.

Ngược dòng Cu Đê

.

Nghe đâu đây tiếng vó ngựa từ ngàn xưa vọng về; tiếng bước chân mở cõi vào đất trời phương Nam của ông cha... Bây giờ, ở đất Nam Ô, những dấu tích cổ xưa vẫn còn nhuốm màu huyền thoại. Dòng sông Cu Đê phong cảnh hữu tình ẩn chứa bao nhiêu trầm tích...

 Bà Trần Thị Hiên ở Nam Ô 3 đang chế biến nước mắm.

Tháng 5-2008, tôi quyết định ngược dòng sông Cu Đê từ phía hạ nguồn thuộc địa phận hai phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, vùng đất Nam Ô- nơi cuối sông Cu Đê chính là nơi ghi dấu ấn của công cuộc mở cõi về phương Nam. Bước chân “hành phương Nam” của cha ông ngày xưa hằn in dấu chân người và ngựa ven dọc triền sông Cu Đê ra bến Nam Ô để rồi về Thanh Khê.

Ngày ấy từ Bắc vào Nam vốn có đến hai con đèo qua Hải Vân. Đường đèo hiện nay gọi là Hải Vân Hạ đạo và một Hải Vân Thượng đạo khác băng qua xứ U Bò, xuống Quán Sảng thuộc khu vực Bầu Bàng, Trường Định bấy giờ. Từ thời chưa mở cõi hay thuộc đất Đại Việt sau này thì Nam Ô vẫn là vùng đất vốn có cư trú đông đúc. Ở Nam Ô hiện nay còn lưu giữ một di tích mộ tiền hiền nằm ngay bên hông Đồn Biên phòng, nhìn thẳng ra hướng núi Sơn Trà.

Ngôi mộ thật to và đã được làm mới bằng xi-măng. Ông Huỳnh Diễn  (75 tuổi) kể: Bao đời nay, các cụ già làng Nam Ô luôn truyền cho con cháu biết rằng đây chính là mộ của một vị tướng vào Nam Ô năm 1306 với việc phụng chỉ vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân để mở rộng biên giới Đại Việt đến sông Thu Bồn. Cạnh ngôi mộ tiền hiền là ngôi miếu hoang đổ nát mà nét kiến trúc còn lại vẫn toát lên vẻ đẹp hài hòa, cổ kính. Ngoài ra, tại làng Nam Ô còn có Lăng thờ cá Ông mà dân chài Nam Ô cho rằng được xây dựng từ 300 năm trước và trong đó còn lưu giữ hàng chục chiếc hũ sành lớn nhỏ chứa hài cốt cá.
 
Rằm tháng Hai âm lịch là ngày kỵ Ông, ngày đó dân làng làm lễ hội thật lớn. Kế đến có sự hiện hữu trầm mặc của ngôi đình Xuân Dương mà tấm hoành không ghi chữ “thần hoành” hay “địa linh” như thường gặp, mà là hai chữ Tổ quốc được treo ngay gian giữa. Ngôi đình tựa lưng vào vách núi, kiến trúc bằng gỗ nhiều hoa văn chạm khắc tinh xảo. Tại Nam Ô còn có dấu vết của một ngôi tháp Chàm cổ với những viên gạch vồ to khổ cùng một số giếng nước hình vuông xây bằng đá…

Không biết câu hò: “Trai Thủy Tú, gái Xuân Thiều” có từ bao giờ nhưng quả thật con trai Thủy Tú rất khỏe. Các anh em nhà họ Đặng mà tôi gặp ở làng Thủy Tú quả là khỏe như… voi. Người dân làng Thủy Tú sống bằng nhiều nghề với việc mưu sinh cả trên rừng lẫn dưới biển nhưng nhiều nhất là ở dòng sông Cu Đê. Trai làng Thủy Tú ngày ngủ, đêm đến thì háo hức giăng chài, kéo rớ trên sông Cu Đê. Thủy sản từ sông đánh bắt được, các bà vợ đem ra chợ Nam Ô hay các nhà hàng để bán.

