.
NHÂN NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (26-6)

Cảnh giác “lắc”

.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng thanh - thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc) đang là vấn đề bức xúc nhất trên địa bàn thành phố. Giới ăn chơi lại râm ran:“Lắc” đang là mốt.

Một thanh niên vốn có mối quan hệ khá rộng rãi với giới “cắn” thuốc đã nhiệt tình làm “tình nguyện viên” giúp tôi xâm nhập thế giới của những người hay… lắc. Câu chuyện về những lần “bay” (khi thuốc đã ngấm vào cơ thể) cũng được “tình nguyện viên” này kể lại với tư cách của người trong cuộc (dù anh tự nhận: chơi chung bọn nhưng chưa một lần thử thuốc).

Công khai giữa ban ngày

Hiện trường vụ nhảy từ lầu 4 khách sạn Hương Thủy của 7 thanh niên sau một đêm sử dụng thuốc lắc.

Sau vài cuộc gọi nhờ bạn bè chỉ địa điểm “nóng”, “tình nguyện viên” (TNV) quay sang kết luận: “Tới vũ trường, karaoke hay các quán cà-phê rock vào ban đêm rất khó nhận dạng người “cắn” thuốc. Bọn nó nói ban ngày thì chỉ có chỗ này. Nhạc đủ đô để phê không thua vũ trường”. Đó là một tụ điểm nằm trên đường Phan Châu Trinh.

Buổi chiều nhưng quán lại đông đúc như “giờ vàng”. Nhiều người vào đây chỉ để uống cốc cà-phê, tán chuyện với bạn bè, nghe nhạc. Và nhiều thanh niên cũng chọn nơi này làm chỗ lắc tạm khi túi tiền không cho phép vào những nơi “đúng chất” như vũ trường. Giống một kẻ săn mồi, TNV chọn một góc dễ quan sát rồi đảo mắt khắp căn phòng kính. TNV hướng dẫn: “Cứ nhắm mấy cái loa bự mà nhìn. Bọn chơi thuốc thường ưa ngồi chỗ đó mới đã”.
 
Chốc chốc, TNV lại đưa mắt ra dấu cho tôi nhìn đối tượng khả nghi. “Thấy cái thằng áo kem đó chưa? Nó lắc liên tục từ nãy đến giờ”. Trong tưởng tượng của tôi, sau khi cắn thuốc phải lắc cuồng loạn lắm. Nhưng người thanh niên mặc áo kem lại chẳng có vẻ gì như vậy. TNV giải thích thêm: “Không phải lúc nào cũng bùng nổ. Nó lắc nhẹ, nhưng đều và liên tục không biết mệt. Mình thích nhạc thì rung chân, rung đầu vài cái rồi thôi. Cái mí mắt lờ đờ của nó cũng tố cáo nữa đó”.

Có lần, một cán bộ chuyên trách về phòng chống tệ nạn ma túy - mại dâm cho biết: “Biểu hiện của người “phê” thuốc lắc rất đa dạng. Có người gãi đầu, ngáp. Có người suy tư hoặc tìm chỗ ngủ hoặc nói nhảm. Nói chung, không phải ai cũng lắc điên cuồng. Chỉ có điều họ sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì tưởng tượng ra”.

…Và hậu quả là các thanh niên này phải vào bệnh viện vì chấn thương nặng.  Ảnh: THÀNH LÂN


Trong hai giờ đồng hồ, TNV lần lượt chỉ đến 3 thanh niên có biểu hiện vừa cắn thuốc. Trong đó, có một cô bé khoảng 18 tuổi, tóc dài, tay liên tục vuốt tóc, lưng gật gù theo điệu nhạc, miệng nói huyên thuyên. Đôi mắt cô bé cứ lim dim như người buồn ngủ. Từ lúc bước vào quán chúng tôi đã thấy hình ảnh này và mãi tận đến lúc ra về.

