.

Một ngày ở Bệnh viện Tâm thần

.

Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng là nơi điều trị cho những bệnh nhân có số phận bất hạnh. Các thầy thuốc ở đây đã vượt qua mọi khó khăn để hành nghề vì các bệnh nhân.

Các nhân viên đang tổ chức buổi sinh hoạt văn nghệ cho bệnh nhân.


Chọn công việc tại Bệnh viện Tâm thần thật không đơn giản đối với những y, bác sĩ. Bởi lẽ, khi gắn cuộc đời mình trong bệnh viện này, ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng từ tâm lý của bệnh nhân. Biết vậy nhưng với trái tim của một lương y, họ không đắn đo suy nghĩ mà quyết tâm gắn bó nghề nghiệp của mình với những bệnh nhân tâm thần.

Hơn 80 nhân viên tại khoa điều trị, điều dưỡng là hơn 80 trái tim biết sẻ chia với người bệnh. Cứ đến phiên, họ lại thay nhau trực và chăm sóc bệnh nhân. Công việc chính là lo việc ăn ngủ, vệ sinh cá nhân, kiểm tra huyết áp, theo dõi diễn biến của bệnh nhân khi uống thuốc; vỗ về, an ủi khi bệnh nhân tỉnh táo; tạo nếp sinh hoạt đúng giờ cho người bệnh.
 
Buổi sáng, 10 giờ ăn cơm, uống thuốc; buổi chiều, công việc lặp lại như vậy bắt đầu từ 16 giờ. Khi cho các bệnh nhân uống thuốc, trách nhiệm của nhân viên luôn nặng nề vì phải theo dõi những tác dụng và diễn biến thất thường của bệnh nhân. Không chỉ lo việc sinh hoạt hằng ngày, nhân viên còn chăm lo đời sống tinh thần của người bệnh. Đây cũng là một cách điều trị có hiệu quả bởi nó làm cho tinh thần của người bệnh sảng khoái hơn. Hằng ngày, đúng 14 giờ 30, các bệnh nhân được tập hợp sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại hội trường.

Vất vả hơn là những ngày nắng gắt. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hè, áp lực công việc luôn đè nặng trên đôi vai của những người thầy thuốc. Bệnh nhân nhập viện nhiều, diễn biến bệnh phức tạp khiến việc theo dõi bệnh nhân cần phải nhanh chóng, chính xác.

Năm nay, dù mùa hè mới đến nhưng bệnh nhân có chiều hướng tăng. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cho biết: Bình thường bệnh viện có 180 bệnh nhân điều trị nhưng những ngày nắng nóng, số lượng bệnh nhân có thể dao động từ 200 đến 270 người... Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi của thời tiết. Một nguyên nhân nữa là bệnh nhân hay mắc bệnh khi đến mùa trăng...

Nhìn mồ hôi nhễ nhại trên vầng trán của các nhân viên, chúng tôi cảm nhận được nỗi vất vả của họ. Ban ngày đã vậy, nhưng ban đêm còn vất vả thêm bội phần. Tâm lý luôn đè nặng lên họ bởi sợ người bệnh bỏ trốn, tự sát, hay quấy phá... Tuy nhiên, đã chọn nghề này, họ chấp nhận tất cả...

Để chăm sóc một bệnh nhân bình thường đã cảm thấy nhọc nhằn, nhưng đối với người mắc bệnh tâm thần khó khăn càng gấp bội; những y, bác sĩ, nhân viên phục vụ luôn phải đứng trước những hiểm nguy rình rập. Hai mươi bốn tiếng cho một ca trực, những con người này thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh nhân. Hơn nữa, thành phần bệnh nhân lại phức tạp, trong đó có nhiều người là phạm nhân, người nghiện ma túy... họ sẵn sàng hành hung người chăm sóc bất cứ lúc nào.

Hôm chúng tôi có mặt tại bệnh viện đã chứng kiến cảnh nhân viên bị bệnh nhân đánh trả. Anh Phan Minh Hải, nhân viên khoa điều dưỡng, trong lúc cho một bệnh nhân nữ uống thuốc, dù đã cảnh giác nhưng do mải mê dỗ bệnh nhân nên bất ngờ bị người phụ nữ ấy lấy ghế đánh vào đầu. Tuy không gây thương tích nặng nhưng đó cũng là mối lo cho các nhân viên.

Được biết, anh Hải trong hơn 6 năm làm việc tại đây đã nhiều lần bị bệnh nhân tấn công. Hỏi ra mới biết, không riêng một mình anh Hải, mà hầu hết các nhân viên đều “gặp nạn”. Anh Nguyễn Cư là người thường xuyên chịu trận. Nhiều lúc anh cũng ái ngại, nhưng thương những con người bất hạnh này, anh luôn thông cảm cho họ và càng chăm sóc họ tận tình hơn.

Chúng tôi đã gặp được một số bệnh nhân khi họ thực sự tỉnh táo. Lúc ấy, họ thật đáng thương. Họ nói rất nhiều và luôn dành tình cảm cho nhân viên, các y, bác sĩ của bệnh viện. Bệnh nhân Nguyễn Cữu T. (Đà Lạt) điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hơn 5 năm và bây giờ anh đã lành. Nhớ lại những tháng ngày bất hạnh của mình, anh kể, 12 năm trước đây, trong lúc làm việc trên đồng ruộng, anh đột nhiên đổ bệnh.

Điều trị hơn 6 năm tại các bệnh viện phía Nam nhưng không khỏi, năm 2003 anh được chuyển về Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Tại đây, anh đã được các nhân viên, y, bác sĩ tận tình chữa trị ngày đêm. Cuối cùng, căn bệnh của anh đã khỏi. Anh trở về làm một người bình thường. Với anh T., Bệnh viện Tâm thần đã trở thành ngôi nhà thứ hai và các y, bác sĩ, nhân viên phục vụ là những người cho anh trở lại làm người lần thứ hai.

Bài và ảnh: BÙI NGỌC PHÚ 

;
.
.
.
.
.