.

Tan hoang mỏ đá quý Hòa Ninh

.

Mỗi kilogam Thạch anh hồng nhập về từ Brazil trị giá 100 USD; trong khi đó một mỏ đá quý như thế có trữ lượng hàng trăm ngàn tấn ở thôn An Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang vừa được người dân phát hiện chưa đầy một tháng qua đã tan hoang vì kiểu khai thác “thổ phỉ”. Nguy cơ mất trắng hàng triệu USD nếu không có phương án bảo vệ kịp thời mỏ đá
quý này...


Tan hoang mỏ đá quý

Mỏ đá quý bị tan hoang vì kiểu khai thác “thổ phỉ”. 

Xế trưa cuối tuần qua, dưới cái nắng hầm hập và oi bức ở vùng miền núi báo hiệu một cơn giông sớm, chúng tôi lầm lũi theo chân người dẫn đường tên T. leo ngược lên triền núi nằm bên cạnh dòng suối Mơ thơ mộng, sau khi gửi xe ở một nhà dân ven đường. Con đường dốc khúc khuỷu quanh co nhỏ dần và trơn trượt, nhão nhoét bùn đất đỏ vì dư âm của cơn mưa hôm qua.
 
Bắt đầu vào con đường độc đạo chênh vênh trên triền núi, mặc dù dòng thác Mơ trắng xóa quyến rũ đổ xuống trước mặt, nhưng chúng tôi vẫn không dám nhìn vì phải lo bám vào những cành cây vươn ra bên đường, vì chỉ cần sơ sểnh một chút là sa chân rơi tòm xuống vực. Dọc đường, chúng tôi bắt gặp những thanh niên cặm cụi vác những bao tải nhỏ, lấm lem bùn đất trên vai.
 
Người dẫn đường ý tứ ra hiệu với chúng tôi, đó là những người khai thác đang trở ra. Khi mồ hôi vã ra ướt áo và chân đã có dấu hiệu chùng, thì trước mặt chúng tôi hiện ra một vùng đất đỏ tươi với những hầm, hố phô bày ra trước mặt và đặc biệt là những đống đá được vun lên, trắng hồng rạng rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Phát hiện thấy người lạ, những người đang khai thác lảng dần đi một cách nhanh chóng, để lại hiện trường ngổn ngang những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng để khai thác đá che  lẫn với bao bì, đồ đựng thức ăn.
 
Người dẫn đường thốt lên: Trời ơi, mới có hơn nửa tháng mà khu vực ni rách tươm ra ri rồi hè! Nhanh thiệt đó! Tốc độ như ri thì phải là hàng trăm người khai thác cùng lúc đây! Chúng tôi cúi xuống nhặt những mẩu đá nhỏ. Tất cả đều có một màu hồng trong suốt, miết bàn tay vào thấy mát lạnh với cảm giác như đá đang đổ mồ hôi dầu. Con mắt chưa từng trải nghiệm trên thị trường đá quý như chúng tôi cũng cho thấy, đây không thể là loại đá thường!

Chúng tôi lần mò vào những hang ngách được những người khai thác đá vạch ra giữa đám cây rừng, chỉ cần gạt sơ lớp đất trên mặt bằng tay cũng phát hiện những vỉa đá lộ thiên. Phủi mạnh tay một chút là ánh hồng sáng lên lập tức. Không dám chần chờ lâu vì sợ nguy hiểm, chúng tôi vơ vội vài viên đá nhỏ rồi trở ra. Trên đường ra, lác đác bắt gặp những tảng đá được chằng buộc dây hoặc gói trong bao vứt vội bên đường. Ướm thử, có viên nặng khoảng trên dưới 100 kg! Cũng vội vã như chúng  tôi, là những chiếc xe máy “chiến” rồ ga, tha vội những viên đá như thế luồn lách trong đường rừng ghồ ghề, trơn tuột...

Chính quyền không biết hay làm ngơ?

Cảnh mua bán đá tại nhà ông Khánh, xã Hòa Sơn.

