Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh
Cách đây 60 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta còn đang trong thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc nhằm động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc.
Để triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước phát huy truyền thống thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Truyền thống thi đua yêu nước của nhân dân ta đã và đang là động lực tinh thần quý báu tạo nên sức mạnh tổng hợp, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 20 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đã 60 năm qua, thời gian tính bằng cả một đời người, nhưng mãi cho đến hôm nay, lời dạy của Bác như vẫn còn vang vọng, hiện hữu trong mỗi chúng ta, những lời dạy chân chất, mộc mạc mà thấm đượm tình yêu nước, thương dân của Bác. Trong khoảng thời gian của những ngày đầu kháng chiến kiến quốc, là những ngày mà đất nước ta, dân tộc ta đang trong thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã khơi dậy trong toàn thể đồng bào, toàn thể bộ đội tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để kháng chiến, kiến quốc; trách nhiệm này không phải của riêng ai, mà là của tất cả mọi người, của những người Việt Nam yêu nước.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống thi đua yêu nước, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn coi trọng và đặc biệt quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai, tổ chức phong trào thi đua yêu nước; động viên cán bộ, nhân dân thành phố nhiệt tình hưởng ứng, tham gia; tạo được không khí thi đua sôi nổi.
Thi đua đã thực sự là công cụ quan trọng, là động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở các ngành, các cấp. Những thành tích về công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian qua đã góp phần phát huy truyền thống, cổ vũ và khơi dậy sức mạnh to lớn của Đảng bộ, quân và dân thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: VĂN HOA |
Cùng với cả nước, thành phố chúng ta đang đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời chủ động hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Cạnh tranh và hội nhập là một cơ hội lớn, một môi trường tốt cho công tác thi đua yêu nước, đồng thời đòi hỏi phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới cần phải được đổi mới; đây là vấn đề lớn, đặt ra với các nhà lãnh đạo, quản lý trong theo dõi, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước.
Những kinh nghiệm, bài học từ phong trào thi đua thời kỳ kháng chiến và những năm đổi mới vừa qua là rất quý, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần có cách nghĩ mới, cách làm mới về thi đua yêu nước; nếu không, thi đua sẽ không phản ánh đầy đủ, không phát huy được tối đa sức sáng tạo của nhân dân; và như vậy, công tác thi đua, khen thưởng sẽ tự đánh mất đi vai trò, vị trí động lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương.
Chỉ thị số 35 và Chỉ thị số 39 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua-khen thưởng trong giai đoạn mới cũng đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, các cấp trong việc triển khai, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, chủ động nghiên cứu đổi mới công tác thi đua cho ngành, địa phương, đơn vị mình.
Nhìn lại chặng đường vừa qua, mặc dù còn không ít hạn chế và khuyết điểm, nhưng rõ ràng Đà Nẵng đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, tầm vóc, diện mạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của cả nước. Thành quả nổi bật nhất của chúng ta là đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đó chính là nguồn lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố; cả hệ thống chính trị tuy còn nhiều bất cập, nhưng vẫn luôn hướng về dân, gắn bó với dân và ngày càng có trách nhiệm với dân; công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cả thành phố như một công trường xây dựng, luôn tất bật, hối hả, làm cho thành phố ngày càng thay da đổi thịt, tạo cho thành phố diện mạo mới, được cả nước khen ngợi. Những thành tựu to lớn đó, có sự đóng góp vô cùng quan trọng của phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng...
Chúng ta đang sở hữu một tài sản vô giá và cực kỳ quan trọng, đó là lòng yêu nước, là tinh thần dân tộc; đó là lòng thương yêu con người, là ý chí vươn lên vì cuộc sống của cộng đồng. Những giá trị tinh thần cao quý đó phải được phát huy để trở thành động lực của phong trào thi đua yêu nước, cống hiến hết sức mình cho cộng đồng và cho thành phố, luôn tự nâng cao phẩm chất, nhân cách, biết hành động vì mọi người, vì cộng đồng để đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy khí thế thi đua yêu nước, phát huy truyền thống cách mạng, tôi kêu gọi mọi ngành, mọi nhà, mọi người, không phân biệt quê quán, không phân biệt lương, giáo; tất cả chúng ta hãy ra sức rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trí tuệ, chung sức chung lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, vững bước tiến lên; hãy dấy lên cao trào thi đua yêu nước sôi nổi, lập thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, chiến đấu; quyết tâm xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố văn minh, hiện đại góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.