Dù trời nắng hay trời mưa, dù sức khỏe thất thường, những người làm nghề phát hành báo chí vẫn miệt mài không nghỉ. Nhọc nhằn biết bao nhưng mấy ai biết đến tên họ?
Thức dậy... lúc nửa đêm
Một góc tại Nhà in Báo Nhân Dân Đà Nẵng lúc 3 giờ 30 sáng. |
Chúng tôi có mặt tại Nhà in Báo Nhân Dân (6 Trần Phú, Đà Nẵng) lúc 3 giờ sáng thứ hai đầu tuần. Một không khí làm việc sôi động tràn ngập khắp các phòng. Những người phát hành từ nam thanh nữ tú đến những người có tuổi đều gấp gáp đếm, xếp rồi đưa báo ra xe chở về nhà để chuẩn bị đưa ra thị trường. Dù trận cầu Euro diễn ra quyết liệt đang được truyền hình trực tiếp trên màn ảnh nhỏ nhưng họ đành bỏ ngoài tai và thay vào đó là những cuộc chuyện trò, đùa tếu nhằm xua đi sự... thèm ngủ trong mỗi con người phải dậy từ lúc nửa đêm.
Trong không khí đông đúc ấy, chúng tôi tiếp xúc với một số người làm nghề phát hành báo đang có mặt tại đây. Có lẽ, người để lại ấn tượng nhất với chúng tôi chính là anh Nguyễn Ngọc Dũng, ngoài năm mươi tuổi, phát hành báo Công an Đà Nẵng. Được biết, anh Dũng đã có thâm niên trên 20 năm làm nghề phát hành báo, khi tờ báo Công an Đà Nẵng ra một tháng vài kỳ, đến nay 1 tuần đã lên 6 kỳ thì có lẽ kinh nghiệm phát hành của anh mấy ai sánh kịp.
Những ngày đầu làm phát hành, anh gặp không ít khó khăn, nhất là chưa thích ứng với áp lực công việc, lại phải thức đêm, không có phương tiện đi lại. Có lẽ, cái vất vả nhất của người làm phát hành báo là thời gian, thời tiết. Bất kỳ trời nắng hay trời mưa, lũ lớn hay bão to, người phát hành báo phải làm việc đúng giờ vì để đến chiều, báo được xem như là “tồn”. Anh nói, trời mưa, thà người ướt chứ không để báo ướt. Hơn nữa, thời gian làm công việc phát hành đòi hỏi phải có mặt ở nhà in đúng giờ. Có lần, bên nhà vợ có đám tang nhưng anh cũng không thể nghỉ được vì nhân lực đang còn thiếu nên ban ngày lo đám tang, ban đêm đi làm.
Ngồi sau lưng anh Dũng, một cô gái đang thoăn thoắt chân tay, miệng lẩm bẩm đếm báo, chúng tôi lân la trò chuyện. Cô tên là Hà Xuyên, chuyên phát hành cho các đầu báo như: Tiền phong, Lao động, Tuổi trẻ, Thanh niên... theo yêu cầu của độc giả. Dù chỉ mới tròn 20 tuổi nhưng Xuyên cũng đã có một thời gian dài làm nghề phát hành báo. Xuyên cho biết, để trụ được nghề này phải biết kiên nhẫn, chịu khó và yêu nghề bởi thường xuyên phải dậy từ 2 giờ sáng mỗi ngày...
Rời nhà in khi đã vắng người, chúng tôi đến đường Phan Đình Phùng, gặp anh Tuấn, một người phát hành báo Sài Gòn giải phóng và Sài Gòn 12 giờ. Qua tiếp xúc mới biết anh Tuấn cũng là người đến nhà in từ rất sớm để nhận báo phát hành. Là nhật báo, phát hành liên tục hằng tuần, nên anh Tuấn cũng như những người trong tổ phát hành ít có thời gian đi đây đi đó. Có nhiều lúc bận chuyện gia đình cũng không dám nghỉ vì sợ báo không có ai đưa đi. Tuy nhiên, do cái nghề đã trở thành cái nghiệp, vả lại, anh rất yêu báo chí nên không thể từ bỏ được công việc.
Trong giới phát hành báo, có nhiều người làm công việc phát hành tại các cơ quan. Tại văn phòng báo Người Lao động, anh Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thạch, Lê Kính là những người làm công việc này. Có lẽ chỉ khi gặp và nói chuyện mới hiểu được nỗi niềm cũng như những nhọc nhằn của họ. Các anh làm việc này trên 10 năm nhưng tiền lương cũng chỉ đủ đổ xăng chạy. Các anh làm chỉ vì yêu nghề, yêu công việc. Còn về cuộc sống gia đình phải nhờ vợ con...
Tuổi càng lên nhưng... tên không ai biết
Phát hành là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đưa thông tin đến bạn đọc một cách nhanh và chính xác nhất vào bất cứ thời gian nào. Thế nhưng, có mấy ai biết đến tên tuổi của những người làm công việc ấy, thậm chí là không biết đến sự thầm lặng vất vả của họ để đưa được một tờ báo đến với người đọc. Bởi, các độc giả chỉ quan tâm đến người viết ra thông tin đó chứ không quan tâm đến người phát hành như họ.
Chúng tôi tiếp xúc với anh Bùi Trường Sơn, một người phát hành các tạp chí như Sành điệu, Gia đình trẻ, East & West... Được biết, Sơn tốt nghiệp Đại học Ngữ văn nhưng khi ra trường chưa tìm được một công việc phù hợp nên anh nhận làm phát hành báo chí, làm mãi nên “ghiền” nghề này luôn. Sơn cho biết, trong suốt nửa năm phát hành, mọi người chỉ xem mình là một con người không học thức, có nhiều khi do vấn đề tiền bạc mà họ nói này nói nọ.
Cái cách họ gọi mình không phải tên do cha sinh mẹ đẻ đặt mà bằng tên của tờ báo mình giao bỏ cho họ. Anh Lê Văn Lượng, người đã làm công việc phát hành trên 10 năm cũng cười bảo: Trong 10 năm, hầu như ngày nào mình cũng miệt mài công việc nhưng có ai biết đến tên mình... Không chỉ có anh Sơn, anh Lượng mà hầu hết những người phát hành đều có chung “hoàn cảnh” đó. Nhưng nhờ có họ mà các tờ báo đến được với độc giả.
Bài và ảnh: BÙI NGỌC PHÚ