.
NHÂN NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI (5-6)

Cây xanh nào cho thành phố?

.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay thành phố Đà Nẵng mới trồng được 33.000 cây xanh các loại trên 250 tuyến đường phố và một số khu dân cư (bình quân 0,55m2/người). Nếu tính cả diện tích che phủ của cây xanh trong các công viên, khuôn viên, các cơ quan, công sở, trường học…, thì diện tích che phủ đạt xấp xỉ 2m2 cây xanh/người.

Trồng cây xanh trên đường Nguyễn Tất thành.

Nếu so sánh với tiêu chuẩn cây xanh đô thị trên 20 vạn dân phải đạt tỷ lệ 5m2 cây xanh/người mới bảo đảm một không gian xanh, sạch và cảnh quan đẹp cho thành phố thì rõ ràng tỷ lệ cây xanh bình quân trên đầu người của Đà Nẵng còn rất thấp. Vậy vì sao tỷ lệ trồng cây xanh trên địa bàn Đà Nẵng còn hạn chế?

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, việc đầu tư cho hạng mục cây xanh chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mức, thiếu sự đồng bộ, chưa kịp thời nên một số tuyến đường, khu dân cư sau khi đưa vào sử dụng nhiều năm vẫn chưa có cây xanh che phủ. Bên cạnh đó, trên các tuyến đường nâng cấp mở rộng trong quá trình chỉnh trang đô thị chưa được các đơn vị tư vấn  nghiên cứu đề xuất các giải pháp tận dụng hoặc chuyển dịch cây xanh sẵn có trên đường.
 
Chỉ tính riêng từ năm 1998 đến nay, trong quá trình nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thị đã có 4.552 cây xanh, trong đó có khoảng 2.000 cây cổ thụ bị chặt hạ. Người Đà Nẵng vẫn còn rất tiếc những hàng cây cổ thụ (xà cừ) tồn tại gần hàng trăm năm tuổi trên đường Lê Duẩn, Quang Trung… bị đốn hạ.

Chủng loại cây xanh trên đường phố Đà Nẵng hiện nay còn rất đa dạng. Qua điều tra sơ bộ cho thấy, hiện thành phố có 75 chủng loại khác nhau của họ thực vật nhưng hầu hết là cây tạp như vông đồng, bồ đề, vú sữa, mận, trứng cá… do người dân hoặc các đơn vị tự trồng, không chú ý đến điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu cũng như không phù hợp với cảnh quan của từng loại đường, từng khu dân cư. Sự phân bố cây xanh đường phố, công viên thiếu đồng đều giữa các khu vực, nhiều quận, huyện chưa có công viên hoặc tỷ lệ cây xanh rất thấp, chủ yếu tập trung ở hai quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê.

Du khách từ xa đến dễ dàng nhận thấy việc trồng cây xanh trên đường phố Đà Nẵng còn đơn điệu, chủ yếu là trồng theo một hàng trên lề đường, dải cây xanh phân cách và đảo giao thông chưa tạo được hiệu quả thẩm mỹ; bố trí cây xanh trên đường phố chưa hợp lý như bố trí thẳng hàng cùng với đường dây điện trên không, thậm chí có tuyến đường bố trí trồng cây trên công trình ngầm như cống thoát nước, cống cáp điện thoại…, việc này rất ảnh hưởng đến sự phát triển của cây; cảnh quan kiến trúc trên đường như cổng ngõ, mặt nhà…

Các vườn hoa phân bố không đều, phần lớn tập trung ở các quận nội thành. Tỷ lệ diện tích công viên, vườn hoa trên tổng diện tích nội thành là quá nhỏ (khoảng 30%)… Ngoài ra cơn bão số 6 năm 2006 đã làm trốc gốc 864 cây xanh trên 87 tuyến đường. Thiệt hại nặng nề của cơn bão số 6 đã làm giảm đáng kể tỷ lệ cây xanh bình quân/người của thành phố Đà Nẵng vì hầu hết số cây bị ngã đổ, trốc gốc phải chặt hạ là cây đã trưởng thành, nhiều năm tuổi, có tán che gấp trăm lần so với cây mới trồng…

Với thực trạng nêu trên, việc đẩy nhanh tốc độ trồng cây xanh đô thị tại thành phố Đà Nẵng nhằm bù đắp mảng cây xanh bị thiệt hại do bão và phấn đấu tăng tỷ lệ cây xanh đạt 4-5m2/người vào năm 2010 là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, trồng cây gì, ở đâu là việc cần bàn và cần làm.

Theo các nhà nghiên cứu, Đà Nẵng cần “Tổ chức không gian xanh đô thị” dựa trên những định hướng cụ thể như sau: Cần có kế hoạch nâng cao chỉ tiêu cây xanh công viên lên từ 3-4 lần định hướng quy hoạch tổng thể cây xanh hiện nay để bảo đảm môi trường sinh thái thật tốt cho một đô thị có chức năng du lịch. Thành phố nên có kế hoạch nâng cấp, mở rộng lề đường nội đô từ 3m trở lên để tạo thuận lợi cho việc trồng cây xanh đường phố và không gian xanh cho người đi bộ. Kết hợp không gian xanh đường phố với các điểm nhìn cảnh quan và khoảng lùi mặt đứng được xác định qua chỉ giới xây dựng.
 
Chọn cây xanh trồng trên đường phố nên là cây lưu niên (niên hạn trên 50 năm), rễ trụ, tán gọn, ít tẽ cành, ít rụng lá, dẻo dai, dáng đẹp. Đối với cây xanh ngoài dân dụng, thành phố cần có kế hoạch bảo tồn cụ thể đối với rừng cây xanh phòng hộ tự nhiên trên các cụm núi Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà, Phước Tường… Không phát triển các khu du lịch lấn sâu vào các vùng bảo vệ của rừng phòng hộ và khu vực môi sinh có giá trị. Đà Nẵng cần có kế hoạch phục hồi dãy cây xanh kỹ thuật chống gió, cát dọc bờ biển phía bắc và phía đông thành phố.

Bởi lẽ dãy cây xanh này rất cần thiết cho một đô thị tiếp cận trực tiếp với biển, có tần suất bão khá cao trên toàn khu vực vùng biển Đông. Cây xanh kỹ thuật được đề nghị trồng là cây lá kim, rễ trụ, dẻo dai, dáng đẹp, chịu mặn, cụ thể là cây dương liễu truyền thống, không trồng độc lập mà trồng theo dãy với bề ngang trung bình từ 50m trở lên. Đà Nẵng hiện có nhiều khu công nghiệp hoạt động, cho nên tùy theo ô nhiễm của từng khu, cụm công nghiệp, cần bố trí các dãy cây xanh cách ly phù hợp theo quy chuẩn quốc gia hiện hành. Làm được điều này, Đà Nẵng nhất định sẽ tạo nên một sắc thái riêng về một thành phố “Sáng-xanh-sạch-đẹp” như mục tiêu đã đề ra.

Bài và ảnh: LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.