.

Những bài học từ nhà báo Phạm Xuân Ẩn

Chúng ta biết khá nhiều về một điệp viên hoàn hảo, về nhà tình báo vĩ đại Phạm Xuân Ẩn, nhưng chúng ta biết có thể là ít, quá ít về nhà báo Phạm Xuân Ẩn. Thời chiến tranh, một nhà báo có thể không có nhiều bài tường thuật hay bình luận về cục diện chiến trường, về chiến sự đầy đủ sắc bén và một mẩu tin chừng mười dòng trên một cột báo có khi cũng có ý nghĩa không kém.

Đánh giá sự nghiệp báo chí một con người, tất nhiên phải dựa vào các tác phẩm báo chí. Rất tiếc là cho đến lúc này chưa có bộ sưu tập các bài báo của ông được xuất bản. Điều đặc biệt là ông được cách mạng giao nhiệm vụ làm một tình báo và cũng chính cách mạng đã hướng và tạo điều kiện ông đi học, rồi đi làm báo để có một vỏ bọc hoạt động tình báo.

Ông không chỉ là người có vai diễn xuất sắc - một nhà báo. Ông thực sự là một nhà báo lớn, nhà báo bậc thầy của làng báo Sài Gòn thời chống Mỹ. Ông được đào tạo bài bản (ở Mỹ) và có đến 15 năm hoạt động trong các cơ quan báo chí có đẳng cấp (của Mỹ). Tất cả các cơ quan báo chí nước ngoài ở Sài Gòn đều đánh giá cao Phạm Xuân Ẩn “bởi sự hiểu biết sâu sắc về Việt Nam của ông và việc ông có quan hệ rộng với các quan chức địa phương”.

Ông là “nhà báo Việt Nam được nể trọng nhất ở Sài Gòn”. Các nhà báo Việt Nam và quốc tế gọi ông là ông tướng Givral (tên một tiệm cà-phê nổi tiếng ở Sài Gòn, nơi các nhà báo thường lui tới săn tin, Phạm Xuân Ẩn ngày nào cũng có mặt ở đây, tại một chỗ nhất định) ngay khi ông chỉ là một nhà báo không hơn không kém và phải mấy chục năm sau mọi người mới biết ông được phong quân hàm cấp tướng. Các nhà báo Mỹ nhận xét ông là một trong những nguồn thạo tin nhất ở Sài Gòn và rất nhiều phóng viên phải phụ thuộc vào ông.
 
Có trường hợp một phóng viên Mỹ, thuộc loại gạo cội phỏng vấn Hòa thượng Trí Quang, ghi chép rất kỹ bằng tốc ký nhưng khi viết thành một bài phỏng vấn trên báo thì không còn là những lời nói của Hòa thượng Trí Quang. Chính ông Ẩn đã nói với nhà báo đó “ông ấy nói vậy nhưng nghĩa thật sự của câu nói ấy là thế này, ý của ông ấy là thế này” và nhà báo đã viết theo ý của ông Ẩn.

Chúng ta thường hình dung một điệp viên hoạt động trong vỏ bọc nhà báo, thì hẳn nhà báo đó phải đa mưu túc trí, phải biến hóa khôn lường, ăn nói khôn khéo với ngôn ngữ linh hoạt, đa nghĩa. Nhưng ở Phạm Xuân Ẩn thì chỉ nổi lên một điều ông rất trung thực. Trong đời sống, ông không biết nói dối và trong công việc, ông không bao giờ dính líu vào việc đưa các thông tin thất thiệt.

Ông luôn khẳng định trung thực là một nguyên tắc của nghề làm báo. Điều này cũng phù hợp với một tình báo chiến lược có nhiệm vụ thu thập những tin tình báo chiến lược, những tin đó trước hết phải bảo đảm chính xác. Nhà tình báo có thể có các bình luận, các kiến nghị về cách đối phó và cơ quan tiếp nhận có thể tham khảo (những bình luận, kiến nghị này có thể đúng hoặc sai ở các mức độ khác nhau). Cuộc đọ sức trên chiến trường bao giờ cũng là đọ sức giữa các lực lượng thực. Vì bất cứ lý do gì một tình báo đưa ra một thông tin thất thiệt, thì từ đó có thể có những hậu quả khôn lường.

