.
SAU BÀI “TAN HOANG MỎ ĐÁ QUÝ HÒA NINH”

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc

.

* Giá đá thô tăng từ 5 nghìn lên 15 nghìn đồng/kg

Ngay sau khi bài báo “Tan hoang mỏ đá quý Hòa Ninh” đăng trên Báo Đà Nẵng, hôm qua (9-6), các cơ quan chức năng của thành phố đã vào cuộc nhằm nỗ lực ngăn chặn việc khai thác mỏ đá quý này.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người khai thác lén lút khi chúng tôi trở lại nơi đây. Và theo một nguồn tin, giá đá thô khai thác tại mỏ đã tăng từ 5 nghìn đồng lên 15 nghìn đồng/kg!

Thêm nhiều tảng đá to bị người khai thác đánh bật ra vào trưa hôm qua, ngày 9-6.


Giữa trưa hôm qua, 9-6, chúng tôi trở lại mỏ đá quý Thạch anh hồng tại thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Trên đường, chúng tôi bắt gặp ba người đi ngược trở ra. Trên tay họ cầm vài viên đá nhỏ, nhưng người thì ướt đẫm mồ hôi. Hỏi chuyện, được biết đó là cán bộ kiểm lâm khu vực và công an viên của xã Hòa Ninh được bố trí chốt chặn, nghiêm cấm người đi khai thác đá.
 
Vẫn theo lộ trình cũ, khi gần đến khu vực khai thác, chúng tôi nghe tiếng búa gõ chan chát giữa trưa nắng hè. Thấy có người xuất hiện, những thợ khai thác đá vội lảng nhanh vào trong các bụi rậm. Nhưng khi thấy chúng  tôi không có vẻ gì là đi kiểm tra, đồng thời sau vài câu bắt chuyện “thân thiện”, họ trở ra tiếp chuyện nhưng vẫn chưa chịu làm gì. Qua trò chuyện, họ cho biết đến khai thác lần đầu, vì nghe thông tin về mỏ đá nên lên đây kiếm ít tiền tiêu!

Tại hiện trường, những tảng đá mà chúng tôi bắt gặp hôm cuối tuần trước đã không còn. Thay vào đó, xuất hiện thêm nhiều hố đào ăn sâu vào vách núi. Đặc biệt, có hai tảng đá to nặng hàng tấn nằm phơi ra dưới nắng, ánh lên sắc hồng lẫn giữa bùn đất. Rõ ràng, những hình ảnh đó cho thấy, việc khai thác vẫn tiếp tục và dường như có phần sôi động hơn.

Sau khi trở về, một nguồn tin báo cho chúng tôi biết, giá đá thô được khai thác tại mỏ đá này đã tăng từ 5 nghìn đồng lên 15 nghìn đồng! Đầu giờ làm việc buổi chiều, chúng tôi quay trở lại trụ sở UBND xã Hòa Ninh. Ông Huỳnh Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết, ông cùng lãnh đạo huyện Hòa Vang và lực lượng kiểm lâm, công an đã lên kiểm tra tình hình vào buổi sáng; sau đó ông có giao nhiệm vụ cho ông Thắng, Trưởng Công an xã ở lại chốt chặn, không cho người vào khai thác, chờ cơ quan chức năng đến xử lý và có ý kiến. Ông cũng cho hay, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đã có ý kiến, trước mắt giao cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa phối hợp với chính quyền xã bảo vệ ban đầu.

Ngay sau đó, các lực lượng chức năng gồm: Công an, Tài nguyên-môi trường, Trật tự đô thị... của huyện Hòa Vang và thành phố đã lên hiện trường kiểm tra tình hình. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sương, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho biết, đã thấy loại đá đó rồi, nhưng xác định giá trị như thế nào thì còn chờ kiểm tra mẫu! Trước câu hỏi của phóng viên, vì sao chưa xác định được giá trị mà không tạm giữ chiếc xe tải chở hơn 12 tấn đá loại này từ thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn đi thành phố Hồ Chí Minh để kiểm tra và làm rõ, ông Nguyễn Sương chỉ cho biết: Vì chưa xác định được giá trị nên cho đi!

Cũng với câu hỏi này, ông Sa, Phó Công an xã Hòa Sơn, người trực tiếp có mặt tại nhà ông Khánh khi nhân công bốc xếp, chuyển đá đi, trả lời phóng viên qua điện thoại (vào chiều ngày 6-6), rằng lúc đó có mặt của lực lượng chức năng nhưng đều cho rằng, không có gì quan trọng lắm và chưa có chứng cứ nên không thể giữ họ lại! Về hóa đơn chứng từ, những người có mặt cũng không yêu cầu kiểm tra, vì cho biết họ chỉ “mua bán sang tay” thôi! Liệu có gì khuất tất trong việc để một lượng lớn tài nguyên ra khỏi địa bàn mà không kiểm tra nghiêm túc và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, mặc dù có nguồn tin báo của người dân? Điều này cần phải được làm rõ!

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.