.
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 6 (KHÓA X)

Đà Nẵng xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở

.

Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Trung ương Đảng về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” đặt ra yêu cầu lớn và toàn diện về đội ngũ cán bộ; trong đó có việc tạo bước chuyển có tính đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở.

Từ việc nhận định sớm tình hình, Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị và tạo nên những kết quả bước đầu, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mà nghị quyết đã đề ra.

Để thành phố phát triển năng động, cần có đội ngũ cán bộ có năng lực và tâm huyết.

Sau Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã cho ra đời Chỉ thị số 01/CT-TU về “Năm công tác cán bộ và cải cách thủ tục hành chính”. Đây chính là “cú hích” quan trọng để tạo nên một bước đột phá thực sự trong công tác cán bộ (CB) từ thành phố đến cơ sở. Ở các cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy, nhiều đơn vị đã xây dựng đề án về công tác CB nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 01/CT-TU để có phương án đưa vào thực hiện.

Ông Lê Văn Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Cẩm Lệ cho biết, từ việc ra đời của văn bản có tính chất quan trọng này, Quận ủy Cẩm Lệ đã có cách làm quyết liệt hơn và định hướng đúng đắn trong công tác CB của một quận mới thành lập, để từ đó xây dựng một đội ngũ CB “chuẩn hóa” trong tình hình mới.

Xác định như vậy, nên các cơ sở Đảng tập trung vào xây dựng đội ngũ CB được “chuẩn hóa” về nhiều mặt, trong đó đặt lên hàng đầu các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đạo đức...

Những tiêu chí được đặt ra trước yêu cầu đổi mới chất lượng của các địa phương trước thềm năm 2010, trong đó yêu cầu các chức danh chủ chốt ở cấp xã, phường, quận, huyện và tương đương phải tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành là một yếu tố khách quan, trước sự đòi hỏi phát triển của xã hội và yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của CB. Bên cạnh đó, việc “trẻ hóa” CB cũng được đặt ra, bởi việc “trẻ hóa” thường đi kèm với khái niệm “chuẩn hóa” về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cộng với sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý...

Ngay như ở huyện Hòa Vang, mặc dù có khó khăn về “nguồn”, nhưng Huyện ủy cũng xác định phấn đấu đến năm 2010, có từ 20-25% cán bộ chủ chốt và Ban Chấp hành Đảng bộ xã có tuổi đời dưới 35 tuổi. Việc đào tạo CB cũng gắn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ với việc đào tạo theo “thực tế”; trong đó, Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW cũng đã xác định: Bố trí hợp lý sinh viên, cán bộ được tuyển chọn, đã qua đào tạo bồi dưỡng trong thời gian qua, nhất là số cán bộ hiện đang đào tạo thuộc diện đã quy hoạch cán bộ chủ chốt xã, phường; xây dựng đề án đào tạo-bồi dưỡng 150 người có trình độ đại học nhằm tạo nguồn cho chức danh bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường trong thời gian đến...

Một tín hiệu đáng mừng trong chủ trương thực hiện công tác CB của Đà Nẵng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CB cơ sở nhằm “đón đầu” Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X), chính là việc thí điểm thi tuyển các chức danh cán bộ chủ chốt của một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và thi tuyển công chức xã, phường.

Các đơn vị như: Sở GD-ĐT, Sở Giao thông-Công chính... đã thực hiện việc này thành công; trong đó các chức danh Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên, Hiệu phó Trường THPT Phan Châu Trinh qua một thời gian công tác đã cho thấy hiệu quả của việc thí điểm này. Từ thành công đó, trong thời gian tới, thành phố tiến hành thi tuyển chức danh CB ở khoảng 30 vị trí...
 
Đội ngũ công chức xã, phường qua thi tuyển đã cho thấy ngày càng được “chuyên nghiệp hóa” nên chất lượng có được nâng lên. Đây chính là tiền đề để các quận, huyện kiên quyết không tuyển dụng CB không bảo đảm tiêu chuẩn, không còn khả năng đào tạo; chuyển cán bộ chuyên trách không đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm CB không chuyên trách hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định...

Tuy nhiên, vẫn còn đó những lo ngại trước chất lượng đội ngũ CB, nhất là ở cấp xã, phường. Việc rất ít người tham gia vào việc thi tuyển công chức cấp này cho thấy, những vị trí đó chưa thật sự hấp dẫn để thu hút người tài, nên chất lượng chưa cao. Thiếu hấp dẫn chính là do thu nhập thấp so với công việc đảm nhận và quá trình đào tạo.
 
Chính sách thu hút người tài vẫn còn “vướng” với những quy định chung, chưa có một cơ chế đặc thù nào để việc triển khai được nhanh chóng và thực sự phát huy hiệu quả... Đây là những vướng mắc cần tháo gỡ để chất lượng đội ngũ CB ngày càng được nâng cao hơn nữa trong thời gian đến, mà cái mốc trước mắt chính là năm 2010!

Bài và ảnh: ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.