Sau này, khi biết rằng Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên của Việt cộng, một số người Mỹ quy kết ông là “phản bội” (?) là có cơ quan báo chí Mỹ đã nuôi ong tay áo trả lương cho ông để ông hoạt động góp phần giết hại người Mỹ. Người ta đã phải mở những cuộc điều tra và có cả một cuộc điều trần ở một tiểu ban của Thượng viện Mỹ xem ông có đưa tin xuyên tạc về cuộc chiến tranh để có lợi cho cộng sản hay không? Ông có chuyển các thông tin sai lạc đến Đại sứ quán Mỹ và các đồng nghiệp của ông không.

Tất cả các nhà báo từng làm việc với ông đều nói rằng, Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ cung cấp thông tin sai lạc cho các phóng viên về diễn biến của cuộc chiến tranh. Một nhà báo đã viết rất hay: “Trước đây và hiện nay tôi vẫn tôn trọng ông Phạm Xuân Ẩn với sự toàn vẹn của ông: Nghề tình báo và tình yêu nước cháy bỏng. Tôi đã cho qua và bây giờ tôi vẫn cho qua vai trò tình báo cộng sản của ông vì hai lý do:

Một là những bài viết của ông chưa bao giờ gợi lên điều gì trùng hợp với quan điểm cộng sản (nhà báo này còn tha thiết mong rằng hồ sơ cũ được xem xét kỹ để kiểm chứng điều đó). Hai là, giả thiết ngược lại không phải Mỹ đưa nửa triệu quân vào Việt Nam mà là hơn nửa triệu quân Việt Nam đổ dồn vào California, một bang của Mỹ có diện tích tương đương Việt Nam và chúng ta không tin cái lý do họ đưa ra về sự có mặt của họ thì chúng ta sẽ phản ứng thế nào.

Nhìn lại hoạt động báo chí của ông, tất cả đồng nghiệp và mọi người đều thấy ông rất trung thực và không hề có khẩu khí cộng sản. Trung thực là nguyên tắc hàng đầu của báo chí và chính trung thực đã làm cho ông đích thực là người của báo Time và như vậy chính là ông  - một điệp viên rất khéo léo trong vỏ bọc nhà báo.

Có một điều trong vỏ bọc đó - ông là một người khiêm nhường và đầy cá tính, một người sống cuộc đời bình dị, thân thiện và cởi mở, một người chưa bao giờ dù chỉ một lần tỏ ra kiêu ngạo của kẻ thắng trận. Có lẽ không mấy người trên đời này có được sự quý mến nồng hậu của bạn bè như ông.“Phạm Xuân Ẩn, người anh em thân thiết của tôi, người đã giúp tôi hiểu Việt Nam trong nhiều năm”.

“ Phạm Xuân Ẩn yêu quý và thân thiết, người đã hiểu rằng các chính phủ dù chỉ đến rồi đi, nhưng bạn bè thì ở lại mãi mãi. Bạn là một người thầy lớn, một người bạn lớn luôn chiếm một phần trong trái tim tôi”.

“Phạm Xuân Ẩn người bạn của tôi, người đã vinh dự phục vụ một cách xuất sắc sự nghiệp báo chí và sự nghiệp của đất nước”. “Phạm Xuân Ẩn, một nhà yêu nước quả cảm, một người thầy, người bạn vĩ đại. Hãy nhận ở tôi lời biết ơn”.

Các nhà báo Mỹ đã nói thế về ông.

Trong vỏ bọc một nhà báo bậc thầy, đầy cá tính đó, dù ông chẳng tuyên bố hùng hồn, các bạn bè ông đều thấy ở ông chủ nghĩa dân tộc, lòng yêu nước. Điều này khiến ông sống chan hòa với họ, song ông lại ở phía bên kia và khi biết điều đó họ tôn trọng ông. GS Lary Berman đã nhận xét rất đúng “động cơ cuộc sống của Phạm Xuân Ẩn chính là những mục đích cao cả của chủ nghĩa yêu nước”.

