Ngày 9-1-2008, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND quy định sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố. Tiếp đó ngày 22-2-2008, Sở Giao thông - Công chính thành phố cũng tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định này, với sự tham gia của các đơn vị liên quan và các quận, huyện.
Lòng đường Ông Ích Khiêm đoạn qua chợ Cồn đã bị lấn chiếm hết. |
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị liên quan đã thống nhất phương án phối hợp triển khai, cũng như bày tỏ quyết tâm thực hiện bằng được yêu cầu của Quyết định 04 trên. Thế nhưng không hiểu các đơn vị “quyết tâm thực hiện” thế nào mà ngày 12-5-2008, thành phố phải ban hành tiếp văn bản số 2742/UBND-QLĐT với “tối hậu thư” là trước ngày 25-5-2008 phải giải quyết dứt điểm các điểm “nóng” lấn chiếm sử dụng vỉa hè. Tuy nhiên đến nay, mọi việc vẫn không có gì chuyển biến, nhiều đoạn vỉa hè vẫn ngang nhiên bị lấn chiếm khiến giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng lẽ cơ quan chức năng đã bó tay trước vấn nạn này?
Với rất nhiều người, những điểm vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm đã được nêu trong văn bản số 2742 như khu vực chợ Tam Giác (cũ), chợ Hàn, đường Ông Ích Khiêm... từ lâu gần như đã trở thành căn bệnh mãn tính không thể cứu chữa. Vì trên thực tế trong những năm qua, không biết bao nhiêu chiến dịch, đợt ra quân cao điểm để lập lại trật tự giao thông của mọi lực lượng như CSGT, Thanh tra giao thông công chính đến lực lượng Thanh niên xung kích, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, tuy nhiên tất cả đều chung kết quả là thất bại ngay sau khi bóng dáng lực lượng chức năng vừa đi khuất.
Một kịch bản rất giống của những đợt ra quân này là lực lượng chức năng đến, những người lấn chiếm vỉa hè, lòng đường di chuyển hàng quán vô trong một tí và khi họ vừa đi qua, ngay lập tức trở về vị trí ban đầu. Cứ thế suốt nhiều năm liền, đến nỗi ngay những người làm nhiệm vụ cũng mệt mỏi và người vi phạm cũng xem đó là chuyện thường ngày.
Chính vì kiểu suy nghĩ trên mà hiện nay, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở rất nhiều trục đường chính diễn ra ngang nhiên, coi thường cả cơ quan chức năng. Một ví dụ điển hình là đường Ông Ích Khiêm đoạn gần chợ Cồn, từ sáng sớm đến chiều tối không những toàn bộ vỉa hè bị lấn chiếm mà lòng đường cũng bị “thắt cổ chai” suốt một đoạn dài nhưng chẳng thấy bóng dáng lực lượng chức năng đâu để vãn hồi trật tự.
Ngay tại khu vực chợ Hàn, dù lâu nay được xác định là điểm để du khách đến tham quan mua sắm, thế nhưng “thượng đế” đến đây luôn khó khăn trong việc đi lại vì vỉa hè bị bịt kín. Khoảng từ 16 giờ mỗi ngày, toàn bộ lòng đường Nguyễn Thái Học bên hông chợ đã biến thành nơi họp chợ, giao thông hoàn toàn tắc nghẽn. Đặc biệt tại khu chợ Tam Giác (cũ), dù chợ đã dời đi từ lâu, cảnh kẹt xe do lấn chiếm lòng lề đường vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Tìm hiểu vấn đề này tại hai quận Hải Châu và Thanh Khê đều được lãnh đạo hai quận này đưa ra lý do rất giống nhau: lực lượng kiểm tra quá mỏng, không thể kiểm tra tất cả điểm nóng, cũng như duy trì thường xuyên việc kiểm tra. Tuy nhiên theo chúng tôi, cách giải quyết của đơn vị chức năng cũng như các địa phương trong thời gian qua là chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Chính vì vậy, nếu có tăng cường lực lượng kiểm tra lên gấp vài chục lần con số hiện nay, vẫn không thể trả lại sự thông thoáng cho các vỉa hè và lòng đường.
Vấn đề ở đây không chỉ cấm họ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, mà trước hết nên tính đến chuyện bố trí chỗ cho họ có thể kinh doanh. Vì thực tế đa số những người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán thuộc diện nghèo, không nghề nghiệp, lớn tuổi… Giải quyết được tồn tại này thì lúc đó việc bảo đảm giao thông thông suốt mới đạt hiệu quả mong muốn và lâu dài.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN