.

Những “cái bẫy” trên vỉa hè

.

Tủ điện mở toang, cống thoát nước không có nắp, những nồi nước sôi của hàng quán…, tất cả đang trở thành những chiếc bẫy rất nguy hiểm với người đi bộ trên vỉa hè. Chuyện này ai cũng nhìn thấy, thế nhưng việc khắc phục thì thi thoảng.

Một nắp cống bị hư được người dân “vá” tạm để đi.
Thời gian gần đây, tại những khu dân cư mới, ngành điện lực đã lắp đặt hệ thống điện đi ngầm dưới đất. Cách làm này có ưu điểm là bảo đảm không gian đẹp cho các khu dân cư, chấm dứt được tình trạng dây điện lòng thòng trên các trụ điện. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các tủ điện bị mất cắp vật tư và hư hại xảy ra rất trầm trọng. Ví dụ, một đoạn ngắn trên đường Nguyễn Thiếp, gần cả chục tủ điện đều bị hư hỏng nặng.
Phổ biến nhất là tủ điện bị kẻ gian lấy trộm khóa. Vì thế, chỉ cần đụng nhẹ, nắp tủ điện đã mở toang. Thậm chí có tủ điện bị kẻ gian lấy mất cả nắp, để lộ cả phần dây điện bên trong. Điều nguy hiểm là tất cả tủ điện này đều được lắp đặt trên vỉa hè, gần cửa nhà dân. Cho dù trên tất cả tủ điện đều có ghi câu “nguy hiểm chết người”, thế nhưng ai có thể bảo đảm rằng trẻ em không đụng vào đó?
 
Theo những người dân sống trên con đường này cho biết, họ đã nhiều lần gọi điện đến cơ quan quản lý yêu cầu sớm khắc phục, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Trước tình hình này, nhiều người đã lấy ván che nắp tủ điện, hoặc lấy dây thép cột cánh cửa lại. Cũng có không ít người vô tư biến tủ điện thành nơi phơi quần áo, hoặc thành tủ cất đồ đạc sau khi buôn bán xong.

Sau những “cái bẫy” tủ điện, có thể kể đến tình trạng nắp cống bị hư hại cũng rình rập nguy hiểm cho người đi trên vỉa hè. Ngoại trừ những tuyến đường được làm mới và nâng cấp, hầu như không con đường cũ nào tránh khỏi tình trạng này. Đáng báo động nhất là tình trạng xuống cấp của hệ thống nắp cống tại các con hẻm nhỏ.

Rất nhiều nơi nắp cống bị gãy đổ, có những cái bị vỡ thành lỗ thủng khá to. Tuy nhiên, đa số những con hẻm này nằm trong diện “Nhà nước và nhân cùng làm” nên cơ quan chức năng ít khi để mắt đến. Tại rất nhiều điểm cống bị hư hại, người dân đã lấy bất cứ vật liệu gì có được để che tạm, thậm chí có nơi chỉ cắm vào đó một nhành cây. Chính vì kiểu “tu sửa” như vậy nên đã xảy ra nhiều trường hợp bị sập hố, té ngã.

Tủ điện đã bị mất nắp.

Vỉa hè là dành cho người đi bộ. Cũng như tất cả đô thị khác trong nước, vỉa hè tại Đà Nẵng thường bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, gây cản trở cho người đi bộ. Mới đây trên đường Ông Ích Khiêm, chị Nguyễn Thị Tĩnh (Quảng Nam) trong lúc bán vé số đã vô tình đụng vô nồi nước bún đang sôi, làm cả chân và tay bị bỏng nặng. Hay như em Lê Đình Nghĩa, ở thôn 5 Duy Tân, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), khi đi đánh giày đã đạp lên một cục than đỏ rực mà người bán bún vừa vứt gần gốc cây trên đường Lê Độ phải vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu.

Có thể nói, có quá nhiều “cái bẫy” như thế giăng trên đường và trên các vỉa hè, khiến người dân rất bức xúc,  thế nhưng việc khắc phục luôn chậm chạp và khó khăn. Về vấn đề này, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông-Công chính cũng tỏ ra rất bức xúc không kém: Mỗi năm, ngành chỉ được cấp 1,5 tỷ đồng để khắc phục những tồn tại trên.
 
Tuy nhiên, thủ tục để tiến hành công việc này quá nhiêu khê. Nhiều khi chỉ cần vá một ổ gà trên đường hay thay một nắp cống bị hư cũng phải qua nhiều công đoạn xét duyệt. Để giải quyết tồn tại này, theo ông Đặng Việt Dũng, thành phố phải nâng nguồn kinh phí lên gấp nhiều lần con số hiện nay, đồng thời giao quyền quyết định này về ngành giao thông để đẩy nhanh việc sửa chữa, mới hy vọng những “chiếc bẫy” trên vỉa hè sẽ không còn nữa.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.