Làm báo là một trong những nghề nguy hiểm, nhất là khi lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá đỗi mong manh. Họ đã một thời lăn lộn khắp chiến trường đất Quảng ác liệt đạn bom, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ. Không ít người đã vội nằm xuống khi chưa kịp thấy ánh bình minh của ngày hòa bình...
Người góp gió thổi bùng ngọn lửa Mậu Thân
Ông Nguyễn Đình An (trái) và ông Hồ Hải Học cùng xem lại một số báo Cờ Giải phóng năm xưa. |
Vào tuổi “tam thập nhi lập”, ông Nguyễn Đình An chuyển từ nhà giáo sang nhà báo, công tác ở báo “Cờ Giải phóng” - Cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) miền Trung Trung Bộ. Một lần, ông đang cùng anh em vừa nấu cơm, vừa... chải chí thì bất ngờ nghe tin Mỹ đến. Mọi người tất tả xách nồi cơm, đổ nồi canh lấy soong chạy nháo nhào. Lát sau, mới hay chỉ là tin đồn.
Bà Hoàng Kim Thành (sau này là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh QN-ĐN) tiếc ngẩn tiếc ngơ. Bí đao mọc hoang dưới hố bom nấu với cá hộp Đại Hàn thơm đến nứt mũi mà đành phải tặng cho... thổ địa! Chuyện này, Chu Cẩm Phong có nhắc đến trong nhật ký của mình.
Làm báo thời đó, nhiều lúc cảm xúc đang ào ào tuôn chảy thì phải chạy cả của lẫn người như thế. Có khi tin thiệt, có khi tin... vịt. Nhà báo, sau khi “thể thao” một chặp, cũng phải lo hối hả quay về “nối” lại tin, bài nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn.
Kỷ niệm thì nhiều, nhưng đối với ông, sâu sắc nhất, tâm đắc nhất trong đời làm báo là bài “Đà Nẵng đêm trước mùa xuân”. Ông viết bài này 10 ngày trước Tết Mậu Thân. Ngồi thu lu dưới hầm ở Gò Nổi, kê vở lên đầu gối và viết, xong đâu đấy, ông chép vào giấy pơ-luya, nhờ giao liên chuyển về căn cứ Khu 5 đóng ở Trà My. Tại đây, cùng với đăng trên báo Cờ Giải phóng số Tết Mậu Thân, bài được chuyển ra Tổng Xã ở Hà Nội qua đài Minh ngữ.
Ông đã nghe một số bài của mình phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng lần nghe bài “Đà Nẵng đêm trước mùa xuân” ông đã không nén được xúc động. Giữa không khí háo hức của ngày Tết chờ ra trận, ông cảm thấy ít nhiều tự hào vì đã góp gió thổi bùng ngọn lửa hừng hực khí thế Tổng tiến công, nổi dậy Mậu Thân 1968.
Hiệu ứng từ một bản tin
Báo “Cờ Giải phóng” miền Trung Trung Bộ số ra ngày 20-12-1973. |
Ông Hồ Hải Học lúc đó phụ trách tờ báo “Giải phóng” - Cơ quan của MTDTGP tỉnh Quảng Đà và tờ “Cờ Giải phóng” - Cơ quan của MTDTGP thành phố Đà Nẵng. Chiều ngày 28-3-1975, ông xuống tới Điện Hòa, nghe tin Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm vỡ, ông chạy đi viết ngay. Ông đón một số lính ngụy từ Hòa Cầm chạy về, hỏi thăm chuyện binh biến xảy ra ngoài ấy. Trưa hôm đó, binh sĩ các đơn vị Địa phương quân đã phá kho lương thực của trung tâm này, tân binh theo học tại đây đã bỏ về quê.
Ông đặt bút giật ngay cái tít: “3.000 tân binh phá trung tâm huấn luyện về với nhân dân”. Xong bản tin, ông nhờ anh Trương Ngọc Phương (hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng) cùng anh em phụ trách đài Minh ngữ kéo ăng-ten lên ngọn tre, quay máy ra-gô-nô để chuyển tin đi. Theo quy định, phải chuyển tin về Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ, nhưng do tình hình quá gấp, anh em “xé rào” chuyển thẳng ra Tổng Xã (Việt Nam Thông tấn xã) tại Hà Nội.
Báo Giải phóng của MTDTGP tỉnh Quảng Nam số ra ngày 20-4-1973. |
Mấy chú ni giàu lắm!
Làm báo hồi đó, cực nhất là khâu in ấn. Chỉ gùi được chữ chì từ miền Bắc vào thôi, chứ giấy thì quá nặng, phải mua từ Đà Nẵng chuyển lên. Nhưng rồi cũng đến lúc bị địch phát hiện. Anh em đang loay hoay không biết lấy chi in báo thì có người nảy ra một ý tưởng cực kỳ sáng tạo: Dùng giấy hồng đơn (màu đỏ và màu vàng) hoặc giấy vàng mã. Các loại giấy này dân đem hợp pháp từ các nơi về. Báo in cả hai mặt, dân đâu có biết “cái khó ló cái khôn” của người làm báo thời ấy, cứ khen lấy khen để: Mấy chú làm báo sang ghê, in cả màu!
