.
QUẢN LÝ TRẬT TỰ VỈA HÈ:

Lúc được lúc không

.

Vài năm trước, Đà Nẵng đã có những quyết sách “cấp tiến” về quản lý trật tự vỉa hè (TTVH) như kẻ vạch giới hạn, các loại phương tiện giao thông phải đậu đỗ đúng nơi quy định, người dân đã “tập” được thói quen không đậu xe dưới lòng đường...

Đà Nẵng lúc đó là một thành phố “đường thông, hè thoáng”, một hình ảnh đô thị khá đẹp mắt, trật tự. Nhưng hiện nay, ở bất cứ đường phố lớn, nhỏ nào cũng bắt gặp những cảnh xe đạp, xe máy cùng bàn ghế bày ra lấn chiếm lòng đường, lối đi dành cho người đi bộ…

Quản lý TTVH: Gần cảnh “vườn không, nhà trống”

Bất cứ con phố lớn, nhỏ nào ở Đà Nẵng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè đều diễn ra như “cơm bữa”.

Thời gian vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề ra nhiều biện pháp quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đã có nhiều quyết định, văn bản được ban hành, thậm chí có những văn bản chồng chéo nhau nhưng vẫn chưa tìm ra lối thoát cho vấn đề vỉa hè của Đà Nẵng.

Từ giữa năm 2006 đến nay - khi lực lượng Thanh niên xung kích (TNXK) không còn là đội quân chủ lực quản lý TTVH, thay thế bằng cấp quận và phường trực tiếp quản lý, vỉa hè gần như bị thả nổi trong cảnh “vườn không, nhà trống”. Thi thoảng, vẫn có lực lượng công an, kết hợp với TNXK, Đội quản lý trật tự đô thị của quận, phường tham gia ổn định trật tự, đẩy đuổi nhưng khi có lực lượng thi hành nhiệm vụ người dân lập tức dẹp vào, khi lực lượng vừa đi khỏi, cảnh tượng buôn bán tràn lan, nhếch nhác lại như cũ.

Những địa điểm “nóng” bấy lâu nay như đường Hoàng Diệu (đoạn chợ Mới), Nguyễn Thái Học (chợ Hàn)…, người kinh doanh buôn bán, người đi chợ vẫn “vô tư” tràn xuống lòng lề đường, bất chấp cảnh kẹt xe thường xuyên trên phố. Đường Ông Ích Khiêm có cả hàng trăm hộ kinh doanh đồ gỗ xem vỉa hè như là “của riêng” khi hàng hóa được bày bán nghênh ngang ra tận bó vỉa hè. Các tuyến đường cấm như Bạch Đằng, Trần Phú, Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh…, hàng trăm cửa hàng, cửa hiệu, người bán hàng rong đua nhau lấn chiếm vỉa hè.
 
Nhiều tuyến đường nội ô của Đà Nẵng, ở bất cứ thời điểm nào cũng thấy tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm. Khách mua sắm, ăn uống thì loay hoay không biết dựng xe ở phía trong hay phía ngoài vỉa hè. Người đi bộ lúc phải bước hẳn xuống lòng đường, lúc lách mình ở trong những nghênh ngang hàng quán.

Chưa có mô hình cụ thể

Vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ đành phải đi dưới lòng đường.
Hiện nay, thành phố đang giao cho quận Hải Châu thực hiện thí điểm mô hình quản lý trật tự kinh doanh vỉa hè. Chị Nguyễn Thị Công, Phó phòng Kinh tế quận Hải Châu cho biết: “Là một quận trung tâm nên người dân kinh doanh, buôn bán trên địa bàn rất đông. Trước mắt, chúng tôi sẽ thực hiện với đối tượng kinh doanh ăn uống. Hiện nay, chúng tôi đang thống kê số liệu cụ thể để báo cho Sở Công thương nhưng giải pháp thực hiện đến nay vẫn chưa có mô hình cụ thể”.

Địa bàn “nóng” nhất của quận Hải Châu là phường Hải Châu 2. Đa số người dân đều buôn bán, kinh doanh ăn uống trên vỉa hè. Anh Nguyễn Phan Xuân Quý, tổ trưởng tổ trật tự của phường Hải Châu 2 cho biết: “Đoạn đường Hùng Vương - Ông Ích Khiêm có những hộ kinh doanh ăn uống gần như thâu đêm suốt sáng với tên gọi là “Ngã tư quốc tế”. Bọn tội phạm cũng nương náu chỗ này trước khi “hành sự”. Vừa qua, Công an phường đã tiến hành bắt giữ vài vụ trộm cắp, buôn bán ma túy… Ngoài vấn đề ồn ào, mất trật tự, người dân sống chung quanh cũng luôn kêu ca về tình trạng vệ sinh môi trường ô nhiễm khi các hàng quán thường xuyên xả rác”.

Chưa kể đến dân tứ xứ tập trung về buôn bán, số hộ dân của Hải Châu 2 đã là 2.917 hộ mưu sinh chủ yếu bằng kinh doanh. Phường lại có chợ Cồn, không có chỗ đậu đỗ xe nên khu vực chung quanh nghiễm nhiên trở thành những bãi giữ xe và tập kết hàng.

Quận Hải Châu cũng đã nghĩ đến mô hình tập trung từng cụm kinh doanh ăn uống để dễ quản lý về trật tự cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng kiếm đâu ra địa điểm thích hợp? Có chăng, chỉ tập trung được vài chục hộ, trong lúc số hộ kinh doanh lên đến hơn 1.500 hộ. Mỗi phường, tổ quản lý trật tự chỉ có từ 2-3 người. Công an phường có một người chuyên trách về TTVH nhưng vỉa hè lại có biết bao nhiêu chuyện, đâu chỉ mỗi chuyện kinh doanh, buôn bán! TNXK đã không còn chức năng quản lý, xử phạt, cấp phép. Thỉnh thoảng, thành phố mới tổ chức một đợt ra quân - gồm nhiều lực lượng – nhưng sau đó, vỉa hè vẫn trở lại tình trạng cũ.

Nỗ lực hết sức để lập lại TTVH, 13 phường của Hải Châu đang tiến hành triển khai việc cho các hộ đăng ký kinh doanh trên vỉa hè theo quy định có thu phí hẳn hoi. Tuy nhiên, với lực lượng quản lý TTVH quá mỏng, sự nỗ lực tuyên truyền, vận động hộ dân kinh doanh buôn bán sẽ khó mang lại kết quả tốt.
Để tạo mỹ quan đô thị, thực hiện Chương trình “3 có” của thành phố, vấn đề quản lý, lập lại TTVH là chuyện hiển nhiên, cần phải làm nhưng lời giải bài toán vỉa hè hình như vẫn chưa có đáp số. Nhiều ý kiến cho rằng, để làm được điều đó, việc đầu tiên Đà Nẵng cần phải làm là có hẳn một lực lượng chuyên trách, tránh tình trạng “mỏng” người, “cha chung không ai khóc” như bấy lâu nay.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.