Ông nhận và hoàn thành nhiệm vụ tình báo vì đó là một công việc cứu nước ông được phân công, làm việc đó ông không mưu cầu danh vọng, tiền tài - một công việc không mang lại những niềm vui bình thường, ngược lại đầy nguy hiểm và những oan khiên cả khi ông hy sinh và dù ông đã được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Phạm Xuân Ẩn là một chiến sĩ tình báo đầy lòng thương người và bao dung. Trong cuộc sống lặng lẽ và quyết liệt ông luôn tự nhận mình là người không hề làm đau bất cứ ai. Ông gần gũi và cởi mở sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Được tin Bob Anson bị lực lượng quân giải phóng Việt Nam bắt ở Campuchia, ông lao vào tìm cách cứu bằng được, bởi Anson là một nhà báo Mỹ trẻ, tiến bộ, có cái nhìn đúng đắn về chiến tranh Việt Nam, bởi Anson đã bất chấp nguy hiểm xông vào cứu những em nhỏ Việt Nam bị Lon Non tàn sát, bởi vì Anson có một gia đình, một người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ, bởi vì Anson là bạn ông, là bạn của Việt Nam.

Có thể trách ông đã khinh xuất, nếu bức thư mật ông gửi cho thượng cấp yêu cầu trả tự do ngay cho Anson  không cần hỏi lại, lọt vào tay địch, thì vì cứu mạng Anson mà cả mạng lưới tình báo quan trọng có thể bị phá vỡ. Nhưng ông không thể làm khác bởi vì ông là Phạm Xuân Ẩn.

Một trường hợp vì lòng thương người và bao dung đã làm ông tốn qua nhiều công sức và hơn thế đã gây cho ông không ít rắc rối là ông đã tìm mọi cách để Trần Kim Tuyến được di tản khỏi Sài Gòn khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Trong con mắt các đồng chí của ông, Trần Kim Tuyến là người thân cận Ngô Đình Diệm và là phần tử chống Cộng khét tiếng.
 
Nhưng những chuyện bị thất sủng và lên voi xuống chó của Tuyến, những quan hệ cụ thể với ông trong đó ông có nói đến sự giúp đỡ của Tuyến đối với những người của ông thì chỉ ông biết rõ hơn ai hết và vì ông là ông nên ông không thể không ra tay giúp đỡ Tuyến vào những lúc Tuyến đã ở thế tuyệt vọng. Có thể quy cho ông là mất lập trường nhưng là một người đầy tình thương, một người tự phán là không hề làm đau bất cứ ai, ông không thể hành xử khác.

Không còn là chuyện trong vỏ bọc nhà báo, ông đích thực là một nhà báo chuyên nghiệp, lão luyện với ba đặc điểm mà mọi người đều thấy rõ và tôn vinh. Đó là tính trung thực tuyệt vời, lòng thương người và bao dung, mà gốc rễ sâu xa của những phẩm chất đó là lòng yêu nước nồng nàn. Phẩm chất, nhân cách của ông đã tạo cho ông thế mạnh để ông hoàn thành xuất sắc sứ mệnh một nhà báo, một nhà tình báo.

Chắc là trong lịch sử báo chí Việt Nam ông là một trường hợp không tiền khoáng hậu. Nhưng ba bài học về phẩm chất, nhân cách của ông thì mọi nhà báo đều có thể học tập và noi theo. Hơn thế còn có thể nói nếu không trung thực, không thương yêu vô lượng với con người, không yêu nồng cháy Tổ quốc mình thì bạn làm thế nào có thể cầm bút (hay nhấp chuột) để viết điều đơn giản này: Tôi là nhà báo”.

(Nhân đọc ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO của Larry Berman)* Những chữ in nghiêng, trong “…” đều trích trong Điệp viên hoàn hảo.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.