Đà Nẵng những ngày qua, đi đâu cũng nghe người ta nói với nhau “Nóng quá! Nóng quá!”. Trong khi thị trường nước giải khát và quần áo mùa hè đua nhau “xôm tụ”, thì thị trường hàng giải nhiệt lại khá yên ả vì lượng bán ra không bằng hè năm ngoái.
“Vào đây “làm” ly nước mát”!
Những người bán nước trà đá dạo coi mùa nắng nóng là mùa làm ăn khấm khá. Mỗi ngày, một người có thể bán 4-5 thùng trà đá (loại 5 lít/thùng), tăng 4 lần so với những thời điểm khác trong năm. Giá cả khá “mềm” với 1.000đồng/ly, nên dù thị trường có xuất hiện nhiều loại nước uống, trà đá vẫn được các bà, các chị đi chợ ưa chuộng.
Mỗi ngày một xe dừa tiêu thụ khoảng 40 trái. |
Hiện nay, dừa trái tiêu thụ trên thị trường Đà Nẵng chủ yếu nhập từ miền Tây. Dừa được trồng tại Đà Nẵng đã không còn nhiều sau những trận bão lớn. Do đó, giá dừa cũng tăng đáng kể, khoảng 30% so với thời điểm này năm trước. Nước cam vắt, dù giá đắt gấp đôi nước dừa, và gấp... 12 lần trà đá, vẫn được chị em đua nhau “ừng ực”. Người bán nước dạo ở khu chợ Cồn cho biết, vào thời điểm nắng nóng cao độ, chị có thể bán trên chục kg/ngày. Đặc biệt hơn, giá cam càng đắt, nước cam bán ra càng nhiều. Vì người tiêu dùng “tính tới tính lui thấy mua cam về vắt cũng hao tốn, nên làm một ly pha sẵn cho rồi”.
Bia và các loại nước ngọt, nước khoáng bắt đầu vào mùa “chạy sô”. Lượng nước bán ra hàng ngày tăng gấp ba so với thời điểm cách đây nửa tháng. Đại lý Hùng Yến (quận Thanh Khê) cho biết: “Những ngày thời tiết dịu mát bán 100 thùng (20-24 chai/thùng) có khi không hết. Bữa nay, chỉ riêng địa bàn quận Liên Chiểu, chúng tôi chạy hàng 6 chuyến/ngày, 180 thùng/chuyến. Riêng bia đang bán rất mạnh với 300 thùng/ngày”.
Áo đầm lên ngôi
Thị trường quần áo dành cho mùa nóng khá “xôm tụ”. Ở hầu hết các shop trên những “con đường thời trang” Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, mặt hàng chủ đạo là áo đầm.
Nếu cách đây một năm, bạn trẻ phải “đỏ con mắt” mới tìm được chiếc áo đầm ưng ý, thì bây giờ có thể lựa chọn thoải mái với đủ kích cỡ, thích hợp với nhiều dáng người, giá khá mềm (từ khoảng 200.000 đồng/chiếc trở lên). Chất liệu chủ yếu là voan, satin, thun, ngắn trên gối, kiểu dáng không quá cầu kỳ, vừa mát vừa thoải mái, người mặc có thể “diện” áo đầm dạo phố hoặc dự tiệc đều được.
Theo một nhân viên của Shop Bảo Ngọc (Phan Châu Trinh), năm nay ngoài áo đầm dây, nếu khách hàng là người ưa kín đáo, có thể tìm thấy các mẫu có tay, chít ngang hông với các màu đen pha trắng, vàng, hồng có xuất xứ Hàn Quốc, hoặc mua thêm chiếc áo khỉ mỏng (áo cụt ngang lưng) khoác hờ. Màu sắc của áo cũng khá đa dạng, nhưng xu hướng lựa chọn của giới trẻ hiện nay chia làm hai luồng: hoặc màu trắng, hoặc màu gắt như tím đậm, hồng tươi... Ngoài ra, quần soọc ngắn với giá từ 100.000 đồng trở lên, được rất nhiều người đưa vào “tầm ngắm”, thường mặc chung với áo dây, áo ba lỗ...
Hàng giải nhiệt: sức mua chưa tăng
Sức tiêu thụ các loại máy điều hòa chỉ bằng một nửa so với mùa hè năm ngoái. |
Trái với sự rộn ràng của nước giải khát và áo quần, thị trường giải nhiệt ở Đà Nẵng vẫn không mấy khả quan. Theo đánh giá của nhiều công ty kinh doanh điện lạnh, giá các loại hàng “làm mát” vào thời điểm hiện tại không biến động lớn, chỉ tăng 300-500 nghìn/sản phẩm đối với hàng có “tên tuổi”, hàng thường thường gần như không tăng.
Tuy nhiên, sức mua các loại máy điều hòa đã giảm còn phân nửa so với mùa hè trước, nếu không muốn nói là “chựng” lại. Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện lạnh Hoàng, giải thích: “Đời sống không còn thoải mái như trước, người ta còn phải lo nhiều thứ hơn là lo cho chuyện giải nhiệt”.
Người mua chọn lựa sản phẩm thường chú trọng giá cả nhiều hơn công nghệ, tính năng của máy. Các cửa hàng cũng không dám “ôm” các mặt hàng máy quạt, quạt tháp, quạt nước như trước, mà chủ yếu vẫn bán những sản phẩm cũ. “Người nào cảm thấy tiền kha khá thì mua luôn máy điều hòa, còn không thì mua quạt bình thường xài, vì họ cho rằng độ ẩm mà quạt nước tỏa ra sẽ không có lợi cho sức khỏe của gia đình mình”, ông Hoàng nói.
Ông Nguyễn Tiến Thắng, nhân viên bán hàng Siêu thị điện máy Intimex, dự đoán: “Mới đầu hè nên lượng tiêu thụ không nhiều. Nhưng có thể vào khoảng giữa hè, khi nắng nóng lên cực điểm, người ta chịu không nổi nữa thì nhu cầu hàng giải nhiệt có thể tăng thêm khoảng 10%”.
Hằng Vang – Thu Hoa