Câu chuyện kiếm tiền, kiếm cớ đi bay…

 

Cũng như sử dụng các loại ma túy khác, dùng thuốc lắc sẽ bị quen thuốc, do đó người dùng phải tăng liều dần mới đạt khoái cảm mong muốn. Dùng liều cao thường xuyên có thể gây loạn tinh thần nên loại thuốc này còn được gọi là “ma túy điên”, “ma túy bạo lực”.

Thuốc lắc là loại ma túy tổng hợp, khi nghiện rất khó cai. Người sử dụng nó sẽ bị lệ thuộc, không phải là “hợp mốt” mà ngược lại sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về các tội danh sử dụng trái phép chất ma túy.

 
Trong nhóm bạn 10 người của TNV có  đến 8 người sử dụng thuốc lắc. Vào nhà  vệ  sinh nhai một hoặc nửa “con” (viên), xong  ra ực Coca cho nhanh “lên”. 15 phút sau có thể “bay” tận bốn tiếng đồng hồ. Mỗi “con” 250.000 đồng.

“Bay” ở một nơi chưa thỏa, con nghiện phải tìm bằng được chỗ khác giải tỏa. Có người trước khi về nhà còn bắt cả bọn tấp vào phòng trọ rồi mượn điện thoại cắm dây tai nghe nhạc giật một hồi mới chịu. Ở đâu không tiện, họ lại tìm tới karaoke, vào các phòng “đặc biệt” chơi nhạc nhảy.

“Nó chơi có hội đồng nên từng thằng thay phiên cầm xe nuôi cả bọn. Rồi đề đóm, cá độ kiếm tiền. Cuối cùng chỉ có ba mẹ tiếc của đi chuộc lại xe. Vậy là bọn nó có cái để lại… cầm tiếp”; “Nó gửi quần áo nhà đứa này ít, đứa kia ít để ba mẹ khỏi nghi ngờ. Khi nào cần chuồn khỏi nhà thì vọt cho mau”… Câu chuyện về việc kiếm tiền, kiếm cớ đi “bay” của thanh-thiếu niên chơi thuốc lắc dường như bất tận…

Dễ sử dụng, khó phát hiện

Ông Lê Kim Khánh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết: “Đầu năm đến nay đã có 13 đối tượng bị bắt, đưa vào Trung tâm 05-06 cai nghiện vì tội sử dụng ma túy tổng hợp. Tất cả các đối tượng trên đều là thanh-thiếu niên. Loại ma túy dạng viên này dễ sử dụng nhưng rất khó phát hiện nên việc truy bắt khá phức tạp. Dấu hiệu của tình trạng “say” thuốc là đờ đẫn, cuồng nhiệt, thác loạn…”.

Dư luận hẳn chưa quên 7 thanh niên đã nhảy từ lầu 4 khách sạn Hương Thủy (quận Ngũ Hành Sơn) xuống đất và bị thương nặng sau một đêm chơi thuốc lắc vào đầu tháng 5 vừa qua. Đây là một minh chứng cho sự hoảng loạn thái quá của người ngấm thuốc.

Cũng theo ông Lê Kim Khánh, tình trạng nghiện và tái nghiện đều có biểu hiện tăng so với cùng kỳ năm trước. Hiện học viên tại Trung tâm 05-06 là 222 người. Số đưa vào Trung tâm trong năm nay là 106 người, tăng 46 người so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, phát hiện mới 45 người và tái nghiện qua các năm vào lại Trung tâm là 56 người.

Để giải quyết thực trạng thanh-thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc) ngày càng gia tăng, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ tại các khu lưu trú của học sinh, sinh viên (nhà trọ, ký túc xá) và các quán bar, vũ trường, karaoke. Ngoài ra, biện pháp tuyên truyền cũng được đẩy mạnh hơn trong năm nay, nhưng sẽ “khoanh vùng” trong phạm vi đối tượng có nhiều nguy cơ nghiện ma túy.

Ông Khánh cho biết thêm, hậu quả của việc sử dụng ma túy không dừng lại ở việc mất khả năng điều khiển hành vi, mà còn dẫn đến các tệ nạn xã hội khác. Do vậy, ngoài những biện pháp nêu trên, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa, quyết tâm ngăn chặn trào lưu sử dụng thuốc lắc của giới trẻ.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.