.
NHÂN NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28-6)

Bạo lực gia đình gia tăng

.

Chiều ngày 27-6, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” nhằm khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của gia đình trong giai đoạn hiện nay, qua đó tạo sự chuyển biến trong công tác xây dựng gia đình.

Phụ nữ còn coi bạo lực gia đình là chuyện thường!

Hội thảo “Gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” đặt ra một vấn đề bức xúc hiện nay là làm thế nào ngăn chặn được tình trạng bạo lực gia đình đang gia tăng theo mức lũy tiến.


Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay đối với sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ là tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ). BLGĐ, đặc biệt là bạo lực đối với người vợ đang trở thành vấn đề toàn cầu, tác động đến khoảng 20-50% số phụ nữ trên toàn thế giới.

Qua khảo sát 600 phụ nữ, 300 nam giới tại 4 khu vực đại diện (Hải Châu, Thanh Khê, Hòa Vang, Sơn Trà) và lấy ý kiến của 90 cán bộ lãnh đạo quản lý, phỏng vấn sâu 30 phụ nữ (nạn nhân của những vụ bạo hành thường xuyên), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng đã có những số liệu điều tra xã hội học về tình trạng BLGĐ như sau: 50% số ý kiến được hỏi ở cả nam giới và phụ nữ cho rằng mâu thuẫn gia đình xảy ra chủ yếu rơi vào khía cạnh tinh thần và kinh tế (bạo lực về thể chất và bạo lực về tình dục cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ). 100% phụ nữ thuộc tầng lớp lao động phổ thông đều là nạn nhân của hiện tượng BLGĐ.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ. Ý kiến nam giới cho rằng nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn (62,6%), say rượu (58,3%), trình độ học vấn, văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật (40%). Phụ nữ lại cho lý do chính để gia đình “lục đục” là chồng thường xuyên “mượn rượu giải sầu” (52,5%) và thói quen gia trưởng (30,8%).

Điều đáng tiếc, cho tới thời điểm này, quan niệm về BLGĐ của số đông phụ nữ còn thiên về tính bất lợi cho việc ngăn chặn nạn bạo hành như 85% phụ nữ được hỏi nhận thức rằng chồng có quyền đánh vợ, 61% phụ nữ coi BLGĐ là chuyện bình thường!

Bạo lực gia đình gây tác hại đến con cái

Các ý kiến tham dự hội thảo cho rằng, cách cư xử giữa cha mẹ, lời ăn tiếng nói của người lớn là tấm gương phản chiếu vào tâm hồn non nớt của con em. Cha mẹ giải quyết vấn đề bằng bạo lực thì con cái cũng có nguy cơ cộc cằn, thô lỗ trong cách sống. Mọi xung khắc của bố mẹ đều đọng lại trong nếp nghĩ của trẻ nhỏ. Sống trong các gia đình mà bố mẹ có hành vi thiếu văn hóa hay đánh chửi nhau thì con cái dễ bị ảnh hưởng, làm theo, sống theo lối coi thường pháp luật và những người chung quanh.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa khiến đời sống gia đình biến đổi sâu sắc. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Cuộc sống công nghiệp hóa khiến các thành viên ít có thời gian bên nhau dẫn đến xu hướng suy giảm sự gắn kết trong gia đình. Từ đó, cần nhìn nhận lại vai trò của gia đình trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong đó, sự yêu thương lẫn nhau giữa bố mẹ có tác động rất lớn trong việc nuôi dưỡng con cái nên người.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.