20 năm sau ngày qua đời, đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi) được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Hơn 4 tháng sau đó, đồng chí tiếp tục được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Nhân dịp Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Lễ truy tặng Huân chương cao quý này cho đồng chí, Báo Đà Nẵng xin giới thiệu bài ký của nhà báo Văn Thành Lê viết về đồng chí - người chưa bao giờ nghĩ mình là anh hùng...
Kỳ 1: Về lại căn cứ
Một ngày năm 1956, ông Mười Khôi bị ngất xỉu bên sông Yên. Tỉnh lại, ông cảm thấy váng đầu, hoa mắt, bụng đói cồn cào. Lồm cồm ngồi dậy, ngó quanh quất bãi cát ven sông, ông nhớ ra là mình đã từ Điện Bàn vô Tam Kỳ, lên Tiên Phước để triển khai nghị quyết của Đảng. Nóng lòng về lại Cơ quan Tỉnh ủy đóng ở Trung Mang, ông ngày đêm băng rừng, xuyên núi, vượt sông, lội suối, bất chấp đói khát.
Ông Mười Khôi |
Băng qua cái cổng tre gãy đổ, ông bước vào căn nhà nhỏ nằm bên mấy bụi tre, trước sau vắng bóng người, không còn một củ khoai, không còn một lon gạo. Về sau, ông mới biết là gia đình người anh bạn rể đã bị địch càn, xúc tát vào ấp chiến lược. Bụng đói, tay chân rã rời, ông lò dò quay lên núi Cấm Lớn, định bụng sáng hôm sau sẽ về nhà người anh với hy vọng kiếm trái mít, quả chuối cho qua cơn đói kiệt. Đang loay hoay trải nắm lá làm chỗ ngả lưng thì ông nghe có tiếng chân người, vạch đám lá nhìn xuống, thì ra đó là Hai Lự - con gái người anh rể của ông.
Năm đó Hai Lự 15 tuổi, từ nhỏ đã nổi tiếng gan lì, rất được ông thương yêu. Hai chú cháu xa nhau có vài năm mà cô đã không nhìn ra ông. Nhận ra giọng người quen, cô ôm chầm lấy ông, khóc tức tưởi. Ông khuyên: “Đừng khóc, làm cách mạng như chú thì phải chịu gian khổ, hy sinh. Con về nói với ba, nếu ba không có ở nhà thì con nấu cho chú ít cơm, đem ra bụi tre gần bờ ao, tối chú sẽ ra lấy…”.
Khi bóng Hai Lự khuất sau rặng cây, ông ngửa người trên vạt cỏ, ngước nhìn khoảng trời trong xanh trên cao. Cái đói lại cồn cào trong ruột. “Làm cách mạng thì phải chịu gian khổ, hy sinh”. Nhớ lại lời vừa nói với Hai Lự, ông nghĩ, ngày trước cha mình khi tham gia phong trào Văn thân chống Pháp hẳn cũng nằm gai nếm mật nhiều phen. Cha mất lúc mới lên chín, ông ở với mẹ, học chữ với ông đồ nghèo trường làng. Là con út trong gia đình, “gia tài” mà ông nhận được là niềm tự hào về cách hành xử rất mực sĩ phu của cha và sự giác ngộ lòng yêu nước từ những câu chuyện kể về các phong trào đấu tranh, các nhà yêu nước của mẹ.
Ông Mười Khôi (thứ hai, hàng ngồi, từ phải sang) cùng các cán bộ tập kết tại Hà Nội, 1959. (Ảnh tư liệu). |
Chờ mãi, cuối cùng đêm tối cũng đến. Dưới ánh trăng thượng tuần, ông lọ mọ quay về làng, tìm thấy trong bụi tre gần bờ ao gói cơm với thịt gà bọc trong lá chuối thơm phức. Ngấu nghiến ăn xong, ông viết mấy chữ: “Nói mẹ hay dì Hòa mua cho chú ang gạo, hũ mắm cái, con bỏ vào đãy, giả vờ ra vườn hái mít, đào khoai, tìm cách mang ra cho chú”.
Sau khi nhận được mọi thứ, ông vượt sông Yên lên núi Gò Cà, tranh thủ đi ngay trong đêm để sớm ra khỏi vùng canh gác nghiêm ngặt của địch. Sợ trời sáng, ông cắm cúi nhắm hướng Gò Cà, chạy thẳng một mạch. Đến một quãng đồng vắng, chẳng may chiếc đãy bị sút dây, rơi xuống đất. Hũ mắm bị bể, gạo đổ văng tung tóe. Ông kiên nhẫn hốt lại ít nhiều rồi tiếp tục về núi.
|
Ông nhớ ngày đầu tiên bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng, đó là năm 1936, ông cùng với anh em thợ dệt tổ chức kỷ niệm, tuyên truyền về ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày đấu tranh chống bóc lột. Nhưng ngày mà ông nhớ chắc bắp là 1 tháng 10 năm 1939, ngày ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày đã đưa cuộc đời ông rẽ vào một con đường mới.
Mặt trời đã lên được khoảng cây sào. Tìm được mấy lon sữa bò quanh đó, ông loay hoay kê mấy hòn đá thổi lửa nấu cơm. Nồi cơm quá nhỏ mà cái bụng thì đang rổng, ăn mấy nồi cũng vẫn chưa hết cồn cào trong bụng. Ông ở lại trên núi Gò Cà hai ngày, chỉ dám ăn dằn bụng cho quên cái đói. Ông biết con đường phía trước còn lắm chông gai, một lon gạo thôi cũng đủ để ông đi đến nơi phải đến...
|
VĂN THÀNH LÊ