.

Sống chung với bụi đá

.

Theo lời kể của những người lớn tuổi ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn: Làng nghề điêu khắc đá Non Nước được hình thành và phát triển đến nay đã gần 400 năm. Ngày nay, thương hiệu của đá Non Nước không những được cả nước biết đến mà các sản phẩm đá Non Nước đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Nỗi lo bệnh tật


Nước và nước axít được đổ ra đường gây ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. (Ảnh chụp ngày 22-6 tại đường Huyền Trân Công Chúa (quận Ngũ Hành Sơn).

Từ lúc chỉ có trên 40 hộ sản xuất thì bây giờ con số này đã tăng lên gấp 10 lần, tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động. Sự phát triển quá nhanh về số lượng, Làng đá Non Nước đang trở thành một làng ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Bác Hoàng (75 tuổi) bức xúc kể: “Cách đây vài chục năm, có rất ít người làm đá nên môi trường ở đây trong lành. Bây chừ nhiều cơ sở sản xuất đá đua nhau mọc lên. Khi các cơ sở hoạt động, nhà nào nhà ấy đều phải đóng cửa, bịt lỗ tai… vì không chịu nổi bụi đá và tiếng ồn. Hiện tại, người dân đang phải đối mặt với sự đe dọa về bệnh tật, bởi nguồn nước sinh hoạt đang có vấn đề do lượng nước axít từ các cơ sở sản xuất đá hằng ngày được đổ xuống mặt đất”.

Hầu hết các cơ sở sản xuất đá tập trung ở hai bên đường Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hiến, Nguyễn Duy Trinh. Khi các cơ sở hoạt động, bụi đá bay ra môi trường chung quanh, và đặc biệt là lượng axít do xử lý làm mòn đá trong quá trình làm bóng sản phẩm trực tiếp thải ra xuống mặt đất. Các cơ sở sản xuất đá không hề có một dụng cụ nào che chắn để hạn chế bụi đá, nếu có cũng chỉ là những tấm bạt rách nát. Thậm chí, hàng trăm công nhân đang đục đẽo những khối đá khổng lồ, bụi bay mù mịt, trong khi chẳng một công nhân nào có bảo hộ lao động. Nhiều người khi được hỏi, còn trả lời tỉnh bơ: “Dùng bảo hộ lao động vướng víu lắm, làm nghề này gần chục năm nay rồi, có sao đâu”. 

Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế mà làng nghề này đã mang lại cho người dân địa phương, nhưng sau mỗi một tác phẩm đá được hoàn thiện, môi trường chung quanh phải hứng chịu một lượng bụi đá rất lớn và lượng axít thấm vào đất ngày càng tăng lên. Hiện tượng các giếng nước bị ô nhiễm, có mùi tanh... xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm, trong một tương lai không xa, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước sẽ trở thành làng… ô nhiễm.

Khi nào dự án được thực hiện?

Đã có nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường tại Làng đá Non Nước được các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đưa ra nhưng xem ra vẫn chưa phát huy tác dụng. Ông Huỳnh Đức Đình, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho hay: Ngày 18-7-2007, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 5633 phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết làng nghề đá mỹ nghệ. Theo đó, khu đất quy hoạch Làng đá mỹ nghệ nằm tại khu vực phía Nam đường Mai Đăng Chơn, thuộc 2 phường Hòa Hải và Hòa Quý.

Tổng diện tích 354.880m2, trong đó 117.396m2 đất được bố trí cho sản xuất đá, 1.955m2 đất xây dựng trạm xử lý nước thải, diện tích đất còn lại được bố trí xây dựng nhà ở, công trình công cộng, hệ thống giao thông… Sau khi có quyết định phê duyệt, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã tiến hành lập thủ tục các bước xây dựng cơ bản theo đúng quy định; phối hợp với các đơn vị khảo sát thực hiện việc cắm mốc ranh giới theo đồ án được duyệt… Nhưng trong quá trình triển khai, khu đất thuộc đơn vị A20 - Cục Kỹ thuật nghiệp vụ 1 (Bộ Công an) nằm trong diện di dời và giải tỏa của dự án khó có thể thực hiện được.
 
Để dự án được triển khai đúng kế hoạch (bắt đầu từ năm 2009), theo ông Đình, nếu dự án Làng đá mỹ nghệ không thể xây dựng được ở vị trí đã được phê duyệt, cần xem xét đến phương án chọn địa điểm mới. Điều này cũng là mong ước của hàng ngàn người dân địa phương đang phải hứng chịu cảnh sống chung với bụi đá, tiếng ồn và nước axít thải ra từ các cơ sở sản xuất đá.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.