Tầm hơn đầu giờ làm việc buổi chiều thứ sáu, ngày 6-6, chúng tôi ghé vào trụ sở UBND xã Hòa Ninh và vào thẳng phòng Chủ tịch UBND xã Huỳnh Tân. Sau khi giới thiệu, chúng tôi đặt vấn đề với ông Chủ tịch về việc người dân phát hiện mỏ đá quý trên địa bàn thôn An Sơn. Ông Huỳnh Tân thoáng ngỡ ngàng: “Thế hả, chúng tôi có nghe nói là người dân khai thác đá, và chỉ nghe thế thôi chứ không biết đá gì và đã cho kiểm tra nhưng không bắt được”.
 
Lý do không ngăn cản mà ông Huỳnh Tân đưa ra là: Khu đất 42 hécta này là của hộ ông Bùi Ngọc Thanh Hương đã thỏa thuận đền bù với thành phố để bàn giao đất cho Công ty TNHH Hoàn Cầu làm cáp treo lên Bà Nà. “Khu vực này chúng tôi chẳng muốn vào làm gì nữa và vì nằm trên đất họ nên không có chủ trương cấm. Vả lại người dân không khai thác ồ ạt và không vận chuyển bằng ô-tô nên chúng tôi không cấm và cũng không báo lên cấp trên. Mà người khai thác chủ yếu ở Hòa Sơn, chứ dân xã tui không có ai!” - Ông Tân nhấn mạnh.

Để minh chứng cho sự việc xảy ra không có gì nghiêm trọng, ông Huỳnh Tân cho gọi Trưởng Công an xã Hòa Ninh vào phòng mình. Trả lời câu hỏi của các nhà báo có biết việc khai thác đá như thế xảy ra trên địa bàn thôn An Sơn, ông Phạm Đức Thắng, Trưởng Công an xã khẳng định: Anh em chúng tôi đi tuần tra thường xuyên nhưng vẫn không biết người ta làm gì trong đó! 

Rõ ràng, sự bất nhất trong cách trả lời này cho thấy, mặc dù lãnh đạo xã Hòa Ninh đã phát hiện ra vụ việc, nhưng có thể họ không báo lên cấp trên hoặc ra tay ngăn chặn vì một lý do nào khác, ngoài việc viện lý do rằng chúng tôi “không biết”! Điều này cần được xác minh làm rõ.

Rời trụ sở UBND xã Hòa Ninh, theo nguồn tin báo, chúng tôi về thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn. Chúng tôi lượn ngang qua nhà ông Khánh, được cho là nơi tập kết cuối cùng để vận chuyển lên xe đưa vào Sài Gòn bán cho một “đầu nậu” tên Q. Đống đá vun cao trước sân nhà đang được “tiếp thêm” khi có từng chuyến xe máy đổ về. Chung quanh sân là hàng chục thanh niên cởi trần, nét mặt lạnh lùng đang ngồi uống nước.
 
Thấy tình hình không ổn, chúng tôi vào trụ sở UBND xã Hòa Sơn và xin được làm việc với lãnh đạo xã. Mặc dù đang dự Đại hội chi bộ cơ quan, nhưng ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn vẫn tiếp các nhà báo. Nghe chúng tôi trình bày vấn đề, ông Phạm Xem cũng lộ vẻ ngạc nhiên: “Lâu nay chúng tôi có nghe nói người dân ở đây cũng đi nhặt đá trên suối Mơ về bán làm hòn non bộ; vả lại mình không có chuyên môn nên đâu biết đó là đá gì!” Trước yêu cầu được hỗ trợ của phóng viên, ông Phạm Xem cử ông Đính, Phó Chủ tịch UBND xã cùng với một công an viên đi cùng đến nhà ông Khánh. Lúc này, trước nhà đã có một chiếc xe tải hạng 15 tấn đang đỗ để chuẩn bị bốc dỡ, vận chuyển đá vào thành phố Hồ Chí Minh.