Trong lần lên phía thượng nguồn sông Cu Đê, tôi tần ngần trước vẻ đẹp mê hồn của Bến Sạn thuộc địa phận xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên Bến Sạn vì nơi đây có một bãi sỏi rộng khoảng 2-3 ha nằm phía hữu ngạn dòng sông. Bến Sạn có cảnh quan đẹp với quần thể đá lởm chởm. Ven bờ những cây rù rì thấp lè tè trông giống cây cảnh được con người trau chuốt. Cách Bến Sạn một quãng không xa là một vịnh nước xanh ngắt, tĩnh lặng như hồ. Từng đàn cá dộp, cá  trắng lượn lờ kiếm mồi.
 
Vượt sông Cu Đê tại Trường Định, Hòa Liên.

Những năm trước, chính vịnh nước này không ngày nào không bị cánh thợ rừng đánh mìn, vớt cá. Song nơi đây cá vẫn nhiều tựa như trên trời sa xuống. Anh Phú - một cư dân Nam Ô cho tôi biết, vào mùa mưa, người dân vùng Nam Ô, Thủy Tú, Xuân Thiều ra sông nhặt củi, kéo gỗ; người băng ghe bắt cá từ thượng nguồn trôi về. Thật lạ, hiếm có cư dân địa phương nào lại mưu sinh bằng nghề nhặt củi mùa lũ và họ gọi đó là mùa “củi lụt”.

Ngao du trên dòng sông Cu Đê, tôi đặt chân đến vịnh Dài, thác Dài, thác Ba, cầu Sụp… Đâu đâu cũng hiện ra phong cảnh nước non hữu tình đậm nét hoang sơ kỳ thú, thuận lợi cho phát triển du lịch. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài thành phố đã nhận xét rằng “sông Cu Đê là dòng sông vàng”. Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát, những dự định về đầu tư phát triển du lịch của họ đã bị nguội lạnh bởi sự thiếu quy hoạch trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Dòng sông “vàng” cũng chỉ là trầm tích bởi không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm khi có thông tin thượng nguồn sông Cu Đê sẽ bị chặn dòng để làm thủy điện, làm nhà máy sản xuất nước sạch cung cấp 120 nghìn m3 nước/ngày đêm thuộc dự án cấp nước giai đoạn 2. Ở phía thượng nguồn, tình trạng khai thác rừng bừa bãi và  vàng sa khoáng… vẫn còn diễn ra ào ạt. Phía hạ nguồn là việc hình thành các khu công nghiệp Liên Chiểu, Hòa Khánh và manh nha xây dựng khu đô thị mới Thủy Tú.

Hiện đang có những xung đột trong sử dụng và khai thác các nguồn tài nguyên ven dòng sông Cu Đê. Quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng đến nhiều di tích lịch sử và chưa có những nghiên cứu - bảo tồn văn hóa về vùng đất và con người Nam Ô. Bằng chứng là những di tích lịch sử hiện nay ở Nam Ô ngày càng trở thành phế tích. Những xung đột trong sử dụng và khai thác các nguồn tài nguyên trên sông Cu Đê đang ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố trong tương lai.

Hàng tấn hóa chất xianua phát thải từ việc khai thác vàng sa khoáng ở Khe Đương đổ vào nguồn nước sinh hoạt trong tương lai. Khi dòng sông Cu Đê bị chặn dòng làm thủy điện thì những tiềm năng phát triển du lịch ở phía hạ lưu sẽ bị cạn kiệt. Tình trạng nước biển xâm ngập mặn diễn ra, cùng với đó là biến đổi về môi trường, hệ sinh thái. Do đó, vấn đề quy hoạch và xây dựng chiến lược sử dụng, khai thác ven dòng sông Cu Đê cần được nghiên cứu cẩn trọng để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của vùng đất này.

TRIỆU NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.