Nhà in Giải phóng Quảng Đà lúc đó chỉ có 2 co chữ cỡ 8 và 10, với một ít chữ chạy tít. Làm báo, nhưng riết một hồi ai cũng thành thợ sắp chữ. Tin, bài lên ma-két là không xê xích gì được, chỉ co giãn trong chừng đó thôi. Vì thế, để khỏi phải thay đổi khuôn, chỉ có cách làm thủ công là chịu khó… đếm chữ. Ở nhà dân, mọi việc in ấn đều bí mật.
Nhưng dân thì ngày nào cũng nghe đếm, nên cứ đồn ầm lên rằng: Mấy chú ni giàu lắm, ăn rồi đếm tiền miết! Không ai biết rằng các chú “con nhà giàu” ấy mỗi lần xuống làm việc với máy in đặt dưới hầm leo lét ngọn đèn dầu, lúc lên lỗ mũi chú nào chú nấy như hai ống khói!
Đài Minh ngữ
Ngày đó, mọi tin, bài đều nhờ giao liên mang tay về cơ quan. Có lúc anh em phóng viên đi tác nghiệp nhưng không sao gửi tin, bài được, bởi địch tổ chức đi càn, làm bít đường giao liên. Lúc đó, Ban biên tập đành phải kiêm luôn cả việc của phóng viên.
Chuyển tin, bài về TTXGP phải nhờ đến đài Minh ngữ. Gọi thế để phân biệt với đài chuyên chuyển mật mã, phải qua bộ phận cơ yếu mới giải mã được. Mỗi lần chuyển tin, bài phải cử một người khỏe mạnh quay máy ra-gô-nô phát điện để hiệu thính viên gõ ma-níp liên hồi tịch tè bằng tín hiệu Morse cho đến hết văn bản.
Làm việc ở gần đài Minh ngữ cũng nguy hiểm lắm. Địch nó dò ra tần số, phát hiện địa điểm là đưa máy bay B52 ném bom ngay. Lần đó, ông Học rời cơ quan ở gần đập Vĩnh Trinh, vùng núi Duy Xuyên, xuống xã Điện An công tác. Đêm đó trăng sáng vằng vặc, nhưng phía núi Duy Xuyên chợt sáng lòa một góc trời. Cả Điện An lúc đó đã bị địch cày trắng nên nhìn rõ mồn một. Ông Học biết là địch nó đánh bom cơ quan mình rồi. Mười mấy người hy sinh giữa đất đá ngổn ngang. Sau ngày hòa bình, thân nhân lên tận nơi chỉ biết lấy một nắm đất mang về nghĩa trang liệt sĩ.
Trái tim của một người làm báo
Từ trái qua, các ông Lê Đình Nghi, Vũ Thành Lê, Hồ Duy Lệ và Hồ Hải Học (cán bộ, phóng viên Báo “Giải phóng” tỉnh Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ) họp bàn ra số báo mới. |
Năm 1970, phụ trách hai tờ “Cờ Giải phóng” và “Giải phóng” là ông Trần Văn Anh, người huyện Hòa Vang. Cả cơ quan lúc đó ở vùng trắng dân, mọi công việc đều diễn ra dưới hầm trú ẩn phía Bắc sông Thu Bồn. Địch phát hiện, ném bom tới tấp. Mọi người chờ ngớt từng loạt bom là chạy vọt lên. Ông Anh vừa vọt lên thì bị dính ngay mảnh bom cắt đứt đùi, thương tích rất nặng. Anh em cáng ông lên trạm phẫu, ông tha thiết nhờ anh em đưa ông vào ghé thăm Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh lần cuối.
Trên đường đi, ông Anh tháo chiếc đồng hồ hiệu Movado trên tay ra, thều thào bảo mọi người: Anh em mình còn nhiều khoản nợ, lấy cái này bán trả nợ cho cơ quan, cho anh em... Chiếc đồng hồ là kỷ vật của một người bạn tặng ông khi người này tham gia phái đoàn đi Thụy Sĩ ký Hiệp định Genève năm 1954. Vừa lên tới trạm phẫu thì ông vĩnh viễn ra đi, do mất quá nhiều máu. Anh em ai nấy lặng người, rất đỗi bi thương!
Nếu ông Anh không vội vã quay lại để lấy cây súng ngắn sau khi đã lên tới miệng hầm thì ông đã không phải hy sinh. Với người chiến sĩ - nhà báo, vũ khí bất ly thân là thế. Ông để lại cho đời bài ký nổi tiếng “Đêm Gò Nổi”, cho anh em chiếc đồng hồ thương hiệu Thụy Sĩ. Trái tim ông đã ngừng đập, nhưng chiếc đồng hồ vẫn đập suốt quãng đời làm báo của những người còn lại cùng với câu chuyện thương tâm năm ấy. Không ai cam lòng bán nó, ông Hải Học giữ nó bên mình, cho đến khi nó cũng như người xưa, ngừng đập.
|
VĂN THÀNH LÊ (ghi)