hòa Bắc vừa đưa vào sử dụng khu dân cư ở thôn Nam Mỹ, bố trí 25 hộ sạt lở ven sông Cu Đê đến định cư. Mỗi hộ 400 m2, không phù hợp với cư dân khu vực miền núi. Một số ý kiến cho rằng, bố trí nhà ở tại Khu dân cư mới Nam Yên phải hội đủ điều kiện để từng hộ phát triển kinh tế tại chỗ.

Cũng phải nói thêm rằng, ngoài số hộ sinh sống ven các sông suối nguy cơ lũ quét cao đã có kế hoạch di dời, các cơ quan chức năng cần tính đến việc di dời những hộ sinh sống dưới chân núi, khu vực nguy cơ bị lở núi đe dọa, khu vực ven biển bị sóng xâm thực. Năm 2006 đến nay, hàng chục ngôi nhà, cơ sở sản xuất ở phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) bị sóng biển xâm thực gây thiệt hại lớn, đến nay chưa có dự án khắc phục.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.