Hằng ngày, người đàn bà 70 tuổi ấy vẫn đóng chặt cửa tự nhốt mình và đứa cháu gái nội 8 tuổi trong căn phòng nhỏ ở Khu chung cư T. Người giúp bà chợ búa khi là hàng xóm, lúc là bà con từ quê ra thăm.
Từ ngày bị mù đôi mắt vì khóc chồng, khóc con đến nay, bà như già hơn trước tuổi, tóc bạc trắng, thêm nhiều vết nhăn hằn trên đôi má gầy vì đã trải qua những tháng ngày chịu nhiều thương đau, mất mát. Người đàn bà ấy tên là Lê Thị H., trước đây trú ở phường C., quận Thanh Khê.
Bà H. sinh ra trong một gia đình có đời sống khá giả gồm nhiều chị em. Các chị có chồng sớm, riêng bà lấy chồng khi tuổi đã ngoài ba mươi. Sống trong một gia đình “quyền quý”, vốn được cưng chiều, có tính thương người, nên bà rất vô tư và rộng rãi. Sau ngày giải phóng bà mới lấy chồng, nguyên là cán bộ Nhà nước và sau đó bà được vào làm việc tại một xí nghiệp vận tải của thành phố. Lấy chồng muộn nên khi sinh được một con trai, vợ chồng bà rất cưng chiều. Đứa con trai “quý tử” tên là Trần Văn T. được cha mẹ chiều chuộng từ nhỏ, muốn gì được nấy nên sinh ra khó bảo. Chính vì thương con nhưng không biết “giữ” con, đứa con trai duy nhất của vợ chồng bà đã sa ngã trước sự lôi kéo của đám bạn bè hư hỏng, dẫn đến bi kịch của gia đình…
Học đến lớp 10, T. bỏ học đi theo bạn bè và dính vào vụ trộm cắp tài sản nên phải đi Trại Giáo dưỡng 2 năm. Xấu hổ với bà con lối xóm, vợ chồng bà bán căn nhà ở kiệt đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, lên mua một căn nhà nhỏ ở phường C., quận Thanh Khê. Sau khi ra trại, T. sống tiến bộ, không còn lêu lổng, vợ chồng bà rất mừng. Một hôm, T. dẫn về nhà một cô gái với cái bụng lúp lúp và giới thiệu là người yêu mình. Sau đó đám cưới được tổ chức có sự chứng kiến của bà con hai họ, bạn bè.
Thấy con tiến bộ, vợ chồng bà mở quán cà phê tại nhà, trước để giữ chân con, sau để cho con dâu có việc làm và kiếm thêm thu nhập. Thấy con chăm chỉ làm ăn, vợ chồng bà rất mừng và càng mừng hơn khi sau đó vài tháng, con dâu sinh được một cháu gái kháu khỉnh. Thế nhưng, bà có ngờ đâu, trong lúc vợ chồng bà khấp khởi mừng thầm trước sự tiến bộ của T. thì bất ngờ, công an đến nhà đọc lệnh bắt vì tội T. đã dính vào đường dây buôn bán ma túy và vài tháng sau đó, Tòa án tuyên T. với mức án 8 năm tù giam...
Sợ khi con ra tù sẽ bị bọn xấu lôi kéo vào con đường cũ, hơn nữa để tránh tiếng với bà con dân phố, vợ chồng bà bán căn nhà ở mặt tiền gần trung tâm thành phố hơn 300 triệu đồng, gửi tiết kiệm ở ngân hàng hơn 200 triệu đồng, số tiền còn lại “sang” một căn hộ ở khu chung cư T. để ở. Vài năm sau bà H. nghỉ hưu, ở nhà giúp con dâu bán cà phê ở vỉa hè khu chung cư… Trong những khách quen uống cà phê có người để ý đến con dâu, thường trêu chọc và con dâu bà cũng cười đùa, giỡn cợt. Vợ chồng bà H. lo lắm nhưng lại nghĩ muốn được lòng khách nên con dâu phải chiều…
Sau đó không lâu, ông X. chồng bà H., do buồn rầu chuyện gia đình đã lâm bệnh nặng và qua đời, để lại cho bà sự mất mát lớn. Vài tuần sau ngày chồng mất, đứa con dâu bà H. đã bỏ nhà ra đi theo người khác, để lại cho bà đứa cháu nội và căn phòng trống trải ở chung cư. Mất chồng, xa con, cuộc đời bà rơi vào hụt hẫng, đêm đêm nằm không chợp mắt, khóc thầm, bà gầy ốm hẳn và đôi mắt mờ dần, mờ dần… Niềm an ủi của bà bây giờ chỉ còn là Đ., đứa cháu nội.
Sợ con dâu trở về bắt cháu đem đi nên suốt ngày bà đóng cửa nhốt cháu ở trong nhà. Tuy đã đến tuổi tới trường, thế nhưng cháu Đ. vẫn không được đi học vì sợ mẹ bắt cóc. Hằng ngày cháu đứng bên trong song sắt cửa sổ nhìn ra bên ngoài, nơi có những bạn nhỏ cùng tuổi đang tự do chơi đùa, tung tăng đến trường… Thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, ăn uống thất thường, lại phải sống trong “lồng” nên cháu Đ. rất gầy và thèm khát không khí tự do bên ngoài…
Hằng tháng, bà H. ra Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên-Huế) để thăm nuôi T. Mấy trăm triệu đồng gửi ở ngân hàng lần lượt vơi dần qua những lần thăm con như vậy. Thấy hoàn cảnh bà thật đáng thương, nhiều người khuyên bà nên nhờ người viết đơn gửi các ngành chức năng xin cho con trai bà ra tù trước thời hạn để giúp bà nuôi cháu Đ. Bà đã nhờ người làm đơn gửi đến TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Trại giam v.v…, và đêm đêm cầu trời khấn Phật, cầu nguyện cho con trai bà sớm được ra tù để trở về giúp bà trong cơn hoạn nạn. Thế nhưng, với tội buôn bán ma túy, T. khó mà ra tù trước thời hạn được. Còn trời lại ở quá xa và Phật vẫn chưa thấu hiểu được nỗi đau của bà-người đàn bà bất hạnh vì bi kịch của gia đình có con dính vào con đường ma túy…
Bà H. tâm sự, nếu con ra tù, bà sẽ đưa vào thành phố Hồ Chí Minh sống nhằm cách ly con với những đám bạn cũ hư hỏng để T. lại không dính vào con đường cũ. Muốn vậy, nhưng bà H. lại nghĩ, sống ở nơi nào cũng vậy, nếu con người ta không tự mình phấn đấu để vươn lên, đấu tranh vượt qua những cám dỗ của cuộc đời thì cũng dễ dàng rơi vào cạm bẫy. Bà thật sự ân hận vì chiều chuộng con, không biết dạy con từ nhỏ nên đã dẫn đến nỗi bi kịch của gia đình…
Với bài viết này, tôi muốn gửi vào trại giam cho T. với lời nhắn nhủ, nếu được ra tù, T. hãy thương người mẹ già bất hạnh và đứa con gái từ nhỏ đã sớm vắng tình thương của cha mẹ và hãy làm lại cuộc đời để mẹ sống thanh thản cuối đời, đừng bao giờ bước vào con đường ma túy một lần nữa, đừng bao giờ…
HOÀI AN
.
.
NHÂN NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG MA TÚY 26-6
Nỗi đau người mẹ
Thứ Năm, 26/06/2008, 11:31 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.