Vừa gọi điện thúc giục nhân công đến bốc đá, ông Khánh cho chúng tôi biết: Đá này người dân nhặt trên xã Hòa Ninh về bán cho ông để ông bán cho người ta làm hòn non bộ, chứ không biết loại đá này giá trị như thế nào và để làm gì! Chúng tôi chỉ vào một hòn đá to, nặng khoảng hơn 100kg và hỏi ông Khánh về giá cả, ông cho biết, chỉ mua lại với giá 40 nghìn đồng, theo phương thức mua theo “cục”. Nhưng qua tìm hiểu từ nguồn tin, chúng tôi được biết, giá mua tại đây dao động khoảng từ 5 - 10 nghìn đồng mỗi kg. Như vậy, hòn đá mà chúng tôi chỉ, có giá khoảng 500 nghìn đồng. Trong khi đó, theo ước lượng của ông Khánh, khối lượng đá tập kết trước sân nhà lúc đó khoảng 12 đến 15 tấn!

Thạch anh hồng có giá như thế nào?

Mang những mẩu đá nhặt được từ trên mỏ, chúng tôi tìm hiểu và liên lạc được với một người có chuyên môn sâu trên thị trường đá quý của Đà Nẵng hiện nay là ông Mai Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Đá quý Ngọc Phát, có trụ sở và cửa hàng bán tranh đá quý trên đường Phan Châu Trinh. Nhìn thấy những mẩu đá này, ông xác định ngay là loại Thạch anh hồng, còn gọi là Hồng ngọc thạch. “Kinh doanh trên thị trường đá quý hơn 20 năm rồi, tôi chưa thấy loại Thạch anh hồng nào đẹp như thế này! Tại Việt Nam, chỉ có rải rác ở Yên Bái, Đắc Lắc, nhưng số lượng không nhiều và nhất là chất lượng không bằng.

Ngay cả Thạch anh hồng nhập về từ Brazil có giá 100 USD mỗi kg, cũng không đẹp như đá này. Loại đá này có “sao”, nghĩa là khi ngâm trong dung dịch titan và đưa ra dưới ánh sáng mặt trời, sẽ thấy những tia sao óng ánh cực kỳ lộng lẫy!” - Sau một hồi sơ chế và thẩm định, ông Mai Văn Linh khẳng định về giá trị của loại đá mà chúng tôi mang về như vậy.

Ông Linh cũng thực sự ngạc nhiên, vì không nghĩ là loại Thạch anh hồng giá trị như vậy lại được phát hiện tại suối Mơ, xã Hòa Ninh. Vì theo ông, đá này được hình thành phải qua hàng nghìn năm, thuộc loại đá bán quý, sau nhóm  “tứ quý” là: Kim cương, hồng ngọc, saphia và ngọc lục bảo. Trong nhóm đá bán quý này, Thạch anh tím giá trị nhất với khoảng 25 nghìn USD mỗi kg, sau đó đến Thạch anh hồng. Ngoài việc làm các đồ mỹ nghệ, trang sức có giá trị và tận thu làm tranh đá quý, thì Thạch anh hồng rất có giá trị trong việc tạo phong thủy, chữa bệnh bằng phương pháp massage nên được người Trung Hoa ưa chuộng.

“Với một mỏ đá quý như thế này, phải biết bảo vệ một cách nghiêm ngặt và tổ chức khai thác chuyên nghiệp, bài bản thì mới tạo nên giá trị lớn được; chứ khai thác thủ công, nhỏ lẻ sẽ phá hoại nguồn tài nguyên quý giá này. Vả lại, tại Việt Nam loại đá có “sao” như thế chỉ có ở Đà Nẵng, thì cũng phải nghĩ đến một sản phẩm du lịch mang đặc trưng của thành phố, thì khi đó nó lại càng tăng thêm giá trị nữa!” - Ông Mai Văn Linh nhấn mạnh.

Giá trị của loại đá quý ở xã Hòa Ninh ban đầu đã được xác định. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ và khai thác một cách chuyên nghiệp, tránh nguy cơ mất trắng hàng triệu USD đang nằm trong tay mình!                       

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.