.

Ngọn lửa Mười Khôi

.

Tôi đã viết loạt ký sự  “Ông Mười Khôi, một đại anh hùng” đăng trên Thanh Niên đầu năm nay. Mặc dù loạt bài dài đã đăng liên tục trên 10 số báo, nhưng đó mới chỉ là một phác thảo về chân dung của con người này.

Hy vọng tới đây các nhà báo, nhà văn, nhà làm phim sẽ tiếp tục dựng lại chân dung đầy đủ về ông Mười Khôi. Ông là một biểu tượng sinh động của Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng, là một trong những biểu tượng của dân tộc Việt Nam quật cường.

Ông Mười Khôi đã mất hơn 20 năm, nhưng tôi vẫn gặp lại ông qua những giọt nước mắt của ông Đỗ Quang Thắng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, qua tấm lòng trong trẻo của những lão đồng chí Nguyễn Văn Nhứt, Nguyễn Văn Đài mình đầy thương tích.

Quảng Nam địa linh nhân kiệt. Anh hùng Mười Khôi đương nhiên thuộc hàng nhân kiệt. Là người đứng mũi chịu sào của cuộc đấu tranh giải phóng quê hương trong thời điểm cam go nhất, khi Đảng bộ và phong trào yêu nước của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng bị đánh phá tan nát và bị dìm trong máu lửa, ông Mười Khôi là kết tinh của lòng dũng cảm, sự mưu trí và ý chí phi thường của nhân dân trên mảnh đất này. Ông bền gan giữ lửa để làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh giải phóng quê hương. Ngọn lửa Mười Khôi là ngọn lửa bền bỉ nhất, ngọn lửa vượt qua mọi phong ba bão tố.

Tôi đã học lại những bài học lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc khi viết về ông Mười Khôi. Và qua cuộc đời ông, những bài học lịch sử trở nên sống động. Ông Mười Khôi đã được truy tặng danh hiệu anh hùng, nay lại được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là niềm tự hào không chỉ của gia đình ông Mười Khôi mà của cả nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ông Đặng Công Quyện, người bảo vệ cũ của ông Mười Khôi tâm sự với tôi rằng ông được biết Đà Nẵng sẽ có một con đường mang tên người thủ trưởng cũ của ông. Theo ông Quyện, con đường đó không cần phải đặt tên Phạm Khôi hay Phạm Tứ (họ tên thật của ông Mười Khôi) mà nên đặt tên “Mười Khôi” cho gần gũi.

Vừa rồi về Điện Tiến, tôi có đến xem cái hầm bí mật, nơi ông Mười Khôi và các vị lãnh đạo Khu uỷ từng trú ẩn để chỉ đạo kháng chiến, ngay trong vườn nhà anh em ông Nguyễn Văn Nhứt -  Nguyễn Văn Đài. Nắp hầm đã bị lấp, nhưng cái hầm ở dưới vẫn còn nguyên. Cái hầm đó là một di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến lừng lẫy của khu 5 và của tỉnh nhà. Nó rất cần được bảo tồn để nhắc nhở cho con cháu rằng : Quê hương này, đất nước này là thiêng liêng bất khả xâm phạm !

HOÀNG HẢI VÂN

;
.
.
.
.
.