.

Lặng lẽ vì con

.

Cho con vào đại học là cả một vấn đề đối với những gia đình nghèo. Thế nhưng, do mong muốn “con hơn cha”, họ vẫn âm thầm làm việc, chắt chiu từng đồng, tạo điều kiện cho con ăn học, nêu gương cho con bằng sự lao động miệt mài và tình yêu thương không bờ bến. 

Đưa 6 người con đến giảng đường đại học

Ông Nam không giấu được niềm vui trong ngôi nhà do chính các con mình xây nên.

Vợ chồng ông Trần Phước Nam ở tổ 8, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, nổi tiếng khắp xóm vì đã nuôi 6 người con vào đại học. Để nuôi con, họ đã làm việc quần quật suốt ngày. Bà con nơi đây gọi đùa ông là “thợ đụng”, gặp gì làm nấy, từ phụ xe, bốc vác đến phụ hồ, xe ôm… Còn vợ ông, không kể mưa nắng, từ 3 giờ sáng đã bắt xe lên huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, để mua rau quả về bán tại chợ Tam Giác, Đà Nẵng.

Để nuôi 6 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, năm 1987 vợ chồng ông quyết định bán căn nhà nhỏ trên đường Hoàng Diệu, lấy tiền mua một chiếc xe chạy tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn. Không nhà, cả gia đình ông dắt díu nhau về sống cùng bà ngoại tại đường Đống Đa. Được 3 năm, ông lại phải bán xe vì số tiền thu được không đủ trang trải những chi phí phát sinh. Mua 100 triệu đồng đến khi bán lại chỉ còn 25 triệu. Nợ càng thâm nợ. Khó khăn là thế, vợ chồng ông vẫn quyết tâm không cho con nghỉ học.

Đến nay, ở tuổi 62, ông Nam và vợ mình đã có thể mãn nguyện khi lần lượt 6 đứa con vào đại học và có việc làm ổn định. Cô con gái đầu (sinh năm 1973) tốt nghiệp cử nhân kinh tế và đã có gia đình ổn định tại TP. Hồ Chí Minh. Cô thứ hai hiện làm kế toán cho Nhà máy may Hòa Thọ II thuộc Tổng Công ty cổ phần Dệt-may Hòa Thọ Đà Nẵng. Anh con trai duy nhất trong 6 chị em hiện công tác tại Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam với mức lương khoảng 800 USD/tháng.

Cô con gái thứ tư là nhà thiết kế, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp đang làm việc tại Trung tâm Thời trang TP. Hồ Chí Minh; ngay từ khi là sinh viên năm thứ 2, cô đã đạt giải thưởng về thiết kế thời trang do Nhật Bản tổ chức, số tiền thưởng 15 triệu đồng đã phần nào giúp các chị em cô trang trải chi phí học hành một thời gian dài. Cô con gái thứ năm tốt nghiệp Đại học Kinh tế và làm việc tại Ngân hàng Quân đội Chi nhánh Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Cô con gái út (sinh năm 1988) đang là sinh viên năm 3 Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nam không giấu sự hãnh diện khi kể về 6 người con của mình. Ông xúc động: “Vợ chồng tôi làm quần quật, làm sáng, tiêu chiều. Kinh tế gia đình dồn hết để lo cho các con. Cuộc sống tưởng chừng như có lúc bế tắc. Nhưng nhìn sắp nhỏ ngoan hiền và ham học, vợ chồng tôi không nỡ để đứa nào nghỉ. Mỗi tháng gia đình hỗ trợ cho mỗi đứa 300.000 đồng, còn lại thì đứa đi làm gia sư, đứa  làm nhân viên phục vụ… để kiếm thêm tiền trang trải kinh phí khi ở xa gia đình. Rồi đứa lớn ra trường, dìu dắt đứa sau…”.

Những bản sao của thế hệ trước

Quỳnh Mai mong được vào đại học để không phụ lòng người mẹ tảo tần.

Chị Phạm Thị Lương, quê Thanh Chương, Nghệ An, đơn thân vào Đà Nẵng lập nghiệp đã hơn 20 năm nay. Cuộc sống của chị trở nên khó khăn khi bé Phạm Thị Quỳnh Mai, đứa con chị “tự túc”, chào đời. Và càng khó hơn, khi căn nhà nhỏ của chị còn cưu mang, đùm bọc thêm người em gái và đứa cháu gái gọi chị bằng cô ruột từ quê vào. Bốn người phụ nữ trong một mái nhà, chị Lương trở thành lao động chính. Hằng ngày, chị bán trứng vịt lộn dạo để nuôi con, nuôi cháu. Năm 2000, chị bắt đầu nhận giặt chăn màn, khăn của Khách sạn Sơn Trà, tối vẫn bán trứng đầu ngõ, hôm sớm tảo tần. 

Trong tình yêu thương, chăm sóc của người vừa là mẹ, vừa là cha, Quỳnh Mai là đóa hoa tươi trong ngôi nhà không có bóng dáng đàn ông.  Liên tục 12 năm phổ thông, Mai đạt danh hiệu học sinh giỏi. Suốt 3 năm làm học sinh chuyên văn ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, em đều đạt giải nhất, nhì trong các kỳ thi Văn cấp thành phố. Với mức trợ cấp 260.000 đồng/tháng dành cho học sinh của trường, em học thêm 2 môn Toán và Anh văn tại Trung tâm Trí Đức, ngày đêm “sôi kinh nấu sử” để thi vào Khoa Kinh tế Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Ánh mắt chị Lương ánh lên vẻ hạnh phúc khi nghe cô con gái yêu tâm sự: “Trước mắt em sẽ cố gắng tạo nền tảng để ổn định việc học. Sau này em sẽ đền đáp mẹ gấp 10 lần”. Chị rưng rưng nước mắt, không phải vì lời nói của con, mà chị cảm thấy con mình là bản sao của chị ngày trước, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngăn trong cuộc sống để tiến thân về phía trước.
 
Vợ chồng ông Nam sau một quãng đời làm việc quần quật, nay đã có một cuộc sống nhàn nhã và sung túc. Chị Lương cũng đã có thể tự hào về đứa con gái duy nhất của mình, mặc dù tương lai con trẻ hãy còn ở phía trước. Nhưng điều mà các bậc làm cha làm mẹ này lấy làm mãn nguyện nhất là chính họ đã nêu được tấm gương cho con. Tấm gương đó sẽ trở thành truyền thống qua các thế hệ kế tiếp, làm rạng danh gia đình và góp phần làm nên sự phồn vinh cho xã hội.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.