.

Tấm lòng nhà báo

.

Đi nhiều, tiếp xúc nhiều là điều kiện để những người làm báo biết đến những mảnh đời bất hạnh cần được cưu mang, giúp đỡ. Bằng nhiều cách, họ đã mang lại cho những người nghèo một niềm tin vào cuộc sống vốn còn nhiều khốn khó…

Từ suy nghĩ đến hành động

Đêm thơ nhạc Vì trẻ thơ xứ Quảng, do những người làm báo tổ chức.
http://my.opera.com/traitimnhanai/blog được chị T.P., nữ phóng viên trẻ một tờ báo ngành tại Đà Nẵng lập ra sau khi nhận được yêu cầu giúp đỡ từ phía Trường tiểu học Trần Bình Trọng (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), kêu gọi các tổ chức, đoàn thể bảo trợ cho 9 em học sinh nghèo, mồ côi đang học tập tại trường.

Được sự hỗ trợ, giúp sức từ kế hoạch tuyên truyền của báo chí, hiện cả 9 em đã được các nhà hảo tâm nhận làm con đỡ đầu. Riêng người lập ra website trên đã nhận bảo trợ cho bé Nguyễn Mai Đức, học sinh lớp 4/2. Đức mồ côi cha, mẹ đi thêm bước nữa nên em sống cùng ông bà ngoại. Ngoài ra, chị cũng đã vận động được một đồng nghiệp hiện đang công tác tại một tờ báo ở Hà Nội nhận đỡ đầu cho em Đinh Ngọc Hòa, học sinh lớp 2/2, mồ côi cha, mẹ bị mù.

Trước đó, người mẹ tật nguyền ấy hằng ngày vẫn lê la khắp hàng quán với tập vé số trong tay để nuôi con. Nhưng, khi giá vé tăng từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng thì người ta không cho chị nhận vé nữa. Chị chuyển sang bán chiếu nhưng số tiền còm cõi kiếm được hằng ngày không đủ cho con ăn học.      

Người ta thường nói, người làm báo chỉ biết “Đọc, đi, nghĩ, viết”, thế nhưng trên thực tế, nhiều nhà báo có tấm lòng khi bắt gặp những mảnh đời khó khăn đã không chỉ viết mà còn hành động. Có thể nói, cái tâm hướng thiện của họ đã thể hiện trên chính bài viết đầy tính nhân văn của mình. “Một cây làm chẳng nên non…”, bằng nhiều cách, người làm báo đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở Đà Nẵng cùng chung tay góp sức để giúp đỡ những hoàn cảnh đáng thương.

Thời gian gần đây, trên blog http://khoavietnam.vnweblogs.com cũng đã xuất hiện nhiều chương trình và những tấm lòng thơm thảo hướng về người dân nghèo xứ Quảng. Nhà báo Đặng Ngọc Khoa cho biết: “Bắt đầu là Quảng Nam, sau đó có thể là các tỉnh thành khác. Khi nào doanh nghiệp vẫn đứng bên cạnh báo chí thì chúng ta sẽ làm nhiều điều có nghĩa nữa cho trẻ em nghèo”.

Phát triển từ thế giới ảo

Khoa học kỹ thuật phát triển là điều kiện để nhà nhà, người người truy cập thế giới mạng. Bằng cách này, nhiều kế hoạch, công tác từ thiện sẽ được thông tin và cập nhập đầy đủ để mọi người biết và tham gia. Sự công khai, minh bạch số tiền tài trợ đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp.

Từ thành công ban đầu của đêm giao lưu quyên góp từ thiện cho trẻ em nghèo xứ Quảng, nhà báo Đặng Ngọc Khoa đã cùng một số đồng nghiệp của mình tổ chức thành công đêm thơ nhạc “Vì tuổi thơ xứ Quảng” đêm ngày 8-6-2008 (nhằm ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch) với sự hạnh ngộ của nhiều giới, từ trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên đến tăng ni phật tử. Chương trình đã lập hẳn ra một websise http://vitrethoxuquang.vnweblogs.com để kết nối mọi người lại với nhau trong một tấm lòng. Đêm từ thiện đã quyên góp được cho Quỹ bảo trợ trẻ em Quảng Nam 27,7 triệu đồng, 100 USD, 100 AUD và 4 thùng áo ấm. Toàn bộ số tiền và tặng phẩm này sẽ được chuyển tới tay trẻ em nghèo Quảng Nam.

Một nhà báo tên là Q.M đang công tác tại Tòa soạn của một tờ báo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có nhiều năm tham gia công tác từ thiện. Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng ông vẫn có nhiều hoạt động kêu gọi sự tài trợ của nhiều tổ chức, đoàn thể hướng đến những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Trước đây, trong dịp hè, vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần, ông cùng với nhóm sinh viên tình nguyện Trường Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại ngữ đến dạy tiếng Anh cho học sinh ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội ở Đà Sơn - Hòa Khánh.

Chặng đường vẫn còn xa

Đó là câu mà một số nhà báo khi đi làm từ thiện thường nói với nhau. Chị T.P. sau khi tiếp xúc với 9 em bé mồ côi đã có những thông tin kịp thời đến những nhà hảo tâm, góp phần tạo nên những suất học bổng hỗ trợ các em trong việc học cũng như trong cuộc sống. Học bổng này sẽ kéo dài trong 3 năm với mỗi suất trị giá 600.000 đồng/năm. Mùa hè này, các em đã có sách vở và quần áo mới. Hy vọng sẽ xua đi trong các em sự mặc cảm với sự thiếu thốn về tinh thần và vật chất.

Trong thời gian tới, nhóm blogger Đà Nẵng sẽ tiếp tục cùng nhà báo Đặng Ngọc Khoa tổ chức đêm thơ nhạc tại xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam để tập hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo Đại Cường xây dựng nhà tình nghĩa. Trước đó, trong chuyến đi điền dã về Đại Cường hồi tháng 3, nhóm đã quyên góp tại chỗ được 5 căn nhà với trị giá 15 triệu đồng/căn.

Trong làng báo, vẫn còn nhiều lắm những người như chị T.P, anh Đặng Ngọc Khoa, anh Q.M…, họ vẫn đang cùng đồng nghiệp của mình tìm đến những hoàn cảnh khó khăn cần được cưu mang, giúp đỡ. Một bài viết, một món quà, một việc làm có ý nghĩa sẽ mang lại cho những người bất hạnh nghị lực, niềm tin yêu vào cuộc sống. Hạnh phúc của họ chính là món quà lớn nhất dành cho những người làm báo.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.