.

Hàng rong trên phố

.

Theo số liệu đầu năm 2008 của Công an Đà Nẵng, toàn thành phố có khoảng trên 4.000 người bán hàng rong, trong đó phần lớn là người ngoại tỉnh. Họ kiếm sống bằng những gánh hàng di động mà hàng hóa có khi chỉ là những loại trái cây theo mùa…

Những mảnh đời trong đêm

Không ai có thể đoán được mỗi ngày chị kiếm được bao nhiêu tiền.


Nhỏ nhắn, lọt thỏm giữa biển người, em Đỗ Thị Nhung từ xã Quảng Vinh, Quảng Xương, Thanh Hóa, vào Đà Nẵng bán kẹo cao su. Gia đình có 4 chị em gái, dưới Nhung còn hai đứa em nhỏ. Khi được hỏi vào Đà Nẵng với ai, em thật thà: “Thi học kỳ xong, con được đi học thêm một tuần nữa thì mẹ xin cô giáo cho con nghỉ hè. Rồi con vào đây”. Mỗi ngày người ta phát cho em 3 hộp kẹo (mỗi hộp có 15 hộp nhỏ).
 
Nếu bán hết, cũng kiếm được hơn 50.000 đồng/ngày, tiền này người quen của mẹ sẽ giữ và giúp em gửi về cho gia đình. Bố mẹ đi biển, không biết liệu gia đình Nhung có thật sự khốn khó để cho em phải tất bật kiếm tiền khi tuổi chưa đầy 12?

Với xâu bánh tráng trong tay, chị Nguyễn Thị Xuân (Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đi hết quán nhậu này đến quán nhậu khác. Ra Đà Nẵng từ mười năm trước, chiều chị đi dọc các bãi biển, đêm xuống bán tại các quán nhậu bình dân trên đường Phạm Văn Đồng. Chồng mất, ba đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn, không nỡ nhìn thấy các con đói khổ nên chị bỏ quê ra phố bươn chải “đổi đời”.
 
Sau một thời gian bị vắt kiệt sức với nghề phụ hồ, chị chuyển qua buôn bán dạo, công việc đỡ vất vả hơn nhưng lại khiến đôi chân chị hằng đêm đau nhức. Con chị nay đã trưởng thành, còn chị thì ngày một khắc khổ hơn khi chỉ vừa qua tuổi 44.

“Mặt hàng” của chị Trần Thị Hoa chỉ là vài quả xoài, vài lon đậu phụng luộc, vài chục trứng cút... Nhìn vào thúng hàng ấy, không ai có thể đoán được mỗi ngày chị kiếm được bao nhiêu tiền. Hai mươi tuổi, chị làm vợ một người đàn ông góa vợ, cùng sống với người mẹ chồng già yếu. Chị vừa có thai thì chồng đột ngột ra đi sau tai nạn giao thông. Nỗi đau mất chồng hòa vào nỗi đau sinh nở đã làm chị ốm yếu, xanh xao. Giờ đây, gia đình chỉ chờ vào khoản tiền chị kiếm được hằng ngày.

Có người khuyên chị đi thêm bước nữa, nhưng nghĩ đến mẹ, lại sợ con mình không được người ta yêu thương nên chần chừ. Bây giờ thì có muốn cũng không được. Đôi mắt chị cứ nhìn về mảng tối trước mặt, nước mắt chực trào ra. Vốn lận lưng không nhiều nên buổi sáng chị phụ bán cho quán bún gần nhà trọ, chiều đến tối lang thang khắp phố với thúng hàng rong.

Điểm tựa của cuộc đời

Bé Nhung còn quá nhỏ để biết được những chông gai của đường đời phía trước. Chị L., chủ quán nhậu trên bãi biển T20 cho biết: “Bé Nhung hiền và ngoan lắm. Chỉ tội cái là nó phải bon chen sớm quá”. Nhung hồn nhiên: “Lúc đầu con sợ lắm, mặt mấy chú nhậu xong cứ đỏ gay gay. Nhưng đến khi có tiền gửi về cho mẹ, con thấy hết khổ liền à…”.
 
Hè năm trước, Nhung cũng vào Đà Nẵng suốt 3 tháng. Số tiền em kiếm được không nhiều nhưng đối với quê nghèo của em thì đó là một khoản tiền khá lớn. Mong sao, những mánh khóe, lọc lừa nơi phố thị sẽ không làm trái tim em bị tổn thương, cằn cỗi.

Chị Xuân sắp lên chức bà ngoại. Chị nói vui: “Hôm rồi đưa nó đi khám. Bác sĩ bảo cái thai “súng đạn đầy đủ”. Nghe thế tui mừng lắm…”. Mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ vui đùa trên bãi biển là lòng chị thèm khát. Giờ thì chị đã mãn nguyện. Con đầu lòng của chị cũng sắp cưới vợ. Còn thằng út, mắt chị sáng lên khi kể nó: “Thằng nhỏ học giỏi lắm.
 
Mong cho nó đậu đại học, dù khổ mấy tui cũng chịu”. Suốt mười năm ra Đà Nẵng, chị bán thuê và ở luôn trong gia đình cung cấp cho chị bánh tráng tại con hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Thoại. Mỗi ngày kiếm được gần 100 ngàn đồng, cũng đủ gửi về nuôi con.

Chị Hoa thỉnh thoảng mới về thăm quê một lần. Đứa con gái mười sáu tuổi ngày ngày chăm chỉ đến trường, về đến nhà là lao vào chuyện cơm nước, chăm sóc bà nội thay mẹ. Hai bà cháu chăm sóc lẫn nhau để chị yên tâm buôn bán. Vất vả nhiều, nhưng chị vẫn cười tươi khi nghe hỏi về những người thân nơi quê nhà.

Lệnh cấm bán hàng rong đã được ban hành từ nhiều năm trước, nhưng cuộc mưu sinh đã kéo những con người tỉnh lẻ về kiếm sống tại Đà Nẵng ngày một nhiều. Hàng rong đường phố không chỉ đơn thuần là những quầy hàng di động mà còn gánh trên lưng cả tuổi thơ nhọc nhằn của Nhung, cả thời gian và ký ức mòn mỏi thờ chồng nuôi con của hai người phụ nữ nghèo Xuân, Hoa.
 
Niềm vui của người thân là điểm tựa cuộc đời để họ ngày ngày lặng lẽ mưu sinh. Nhưng nếu có một điểm tựa từ các hỗ trợ của quê nhà, họ sẽ không phải tha phương cầu thực và “làm khó” cho nơi mình kiếm sống bằng cái nghề không được khuyến khích...

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.